Nông dân Mỹ Xuyên quyết tâm giữ vững mô hình tôm - lúa

Thời gian qua, ngoài nhiệm vụ tuyên truyền cho người dân thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch Covid-19, các xã vùng tôm - lúa của huyện còn kết hợp với tuyên truyền việc lấp lúa trên nền tôm vụ mùa năm 2021 - 2022. Đây là một trong những chỉ tiêu quan trọng để Ban Thường vụ Huyện ủy Mỹ Xuyên xét phân loại tổ chức cơ sở đảng hàng năm nên rất được các địa phương quan tâm và thực hiện tốt.

Tính đến ngày 10-10, nông dân xã Gia Hòa 1 đã xuống giống được trên 50% chỉ tiêu diện tích huyện giao, với các giống chủ lực như ST5, ST24, OM18, tài nguyên, 1 bụi đỏ. Do đặc thù canh tác lúa trên nền đất nuôi tôm nên nhẹ công chăm sóc, chi phí thấp, năng suất đạt khá cao.

Mô hình tôm - lúa - màu của người dân tại xã Gia Hòa 2. Ảnh: T.NHẬN

Mô hình tôm - lúa - màu của người dân tại xã Gia Hòa 2. Ảnh: T.NHẬN

Ông Hồ Văn Út Nhỏ, ấp Vĩnh A, xã Gia Hòa 1 cho biết: “Lúa chăm sóc cũng nhẹ, bởi vì lúa trên nền tôm phân thuốc ít sử dụng, khi nào có sâu bệnh nhiều mới mua thuốc về xịt”. Còn bà Huỳnh Thị Thêu cũng ở ấp Vĩnh A cho biết, với 3 công rưỡi đất, mỗi năm bà chỉ làm 1 vụ lúa lấp trên nền tôm nên năng suất đạt rất cao, cả nhà khỏi phải đi mua gạo ăn, mà còn có lúa để nuôi gà, vịt, rất thoải mái”.

Do dịch bệnh, nhiều địa phương đã chủ động triển khai nhiều giải pháp để phòng, chống dịch Covid-19 vừa đẩy mạnh phát triển sản xuất. Ghi nhận tại xã Gia Hòa 1, với quyết tâm hoàn thành chỉ tiêu lấp lúa trên nền tôm 1.270ha trong tháng 10, để kịp thời gian nuôi vụ tôm năm 2022, duy trì mô hình tôm - lúa bền vững theo Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ xã nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã đề ra.

Đồng chí Đỗ Văn Hên - Chủ tịch UBND xã Gia Hòa 1 cho biết: “Hiện tại đã xuống giống 50% chỉ tiêu, khoảng 10 ngày tới nông dân xuống giống đạt từ 90% diện tích trở lên. Năm trước giá tôm thương phẩm khá cao, một số bà con còn xem nhẹ cây lúa, năm nay do ảnh hưởng của dịch bệnh giá tôm giảm, nên nhiều bà con hướng về trồng lúa nhiều hơn, địa phương cũng thuận lợi trong thực hiện chỉ tiêu này”.

Tại xã Hòa Tú 1, sau khi thu hoạch xong vụ tôm năm 2021, nông dân trong xã đã cải tạo đất, tiến hành lấp lại vụ lúa, phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu 1.445ha. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền nên người dân đã ý thức được hiệu quả và tính bền vững của mô hình này, năm nay có những hộ ao sâu, nuôi theo hình thức bán thâm canh cũng thực hiện lấp lúa trên nền tôm.

Theo đồng chí Trương Hoàng Khai - Chủ tịch UBND xã Hòa Tú 1, thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, xã đa dạng hóa cây trồng, vật nuôi, ổn định diện tích nuôi thủy sản và diện tích lấp lại vụ lúa trên nền tôm, bờ bao thì tận dụng trồng cỏ để nuôi bò và trồng màu, đẩy mạnh công tác tập huấn khoa học kỹ thuật, nhằm giúp nông dân biết hạch toán kinh tế sau thu hoạch, nâng cao chuỗi giá trị, có như vậy nông dân mới có cuộc sống ổn định và từng bước vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Bên cạnh đó, mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ trên đất nuôi tôm trong vụ mùa 2021 - 2022 cũng được các địa phương quan tâm thực hiện với tổng diện tích 50ha. Vì áp dụng theo mô hình này nông dân được nhiều lợi ít, nhất là cải tạo môi trường đất, được bao tiêu với giá cao.

Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mỹ Xuyên Lâm Văn Long cho biết: “Thời gian qua, phòng tăng cường công tác phối hợp với các ngành, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động bà con nông dân hiểu rõ mục tiêu, lợi ích và tầm quan trọng trong thực hiện mô hình luân canh tôm - lúa bền vững theo chỉ đạo của Ban Thường vụ Huyện ủy Mỹ Xuyên. Đẩy mạnh công tác tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật giúp nông dân sản xuất đạt hiệu quả”.

Nhờ đó, vụ mùa trên nền đất nuôi tôm năm 2021 - 2022, nông dân huyện Mỹ Xuyên phấn đấu xuống giống 8.200ha. Thời gian gieo sạ từ ngày 7-9 đến ngày 15-10. Để vụ mùa mới đạt hiệu quả, Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật huyện lưu ý bà con, sau khi thu hoạch tôm cần rửa mặn thật kỹ, bón lót phân lân từ 200 - 300kg/ha, lượng giống gieo sạ từ 80 - 100kg/ha, sử dụng giống lúa cấp xác nhận sẽ giúp lúa sinh trưởng, phát triển tốt ngay từ đầu vụ. Thăm đồng thường xuyên, bón phân cân đối, theo dõi dự tính, dự báo tình hình sâu bệnh hại lúa, phát hiện kịp thời sâu bệnh hại lúa để có biện pháp phòng trừ hiệu quả.

T.NHẬN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/huyen-my-xuyen/nong-dan-my-xuyen-quyet-tam-giu-vung-mo-hinh-tom-lua-52394.html