Nông dân và gánh nặng phân bón

Phân bón là một trong những yếu tố quan trọng nhất và mang tính quyết định đến năng suất, chi phí đầu tư trong sản xuất nông nghiệp. Thế nhưng quy định mặt hàng phân bón không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (GTGT) khiến giá phân bón trong nước tăng lên, từ đó doanh nghiệp sản xuất phân bón lâm vào khó khăn, còn nông dân phải gồng gánh chi phí sản xuất cao… Đã tới lúc cấp thiết đưa thuế GTGT phân bón về mức 5%.

Giá phân bón tăng

Hiểu một cách đơn giản, mặt hàng phân bón thuộc đối tượng “không chịu thuế GTGT” theo Luật số: 71/2014/QH1 ngày 26-11-2014, sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế. Vì vậy, các doanh nghiệp phân bón không được kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào là hàng hóa, dịch vụ, thiết bị máy móc, đầu tư cho sản xuất phân bón. Chính vì không được khấu trừ nên các hoạt động sản xuất phân bón phải tính vào chi phí sản phẩm, tức là tính vào giá thành sản phẩm, tác động đẩy giá phân bón lên.

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long chăm sóc lúa.

Nông dân Đồng bằng sông Cửu Long chăm sóc lúa.

Theo số liệu thống kê của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, từ năm 2015 khi thực hiện Luật thuế 71, giá thành phân đạm trong nước tăng 7,2-7,6%; phân DAP tăng 7,3-7,8%, phân supe lân tăng 6,5-6,8%; phân NPK và hữu cơ tăng 5,2-6,1%... so với những năm còn áp dụng thuế GTGT 5% đối với phân bón.

Thực tế, chi phí phân bón chiếm khá lớn trong tổng chi phí đầu vào của một vụ thu hoạch. Do vậy, cần lắm một chính sách để giá phân bón hạ nhiệt, bảo đảm cân đối chi phí và giá bán, để người nông dân gắn bó với ruộng vườn.

Một tác động nữa là giá thành phân bón sản xuất trong nước tăng thì bất lợi trong cạnh tranh với sản phẩm phân bón nhập khẩu. Mỗi năm ngành nông nghiệp tiêu thụ 11-12 triệu tấn phân bón, trong đó các sản phẩm sản xuất trong nước khoảng 8 triệu tấn, còn lại nhập khẩu. Buộc phải nhập khẩu vì có những sản phẩm Việt Nam chưa sản xuất được. Nhập khẩu thì cạnh tranh bất bình đẳng vì bên nước họ chịu thuế GTGT nên được khấu trừ và giá nhập vào thấp hơn so với giá sản xuất trong nước. Cho nên thiệt đơn thiệt kép.

Thực tế đã cho thấy, chính sách thuế GTGT phân bón trong Luật thuế 71 hiện hành đi ngược lại so với kỳ vọng ban đầu là giảm giá bán phân bón, mang lại lợi nhuận cho người nông dân. Không chỉ như vậy, chính sách thuế GTGT phân bón hiện nay còn tạo ra nhiều hệ lụy khác cho doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón trong nước khi có nguy cơ thua ngay trên sân nhà trước phân bón nhập ngoại, gây ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bền vững của nền nông nghiệp…

Sớm đưa thuế GTGT phân bón về mức 5%

Phân tích về những bất cập của Luật thuế 71, chuyên gia kinh tế, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề nghị, cần thiết phải đưa phân bón vào đối tượng chịu thuế GTGT nhằm tạo ra một môi trường cạnh tranh bình đẳng, sòng phẳng giữa các nhà sản xuất trong nước với phân bón nhập khẩu. Từ đó, mang lại lợi ích thiết thực cho ngành nông nghiệp, cho người nông dân, tạo đòn bẩy cho sự tăng trưởng phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương nói riêng và phát triển kinh tế - xã hội của cả nước nói chung.

Về mức thuế GTGT phân bón, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long đề xuất mức 5% là phù hợp nhất, bởi các doanh nghiệp sản xuất phân bón sẽ có khoản chênh lệch giảm trừ ở GTGT đầu vào ở mức 7-8%, chi phí sản xuất phân bón sẽ giảm 2-3%, từ đó có cơ sở giá bán thấp hơn, nông nghiệp - nông dân sẽ được hưởng lợi.

Những năm qua, Chính phủ có chủ trương khuyến khích đầu tư phát triển sản xuất phân bón chất lượng cao trong nước nhằm mục tiêu chủ động nguồn phân bón phục vụ nông nghiệp, giảm dần phân bón nhập khẩu. Đây là một trong những chủ trương quan trọng giúp Chính phủ điều tiết cung cầu khi thị trường phân bón có biến động. Do đó, hơn lúc nào hết, những bất cập của chính sách thuế GTGT theo Luật thuế 71 rất cần nhanh chóng được sửa đổi để tạo điều kiện cho nền nông nghiệp, nông dân và ngành sản xuất phân bón trong nước phát triển bền vững.

KHÁNH AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/nong-dan-va-ganh-nang-phan-bon-800724