Nông thôn mới khởi sắc từ mô hình HTX
Giữa vùng đất ven đô đang chuyển mình mạnh mẽ theo nhịp sống hiện đại, xã Sài Sơn (nay là xã Quốc Oai, TP Hà Nội) nổi lên như một điểm sáng trong hành trình xây dựng nông thôn mới, với những chuyển biến rõ nét từ tổ chức sản xuất, cải thiện hạ tầng kỹ thuật đến thúc đẩy chuyển đổi số và bảo vệ môi trường.
Đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015, xã Sài Sơn tiếp tục huy động hơn 768 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng, nâng cấp trường học, trạm y tế, đường giao thông. Nằm trong vùng quy hoạch phát triển Hòa Lạc - Quốc Oai - Xuân Mai, xã Sài Sơn có lợi thế đặc biệt trong việc tiếp cận các nguồn lực phát triển từ Thành phố Hà Nội, tạo thuận lợi cho mô hình HTX tiếp cận hạ tầng kỹ thuật và thị trường tiêu thụ. Vị trí địa lý và kết nối liên vùng giúp địa phương nhanh chóng nắm bắt xu thế chuyển đổi mô hình kinh tế, đặc biệt là phát triển các mô hình kinh tế tập thể.
Hành trình "thay da, đổi thịt"
Sau 8 năm dồn sức nỗ lực, cuối năm 2023, xã Sài Sơn đã được UBND thành phố Hà Nội trao quyết định công nhận đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, thu nhập bình quân đạt 71,7 triệu đồng/người/năm, chỉ còn 1 hộ nghèo.
Trên chặng đường 8 năm đó, xã đã huy động thêm khoảng 225,5 tỷ đồng để nâng cấp hạ tầng: 100% đường trục xã được trải nhựa, 100% hộ dân có nước sạch và có bảo hiểm y tế; hầu như không còn nhà ở tạm bợ.

Hệ thống trạm điện với mức đầu tư hơn 2 tỷ đồng mới được lắp đặt năm nay.
Trong tiến trình này, các HTX chính là "xương sống" của tổ chức sản xuất. Nổi bật là HTX Sản xuất và Dịch vụ Đa Phúc, được thành lập với sự hỗ trợ từ Liên minh HTX Hà Nội, chuyển đổi theo Luật HTX 2012 và áp dụng mạnh mẽ công nghệ số vào quản lý, đã vươn lên trở thành điểm sáng của kinh tế tập thể địa phương. Đây cũng là một trong những mô hình HTX đa năng kiểu mới, tích hợp nhiều dịch vụ từ điện năng, khuyến nông, vệ sinh môi trường đến chuyển đổi số phục vụ dân sinh.
Hiện tại, HTX Đa Phúc đã có hơn 600 thành viên, kết nối cung ứng vật tư, dịch vụ thủy lợi, điện nông thôn, khuyến nông,… giúp người dân nâng cao hiệu quả sản xuất, đa dạng hóa thu nhập. HTX Đa Phúc cũng được kỳ vọng trở thành mô hình HTX kiểu mẫu, đóng vai trò trung tâm trong chiến lược đưa xã Quốc Oai đạt chuẩn xã nông thôn mới kiểu mẫu vào năm 2030, theo định hướng của Quyết định 318/QĐ-TTg.
HTX Đa Phúc luôn xác định việc nâng cao đời sống, đảm bảo an sinh cho người lao động là ưu tiên hàng đầu, thông qua việc chủ động tham gia đóng bảo hiểm cho đội ngũ nhân sự.
Song song với đó, HTX tập trung phát triển mô hình kinh doanh hiệu quả, thể hiện qua việc đã lắp đặt 7 trạm điện phục vụ hơn 2.000 khách hàng, cùng hệ thống 7.000 camera an ninh phủ khắp địa phương.
Tự hào là đơn vị hoạt động vững mạnh trong lĩnh vực điện năng, HTX Đa Phúc hiện sử dụng đồng bộ công tơ điện của doanh nghiệp Hàn Quốc. Để hiện thực hóa dự án này, HTX đã nhận được sự hỗ trợ từ Liên minh HTX Việt Nam cùng Liên minh HTX TP Hà Nội. Sự kết nối giữa các cấp Liên minh và chính quyền địa phương đã tạo điều kiện cho HTX tiếp cận các nguồn vốn ưu đãi và công nghệ hiện đại.
Mạnh dạn đầu tư công nghệ mới
Không chỉ là một điểm sáng trong lĩnh vực điện năng, HTX Đa Phúc còn đang tiên phong trong hành trình chuyển đổi số nông thôn, điều vốn được xem là thách thức không nhỏ với các khu vực ngoại thành và vùng ven đô như xã Sài Sơn (nay là Quốc Oai). Bên cạnh các tiêu chí về hạ tầng và an sinh xã hội, chuyển đổi số cũng đang góp phần quan trọng vào hoạt động sản xuất kinh doanh của HTX. Việc áp dụng phần mềm quản lý điện lực và thanh toán số không chỉ nâng cao hiệu quả điều hành mà còn phản ánh bước tiến lớn trong nhận thức và năng lực tiếp cận công nghệ của người dân nông thôn.
HTX đã triển khai phần mềm theo dõi sản lượng điện dành cho khách hàng sử dụng điện, xây dựng hệ thống quản lý dữ liệu khách hàng riêng và liên kết với nhiều ngân hàng, qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho người dân trong giao dịch. Nhờ đó, hiện nay khoảng 80% khách hàng của HTX đã thực hiện thanh toán và tra cứu thông tin qua điện thoại thông minh, thay vì phải đến trực tiếp trụ sở như trước đây.
Sự thay đổi hành vi tiêu dùng điện năng từ truyền thống sang số hóa, với phần lớn khách hàng sử dụng ứng dụng di động để tra cứu, thanh toán và phản ánh dịch vụ, cũng phản ánh một bước tiến lớn trong nhận thức và năng lực tiếp cận công nghệ của người dân nông thôn. Điều này cho thấy, nếu có mô hình tổ chức đủ mạnh và uy tín như HTX, cùng với sự hỗ trợ từ chính quyền và Liên minh HTX, thì chuyển đổi số hoàn toàn khả thi và có thể lan tỏa sâu rộng tại các địa bàn nông thôn.

Các chính sách bồi dưỡng, đào tạo nhân lực được HTX Đa Phúc áp dụng triệt để.
Dù tỷ lệ khách hàng giao dịch điện tử đã đạt mức cao, HTX vẫn nỗ lực để nâng cao hạ tầng kỹ thuật, Giám đốc HTX Nguyễn Văn Hưng chia sẻ: “Đến năm 2025 này chỉ còn lại 20%, chủ yếu là những người đã luống tuổi, anh em HTX chúng tôi vẫn tuyên truyền, vận động từng nhà, thậm chí là nhờ tới con cái hay những thành viên trẻ tuổi hơn tại nhà người dân khuyến khích họ làm quen với cách mới. Chúng tôi phấn đấu tới cuối năm nay sẽ hoàn thành, không được 100% thì cũng phải 97%-98%”.
Hướng tới phát triển bền vững
Hằng năm, HTX Đa Phúc đều dành khoảng 40% quỹ đầu tư cho các hoạt động bảo vệ môi trường và nâng cấp hạ tầng dân sinh tại địa phương.
Nguồn lực này được sử dụng để nạo vét rác thải sinh hoạt và sản xuất trên hệ thống mương rãnh, đồng thời cải tạo, thay thế hệ thống dây điện chằng chịt tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn và ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị.
HTX cũng tích cực tuyên truyền, nâng cao ý thức gìn giữ môi trường cho các hộ gia đình trong khu vực. Ngoài ra, HTX đã xây dựng kế hoạch phát triển bài bản theo từng giai đoạn 5 năm, với các mục tiêu đầu tư rõ ràng, phù hợp với định hướng xây dựng nông thôn mới của địa phương.
Trong năm 2025, HTX đã dành hơn 2 tỷ đồng để xây dựng mới một trạm điện, đồng thời dự kiến đầu tư thêm 1 tỷ đồng trong năm 2026 để trùng tu và bảo dưỡng hệ thống. Giai đoạn 2027–2030, HTX đặt mục tiêu triển khai dự án đưa dây điện đi ngầm với tổng mức đầu tư gần 3 tỷ đồng, tập trung tại các khu vực trọng điểm như Di tích quốc gia đặc biệt chùa Thầy và hồ Long Trì. Đây là bước chuẩn bị cho kế hoạch kết hợp phát triển du lịch tâm linh, sinh thái gắn với nông nghiệp sạch.
Trước đây, khi lắp đặt hệ thống đường dây điện hạ thế, do đường kính dây chỉ ở mức 70mm, không đủ tải, nên nhiều dây mạng viễn thông buộc phải bám vào, tạo nên hiện tượng “mạng nhện” chằng chịt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cho người dân.
Trước tình trạng đó, HTX đã chủ động nâng cấp hệ thống lên dây điện có đường kính 120mm, góp phần khắc phục tình trạng quá tải. Đây được xem là một trong những điểm sáng của HTX để đảm bảo an toàn dân sinh và mỹ quan đô thị trong hành trình góp sức xây dựng nông thôn mới.
Đáng chú ý, dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, ban lãnh đạo HTX vẫn duy trì tinh thần cầu thị, chú trọng nâng cao năng lực quản lý và chuyên môn cho đội ngũ cán bộ, thông qua việc thường xuyên cử thành viên tham gia các khóa đào tạo, bồi dưỡng do Liên minh HTX Việt Nam tổ chức và chủ động học hỏi mô hình vận hành và quản lý từ các HTX bạn như HTX Cổ Nhuế, HTX Xuân Đỉnh.
“Tôi và anh em ở các mô hình kinh tế tập thể khác đều mong muốn đưa HTX phát triển vững mạnh, hỗ trợ bà con người lao động có kế sinh nhai, đóng góp cho quê hương giàu đẹp”, ông Hưng nhấn mạnh.
Sự đa dạng và hiệu quả của các dịch vụ HTX cũng đang từng bước thay đổi quan niệm về kinh tế tập thể, từ chỗ chỉ tập trung sản xuất nông nghiệp quy mô nhỏ, nay đã mở rộng sang hướng chuyên nghiệp hóa, dịch vụ hóa và số hóa. Đây chính là hướng đi phù hợp với yêu cầu mới trong xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, nơi mỗi HTX không chỉ là đơn vị sản xuất mà còn là trung tâm dịch vụ phát triển cộng đồng, gắn kết giữa người dân, chính quyền, doanh nghiệp với công nghệ.
Từ một vùng ven Hà Nội còn mang dáng dấp nông thôn truyền thống, xã Sài Sơn (nay là Quốc Oai) hôm nay đã khoác lên mình "chiếc áo mới", và vẫn luôn không ngừng đổi mới. Vẻ ngoài ấy là thành quả của những nỗ lực bền bỉ đến từ hệ thống chính trị và cộng đồng, đặc biệt là các HTX - những “mắt xích” quan trọng gắn kết các nguồn lực trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững và kiểu mẫu trong tương lai.