Nông dân TP.HCM: Từ người sản xuất đến người kết nối du lịch
Nông dân TP.HCM không chỉ là những người sản xuất lương thực mà còn là những người kể chuyện về văn hóa, truyền thống của quê hương. Du lịch nông thôn đang tạo ra cơ hội để họ chia sẻ những giá trị đó với du khách.
TP.HCM đô thị đặc biệt của Việt Nam, đang tận dụng lợi thế vị trí địa lý chuyển tiếp giữa Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ để phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch nông thôn. Đây là một hướng đi mới mẻ, góp phần không chỉ thúc đẩy kinh tế mà còn bảo tồn văn hóa bản địa.
Ông Lê Minh Dũng, Chủ tịch Hội Nông dân TP.HCM, cho biết trong những năm qua, thành phố đã triển khai nhiều chính sách nhằm hỗ trợ phát triển nông nghiệp đô thị và du lịch nông thôn.
Cụ thể, các đề án như “Phát triển du lịch thông minh” và “Phát triển nông nghiệp đô thị” đã giúp mở rộng các mô hình tích hợp giữa sản xuất nông nghiệp và du lịch. Nhờ đó, các khu du lịch sinh thái, trải nghiệm nông nghiệp, và tham quan làng nghề truyền thống ngày càng thu hút đông đảo khách du lịch trong và ngoài nước.
Các mô hình nổi bật như vườn cây ăn trái ở Củ Chi, trải nghiệm giáo dục nông nghiệp tại các trang trại ở Bình Chánh và Hóc Môn, hay du lịch cộng đồng tại Cần Giờ đều ghi nhận sự phát triển tích cực.
Theo ông Dũng, nhiều nông dân đã nắm bắt xu thế, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và tạo ra giá trị gia tăng đáng kể. Trong 6 tháng đầu năm 2024, doanh thu du lịch của thành phố đạt hơn 92.643 tỷ đồng, tăng 14,6% so với cùng kỳ năm trước.
Tuy nhiên, sự phát triển này không tránh khỏi thách thức. Biến đổi khí hậu, cơ sở hạ tầng hạn chế và nguồn nhân lực chưa được đào tạo bài bản là những rào cản lớn. Nhiều mô hình du lịch còn mang tính tự phát, thiếu sự đầu tư dài hạn, làm giảm sức hấp dẫn đối với du khách.
Theo ông Dũng, việc phát triển du lịch nông thôn không chỉ nhằm tăng trưởng kinh tế mà còn gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới bền vững. “Người nông dân không chỉ là nhà sản xuất mà còn trở thành hướng dẫn viên, giới thiệu những giá trị truyền thống và văn hóa bản địa tới du khách,” ông nhận định.
Thành phố đang tập trung xây dựng môi trường du lịch thân thiện, bảo tồn giá trị văn hóa và phong tục tập quán, đồng thời đẩy mạnh các chương trình như “Mỗi xã một sản phẩm” để quảng bá hình ảnh nông thôn mới. Qua đó, du lịch nông thôn sẽ không chỉ là động lực kinh tế mà còn góp phần cải thiện đời sống, nâng cao nhận thức cộng đồng và thúc đẩy phát triển bền vững.
Ông Dũng nhấn mạnh rằng để đạt được hiệu quả bền vững, cần xây dựng các mô hình du lịch dựa trên tài nguyên bản địa, kết hợp với lợi ích cộng đồng. Đồng thời, việc đào tạo nguồn nhân lực và nâng cấp cơ sở hạ tầng sẽ là những yếu tố quan trọng để khắc phục hạn chế, đưa du lịch nông thôn của TP.HCM trở thành một điểm nhấn đặc sắc trên bản đồ du lịch Việt Nam.
Giải pháp nào cho du lịch nông thôn TP.HCM
Để phát triển du lịch nông thôn, ông Lê Minh Dũng cho rằng cần xây dựng các sản phẩm du lịch phong phú, hấp dẫn và mang tính trải nghiệm cao.
"Những hoạt động như tham gia sản xuất nông nghiệp, học hỏi các công nghệ hiện đại, hòa mình vào sinh hoạt đời sống thôn quê hay thưởng thức đặc sản địa phương không chỉ giúp du khách thư giãn mà còn thay đổi cách nhìn về nông nghiệp".
Ông cũng đề xuất cần đẩy mạnh đào tạo nông dân về kỹ năng truyền thông và quản lý để họ trở thành những người dẫn dắt, truyền cảm hứng trong các trải nghiệm du lịch.
Một yếu tố quan trọng khác là xây dựng môi trường du lịch thân thiện và an toàn. Du lịch nông thôn cần đảm bảo vệ sinh thực phẩm, cảnh quan thiên nhiên trong lành, đồng thời thúc đẩy giao tiếp cởi mở, thân thiện giữa người dân và du khách. Những chính sách quản lý thông thoáng, hiệu quả cũng góp phần nâng cao tính cạnh tranh và chuyên nghiệp cho sản phẩm du lịch.
Để mở rộng thị trường, TP.HCM hướng đến thu hút cả du khách nội địa và quốc tế. Các hoạt động du lịch học đường, du lịch ngoại khóa cho học sinh, sinh viên hay những trải nghiệm độc đáo về nông nghiệp công nghệ cao là cơ hội để phát triển các sản phẩm giáo dục gắn với du lịch. Đồng thời, việc tăng cường hợp tác với các tỉnh lân cận sẽ tạo ra sự liên kết bền vững, phát huy tiềm năng du lịch nông thôn trên quy mô lớn hơn.
Ông Dũng cũng đề xuất việc ưu tiên thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã chuyên về dịch vụ du lịch nông nghiệp. Đây không chỉ là mô hình tổ chức hiệu quả mà còn giúp kết nối người nông dân với các doanh nghiệp du lịch, tạo chuỗi giá trị gia tăng. Những sản phẩm du lịch đặc sắc, khác biệt với giá trị trải nghiệm cao như tham quan làng nghề, trò chơi dân gian hay khám phá hệ sinh thái đặc trưng cần được đẩy mạnh quảng bá.
Những giải pháp này không chỉ góp phần hiện thực hóa tiềm năng du lịch nông nghiệp, nông thôn của TP.HCM mà còn hướng đến mục tiêu phát triển bền vững, nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân và khẳng định vị thế thành phố trên bản đồ du lịch quốc tế.