Nông dân miền Tây tiếp cận công nghệ AI – Bài 2: Định danh mã số vùng trồng

Theo Bộ NN-PTNT, đến năm 2023, tổng diện tích cây ăn trái toàn vùng ĐBSCL là hơn 400.000ha, sản lượng đạt gần 5,8 triệu tấn; so với năm 2013, diện tích tăng 36,6%, sản lượng tăng 66,2%. Định danh mã số vùng trồng (MSVT) và mã số cơ sở đóng gói (MSCSĐG) được xem là giấy thông hành cho xuất khẩu trái cây hiện nay.

Người dân thu hoạch cam sành tại Vĩnh Long. Ảnh: QUỐC AN

Người dân thu hoạch cam sành tại Vĩnh Long. Ảnh: QUỐC AN

Giám sát mã số vùng trồng

MSVT và MSCSĐG được xem là bộ đôi tạo nên giấy thông hành xuất khẩu cho trái cây Việt Nam. Theo Bộ NN-PTNT, hiện ĐBSCL có số lượng MSVT lớn nhất cả nước (3.975 MSVT - chiếm 57%) đang hoạt động, và tỉnh có số lượng vùng trồng lớn nhất là Đồng Tháp. ĐBSCL hiện cũng đứng đầu cả nước với 626 MSCSĐG đang hoạt động, chiếm 39,4% của cả nước. Song, lời cảnh báo là hàng loạt địa phương ở ĐBSCL bị thu hồi MSCSĐG và “bỏ lơ” chuyện giám sát định kỳ MSVT. Cụ thể như Đồng Tháp có 2.469 MSVT và Long An có 288 MSVT, nhưng tỷ lệ giám sát lần lượt chỉ đạt 23% và 0,3%, quá thấp so với quy định cần phải giám sát hàng năm.

Trong khi, Hậu Giang là địa phương có tỷ lệ giám sát cao, trên 80% đối với vùng trồng và 94,7% đối với cơ sở đóng gói. Nổi lên tại Hậu Giang là Hợp tác xã (HTX) Trái cây sinh học OCOP. Đây là HTX có doanh thu xuất khẩu trái cây trên 100 tỷ đồng/ năm nhờ xây dựng vùng trồng cây ăn trái đạt chuẩn GlobalGAP. Ông Trần Bá Sơn, Giám đốc HTX Trái cây sinh học OCOP, cho biết: Việc trái cây của HTX xuất khẩu thuận lợi vào các thị trường Anh, Đức, Hà Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan… là nhờ xã viên ý thức tuân thủ tốt các quy trình sản xuất, nhất là ghi nhật ký sản xuất đầy đủ. Qua đó, HTX thuận lợi nhập dữ liệu lên hệ thống để hoàn thiện tốt các dữ liệu theo tiêu chuẩn GlobalGAP, tái cấp MSVT…

 Cơ sở đóng gói trái cây của HTX Trái cây sinh học OCOP (tỉnh Hậu Giang)

Cơ sở đóng gói trái cây của HTX Trái cây sinh học OCOP (tỉnh Hậu Giang)

Việc làm này đã giúp HTX luôn giữ được uy tín và mở rộng thị trường xuất khẩu trái cây. Nhờ đó, vùng nguyên liệu của HTX từ 400ha năm 2022, nay đã mở rộng ra 650ha ở Hậu Giang, TP Cần Thơ và Sóc Trăng… Tuy nhiên, theo ông Trần Bá Sơn, hiện nay nông dân còn thói quen ghi nhật ký sản xuất trên giấy, nên nhân viên kỹ thuật của HTX phải đến từng hộ thu thập thông tin. Sắp tới, HTX sẽ tập huấn cho nông dân ghi nhật ký sản xuất trên điện thoại để “đồng bộ hóa” dữ liệu, tạo nền tảng vững chắc số hóa cho hồ sơ MSVT.

Hiện Hậu Giang đang thúc đẩy tiến độ cấp MSVT cho các loại nông sản có nhu cầu đăng ký xuất khẩu, đặc biệt đối với các loại cây trồng chủ lực của tỉnh và theo yêu cầu của các doanh nghiệp xuất khẩu có liên kết xây dựng vùng trồng tại địa phương. Các loại nông sản của Hậu Giang đã được cấp phép xuất khẩu sang các thị trường như Trung Quốc, châu Âu, New Zealand, Australia, Mỹ gồm: mít, chanh, bưởi, lúa, sầu riêng, chuối… với 120 MSVT.

“Việc quản lý các MSVT hiện nay đã và đang được triển khai thực hiện qua các phần mềm quản lý từ khâu cập nhật thông tin vùng trồng xuất khẩu đến việc ghi chép nhật ký sản xuất. Đây là những nền tảng quan trọng để ngành nông nghiệp Hậu Giang số hóa vùng sản xuất nông nghiệp”, bà Nguyễn Thị Giang, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Hậu Giang, cho biết.

Quản trị sản xuất bằng công nghệ số

Việc các vùng trồng cây ăn trái được cấp MSVT, MSCSĐG là một nỗ lực rất lớn trên quá trình số hóa của ngành nông nghiệp. Tuy nhiên, việc giám sát hiện nay rất quan trọng. Bởi theo ông Lê Văn Thiệt, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật, dù việc giám sát MSVT, MSCSĐG xuất khẩu tại các tỉnh được quan tâm hơn trong thời gian gần đây, song chưa thay đổi rõ nét.

Hầu hết các tỉnh mới chỉ quan tâm đến hướng dẫn thiết lập và cấp mới mà chưa tập trung nguồn lực cho giám sát các MSVT, MSCSĐG sau khi được phê duyệt. Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng nhiều lô hàng vi phạm phải nhận cảnh báo từ cơ quan kiểm dịch thực vật của các nước nhập khẩu, hoặc buộc phải quay đầu xe ngay tại các cửa khẩu của Việt Nam.

Tại tỉnh Tiền Giang, hiện có khoảng 80.000ha vườn cây ăn trái với 11 loại trái cây chủ lực, trong đó có 279 MSVT đã được cấp và đang hoạt động trên diện tích hơn 20.303ha; và 307 MSCSĐG đã được cấp phục vụ xuất khẩu. Để quản lý chặt chẽ MSVT, MSCSĐG, Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang đã thành lập đoàn kiểm tra liên ngành và đã tiến hành 7 cuộc kiểm tra việc chấp hành quy định về sử dụng, duy trì các điều kiện, yêu cầu của MSVT, MSCSĐG sầu riêng phục vụ xuất khẩu ở 33/39 cơ sở đóng gói.

Qua kiểm tra, có 3 cơ sở đảm bảo duy trì các điều kiện thiết lập cơ sở đóng gói; 19 cơ sở duy trì các điều kiện thiết lập MSCSĐG nhưng công nhân chưa được trang bị đầy đủ bảo hộ lao động, chưa cập nhật đầy đủ ghi chép canh tác; 11 cơ sở không duy trì các điều kiện thiết lập MSCSĐG như ban đầu đã đăng ký và được phê duyệt. Tiền Giang đang quyết liệt triển khai xây dựng thí điểm phần mềm cơ sở dữ liệu quản lý vùng trồng sầu riêng tại một số địa phương trọng điểm. Theo đó, phần mềm thể hiện các thông tin của vùng trồng sầu riêng thành bản đồ, làm cơ sở nhân rộng bản đồ số hóa toàn bộ vùng trồng sầu riêng và các cây trồng chủ lực của tỉnh. Việc cấp MSVT và MSCSĐG hiện nay đang được triển khai thực hiện theo quy định của nước nhập khẩu.

Chỉ có nông sản được sản xuất từ vùng trồng được cấp MSVT và MSCSĐG nông sản mới được phép xuất khẩu sang các nước như Mỹ, Australia, Nhật Bản, Hàn Quốc… và gần đây nhất là Trung Quốc. “TP Cần Thơ đang tập trung cấp quản lý MSVT thông qua giải pháp định danh nhận diện được vùng trồng (thường sử dụng GPS) gắn với từng chủ thể sản xuất. Tại các vùng trồng thực hiện thực hành nông nghiệp tốt, trong đó chú trọng đến công tác ghi chép nhật ký canh tác phục vụ công tác truy xuất nguồn gốc khi có nhu cầu. Ngành nông nghiệp đang phối hợp với đơn vị liên quan xây dựng, phát triển nền tảng quản trị sản xuất theo hướng ứng dụng công nghệ số ở các khâu: định danh mã vùng sản xuất, nhật ký canh tác... đồng bộ, hiệu quả”, ông Trần Thái Nghiêm, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ, cho biết.

- Ông NGUYỄN VĂN MẪN, Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Tiền Giang:

Hướng dẫn áp dụng kỹ thuật hiệu quả

Để việc cấp MSVT và MSCSĐG mang lại hiệu quả, các chi cục, trung tâm khuyến nông và dịch vụ nông nghiệp phải thường xuyên tập huấn, hướng dẫn kỹ để nông dân vùng trồng nắm bắt, hiểu rõ và áp dụng đúng quy trình kỹ thuật canh tác, các tiêu chuẩn thực hành nông nghiệp, đảm bảo quy trình chăm sóc, phù hợp với điều kiện từng địa phương. Đặc biệt, phải chú trọng công tác kiểm tra, giám sát thực hiện thu hồi hoặc hủy MSVT, MSCSĐG đối với các vùng trồng và cơ sở đóng gói không đảm bảo các yêu cầu.

- Ông TRẦN THÁI NGHIÊM, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT TP Cần Thơ:

Hoàn thiện pháp lý công nghệ số

Việc ứng dụng khoa học - công nghệ, công nghệ cao trong nông nghiệp ngày càng đa dạng, như công nghệ cơ giới, công nghệ sinh học… Công nghệ số đã góp phần hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, quy mô lớn như: vùng lúa chất lượng cao trên 35.000ha, vùng cá tra thâm canh trên 800ha, vùng cây ăn trái 10.000ha tại TP Cần Thơ. Tuy nhiên, công nghệ số hiện nay mới hình thành, các cơ chế chính sách chưa đồng bộ, nên việc bố trí nguồn lực ngân sách rất khó khăn. Cơ chế phối hợp đối tác công - tư chưa cụ thể, do đó để thúc đẩy ứng dụng công nghệ số, trí tuệ nhân tạo, các cơ quan chức năng cần sớm hoàn thiện cơ sở pháp lý trong lĩnh vực công nghệ số: cơ chế bố trí nguồn lực, định mức… Đồng thời, bố trí nguồn lực thỏa đáng để thúc đẩy quá trình phát triển nền tảng, dữ liệu, vận hành và sử dụng.

- Ông NGUYỄN VĂN MẦN, nông dân xã Tân Thành, huyện Thủ Thừa, tỉnh Long An:

Hỗ trợ vốn, kỹ thuật cho nông dân

Gia đình tôi có vườn mai với số lượng gần 5.000 gốc. Để chăm sóc vườn mai, việc tưới nước, chong đèn đo độ ẩm, tạo độ sáng phù hợp… hàng ngày đều được thực hiện thông qua hệ thống Internet of things (internet vạn vật). Sau khi lắp đặt hệ thống thiết bị trong vườn mai, cài đặt ứng dụng trên điện thoại thông minh, chỉ cần vài thao tác trên điện thoại là có thể mở/tắt nước tưới, cân độ sáng cho cả vườn mai; thậm chí có thể điều chỉnh lượng nước tưới, mức ánh sáng phù hợp theo ý muốn. Với những nông dân miệt vườn như tôi, trước đây nói đến công nghệ, internet vạn vật… nghe rất khó hiểu. Tuy nhiên, nhờ sự quan tâm, hướng dẫn của ngành khuyến nông, cán bộ ngành nông nghiệp, đến nay tôi ứng dụng thành thạo, hiệu quả. Tôi kiến nghị, chính quyền, ngành nông nghiệp, khuyến nông ở các địa phương cần có các biện pháp hỗ trợ, tạo điều kiện nhiều hơn về vốn, kỹ thuật… để nông dân có thêm cơ hội tiếp cận công nghệ, trí tuệ nhân tạo vào sản xuất nông nghiệp.

NGỌC PHÚC - CAO PHONG

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/nong-dan-mien-tay-tiep-can-cong-nghe-ai-bai-2-dinh-danh-ma-so-vung-trong-post716947.html