Nông nghiệp phát huy vai trò 'trụ đỡ' cho kinh tế nông thôn

Xác định nông nghiệp là 1 trong 3 trụ cột nền kinh tế, tỉnh đã đẩy mạnh phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng tập trung hàng hóa quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao. Qua đó đảm bảo an ninh lương thực, cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến và xuất khẩu nông, lâm, thủy sản.

Mô hình trồng dưa trong nhà màng của gia đình anh Tạ Văn Hiệp, xã Văn Tiến (Yên Lạc) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Mô hình trồng dưa trong nhà màng của gia đình anh Tạ Văn Hiệp, xã Văn Tiến (Yên Lạc) cho thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm.

Với diện tích đất nông nghiệp chiếm 74,1% tổng diện tích tự nhiên, địa hình đa dạng, Vĩnh Phúc có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển nông nghiệp.

Từ năm 2021 đến nay, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách phát triển nông nghiệp; phê duyệt chủ trương đầu tư đối với danh mục các dự án khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển nông nghiệp thông minh và ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ; tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tiếp cận các gói tín dụng ưu đãi để mở rộng quy mô sản xuất, chăn nuôi, hình thành các mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị hàng hóa, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Gia đình anh Bùi Việt Anh, xã Thanh Vân (Tam Dương) đầu tư chuồng trại khép kín nuôi gà đẻ cho thu nhập cao.

Gia đình anh Bùi Việt Anh, xã Thanh Vân (Tam Dương) đầu tư chuồng trại khép kín nuôi gà đẻ cho thu nhập cao.

Giai đoạn 2021 - 2024, tỉnh đã hỗ trợ gần 3.200 ha chuyển đổi cơ cấu cây trồng trên đất trồng lúa và cây hàng năm khác thành vùng sản xuất tập trung quy mô lớn; hỗ trợ gần 7.000 ha rau, quả các loại cho hơn 53.000 hộ và HTX trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, các cây trồng có giá trị kinh tế cao được phát triển theo hướng sản xuất hàng hóa; các vùng sản xuất rau, quả hàng hóa tập trung đã và đang thực hiện liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; một số sản phẩm đã xây dựng được thương hiệu, gắn với mã số vùng trồng, mã vạch sản phẩm để truy xuất nguồn gốc.

Tỉnh đang đẩy mạnh phát triển mô hình nông trại sinh thái gắn với hoạt động du lịch vốn là thế mạnh của địa phương. Điều này không chỉ đáp ứng được nhu cầu vui chơi, nghỉ dưỡng của du khách mà còn mang lại lợi nhuận kinh tế về nông nghiệp cho người nông dân.

Nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: Thế Hùng

Nông dân ứng dụng công nghệ số vào sản xuất giúp giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế. Ảnh: Thế Hùng

Tận dụng lợi thế về đất đai, tỉnh đã tập trung phát triển chăn nuôi lợn, bò sữa và gia cầm. Nhiều trang trại chăn nuôi lợn, gia cầm đã áp dụng các tiến bộ kỹ thuật về giống, công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nâng cao năng suất, hạ giá thành, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường.

Trên địa bàn đã hình thành các vùng chăn nuôi tập trung và liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Điển hình như Dự án Tổ hợp chăn nuôi và chế biến thịt bò Vinabeef Tam Đảo do Tổng Công ty chăn nuôi Việt Nam Vilico - Tập đoàn Vinamilk và Tập đoàn Sojitz Nhật Bản làm chủ đầu tư tại xã Minh Quang, huyện Tam Đảo và xã Trung Mỹ, huyện Bình Xuyên với tổng mức đầu tư 500 triệu USD.

Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp và Môi trường, nông nghiệp phát triển đã góp phần bảo đảm an ninh lương thực trên địa bàn, đồng thời cung cấp nguồn nguyên liệu cho ngành công nghiệp chế biến.

Giai đoạn 2021 - 2025, giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản của tỉnh tăng 3%/năm, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII đề ra từ 1,5 - 2%. Riêng quý I/2025, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản đạt mức tăng trưởng 1,18%, đóng góp 0,07 điểm % vào tăng trưởng chung của tỉnh và là khu vực đạt mục tiêu tăng trưởng cao nhất, tiếp tục phát huy vai trò trụ đỡ cho kinh tế nông thôn.

Hết tháng 3/2025, toàn tỉnh có 37 xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao; 7 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu. Hết năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều khu vực nông thôn giảm còn 0,47%, vượt 3 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra.

Để đạt mục tiêu đến năm 2030, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông, lâm nghiệp, thủy sản bình quân từ 2,7 - 3,3%/năm, ngành Nông nghiệp tập trung triển khai Nghị quyết số 57 ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia, gắn với các nhiệm vụ trọng tâm của ngành, từ đó tạo ra các giá trị mới, nâng cao hiệu quả sản xuất và quản lý tài nguyên thiên nhiên.

Cùng với đó, xây dựng thương hiệu và chỉ dẫn địa lý đối với các nông sản chủ lực của tỉnh; đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong sản xuất, tiêu thụ nông sản, kết nối với hệ thống tiêu thụ toàn cầu; thu hút mọi nguồn vốn đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; tạo mọi điều kiện, nhất là đất đai, thủ tục hành chính để thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp.

Mai Liên

Nguồn Vĩnh Phúc: https://baovinhphuc.com.vn/tin-tuc/articletype/articleview/articleid/128027//nong-nghiep-phat-huy-vai-tro-%E2%80%9Ctru-do%E2%80%9D-cho-kinh-te-nong-thon