Nông dân Ý Yên gắn phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, vượt qua khó khăn, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Ý Yên đã năng động, sáng tạo, vận động hội viên khai thác có hiệu quả tiềm năng về vốn, đất đai, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, gắn phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới (NTM). Báo Nam Định điện tử, cơ quan của Đảng bộ Đảng Cộng sản Việt Nam, tiếng nói của Đảng bộ, chính quyền, và nhân dân Nam Định
Trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh COVID-19, vượt qua khó khăn, các cấp Hội Nông dân (HND) huyện Ý Yên đã năng động, sáng tạo, vận động hội viên khai thác có hiệu quả tiềm năng về vốn, đất đai, áp dụng tiến bộ khoa học, công nghệ mới vào sản xuất, gắn phát triển kinh tế với xây dựng nông thôn mới (NTM).
Sản xuất nông nghiệp của huyện tiếp tục được quan tâm với nhiều chính sách hỗ trợ có hiệu quả, tạo cơ chế thu hút nhiều doanh nghiệp đầu tư vào sản xuất nông nghiệp; khuyến khích các HTX, tổ hợp tác xây dựng các chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, sản xuất nông sản theo hướng an toàn, VietGAP. Nông dân các xã, thị trấn đã thực hiện tích tụ ruộng đất, chuyển đổi cây trồng, hình thành các cánh đồng lớn, lựa chọn, phát triển các sản phẩm chủ lực của địa phương xây dựng thương hiệu sản phẩm OCOP. Cơ cấu kinh tế ngành nông nghiệp được chuyển dịch tích cực, từ đó đã hình thành được các vùng sản xuất hàng hóa tập trung, thực hiện các chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm: Liên kết với Công ty TNHH Minh Dương sản xuất rau củ quả sạch tại xã Yên Dương; liên kết với Hiệp hội nông sản sạch tỉnh, các bếp ăn tập thể của trường học, công ty trên địa bàn tỉnh, chợ đầu mối tỉnh... sản xuất rau VietGAP tại HTX Nam Cường; liên kết với Công ty TNHH Toản Xuân sản xuất lúa Bắc thơm số 7 tại các xã Yên Minh, Yên Lộc, Yên Thắng, Yên Nhân, Yên Phong; liên kết sản xuất phân hữu cơ theo công nghệ Nhật Bản tại HTX nông nghiệp Bắc Cường... Một số trang trại chăn nuôi thực hiện liên kết sản xuất theo chuỗi như trang trại chăn nuôi lợn của bà Đinh Thị Nhuận, xã Yên Hồng; ông Nguyễn Việt Hùng, xã Yên Lợi; ông Chu Văn Lượng, xã Yên Tân; trang trại chăn nuôi gà của ông Nguyễn Văn Thanh, xã Yên Tân; chi hội nông dân nghề nghiệp chăn nuôi gia cầm, HTX chăn nuôi gà Phú Nghĩa, xã Yên Nghĩa... Bên cạnh đó, các cấp HND trong huyện đẩy mạnh phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”. Phong trào có sức lan tỏa mạnh mẽ trên nhiều lĩnh vực, tạo động lực khích lệ nông dân hăng hái thi đua lao động sản xuất, tích cực áp dụng tiến bộ kỹ thuật, tham gia có hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Hàng năm, các cấp Hội phát động, tổ chức cho hội viên đăng ký danh hiệu sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Năm 2020 có 37.250 hộ đăng ký và 18.562 hộ đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi. Từ phong trào đã xuất hiện nhiều điển hình tiên tiến, nhiều tấm gương với ý chí quyết tâm vươn lên làm giàu, đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh, mạnh dạn áp dụng công nghệ mới vào sản xuất mang lại hiệu quả cao. Điển hình như hộ bà Nguyễn Thị Thướng, xã Yên Minh với mô hình trang trại tổng hợp, bình quân mỗi năm cho thu nhập trên 1 tỷ đồng, giải quyết việc làm cho từ 3-5 lao động với mức thu nhập ổn định từ 4-5 triệu đồng/người/tháng. Hộ bà Nguyễn Thị Hằng, xã Yên Tân với mô hình trang trại chăn nuôi, kinh doanh thức ăn gia súc. Hộ ông Tô Văn Mạnh, xã Yên Phương với mô hình nuôi chạch sụn cho thu nhập 600 triệu đồng/năm. Hộ ông Lê Thanh Hà, chủ cơ sở sản xuất tương ớt Quang Minh, xã Yên Bằng. Hộ ông Hoàng Văn Hùng, xã Yên Khang với mô hình chăn nuôi thỏ cho thu nhập trên 500 triệu đồng/năm... Các cơ sở Hội còn phân công hộ sản xuất, kinh doanh giỏi giúp đỡ hộ nghèo, hộ khó khăn về vốn, giống cây, con, tiền mặt và kinh nghiệm sản xuất, ngày công lao động... Trung bình mỗi năm, các cơ sở Hội đã giúp đỡ được 471 hộ có hoàn cảnh khó khăn.
Bên cạnh đó, các hoạt động tư vấn, hỗ trợ, dịch vụ, đào tạo nghề cho nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh được đẩy mạnh. Ban chỉ đạo vận động xây dựng Quỹ Hỗ trợ nông dân huyện được kiện toàn đẩy mạnh hoạt động, vận động, xây dựng phát triển Quỹ Hỗ trợ nông dân. Đến nay, 31/31 xã, thị trấn có ban vận động, 29/31 xã, thị trấn có nguồn Quỹ. Tổng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân của huyện đạt 2 tỷ 831 triệu đồng cho 88 hộ vay đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh. Các cấp HND trong huyện còn tạo điều kiện hỗ trợ nông dân tiếp cận với các nguồn vốn khác như: Ngân hàng NN và PTNT 1.957,085 tỷ đồng cho 8.882 hộ vay; Ngân hàng Chính sách xã hội 204,676 tỷ đồng cho 6.070 hộ vay. Trong 3 năm qua, các cấp HND từ huyện đến cơ sở đã phối hợp với Trung tâm dạy nghề và Hỗ trợ nông dân tỉnh, các trường dạy nghề tổ chức 15 lớp dạy nghề ngắn hạn cho 505 hội viên, nông dân về chăn nuôi, trồng trọt, may công nghiệp... HND các xã Yên Ninh, Yên Tiến, thị trấn Lâm phối hợp tổ chức dạy nghề mộc, đúc đồng, sơn mài... Qua đó, nông dân chủ động ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm, góp phần tích cực chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động ở nông thôn trên địa bàn huyện. Ngoài ra, các cấp HND trong huyện còn tích cực vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Trong 3 năm qua, HND huyện đã hướng dẫn thành lập mới 2 HTX (HTX Phú Nghĩa, xã Yên Nghĩa; HTX Bình Dương, xã Yên Phương) với 21 thành viên; 19 tổ hợp tác với 265 thành viên. Nhiều HTX, tổ hợp tác đã tạo được sự liên kết, kết nối với các đơn vị tiêu thụ, giúp ổn định đầu ra cho sản phẩm, nâng cao thu nhập cho hội viên; tiêu biểu như: Tổ hợp tác chăn nuôi bò tại xã Yên Hưng, tổ hợp tác nuôi cá lồng tại xã Yên Phúc... HND huyện còn thành lập 2 chi hội nghề nghiệp với 45 thành viên tham gia, 4 mô hình tổ hội nghề nghiệp với 41 thành viên tham gia, góp phần đổi mới và thúc đẩy việc xây dựng các mô hình kinh tế, hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả ở nông thôn. Với vai trò nòng cốt trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng NTM, những năm qua, các cấp HND trong huyện đã tập trung chỉ đạo, triển khai nhiều hoạt động thiết thực tới hội viên. Hàng năm, HND huyện giao chỉ tiêu thi đua mỗi cơ sở có một việc làm cụ thể để tham gia xây dựng NTM. Trong đó, 25/31 cơ sở Hội nhận thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật ngoài đồng ruộng với 1.685 ống cống đặt ở các xứ đồng; 25 cơ sở Hội tham gia vệ sinh đường làng ngõ xóm; thành lập 232 tổ thu gom rác thải; 20 cơ sở Hội tham gia trồng mới, chăm sóc đường hoa với tổng chiều dài 42km; duy trì mô hình phân loại, xử lý rác thải tại hộ gia đình ở xã Yên Cường, triển khai nhân rộng tại xã Yên Nhân; nhận duy tu bảo dưỡng đường giao thông nông thôn, khơi thông dòng chảy trên sông ở các xã Yên Phú, Yên Phong, Yên Mỹ, Yên Trị...
Phát huy vai trò của các cấp HND trong phát triển kinh tế gắn với xây dựng NTM, đến nay, hệ thống các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở Ý Yên được tập trung đầu tư, cải tạo nâng cấp đồng bộ theo quy hoạch. Nông thôn phát triển theo hướng hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp, điều kiện sống và làm việc của người dân được nâng lên. Các nhu cầu về giao thông, điện, nước cho sản xuất và sinh hoạt của người dân được đáp ứng tốt hơn. Hệ thống thông tin, truyền thông phát triển nhanh, đồng bộ, tạo thuận lợi cho người dân nông thôn tiếp cận các kênh thông tin mới. Công tác giải quyết việc làm, chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội có chuyển biến tích cực. Toàn huyện đã có 9/31 xã đạt chuẩn NTM nâng cao, 45/416 thôn, xóm đạt NTM kiểu mẫu./.
Bài và ảnh: Lam Hồng