Cần truyền thông thay đổi nhận thức để khuyến sinh
Nhiều chính sách đột phá về dân số đã và sắp được ban hành nhưng để tạo ra thay đổi căn bản thì ngoài việc cần sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị thì cần tăng cường truyền thông thay đổi nhận thức để người dân hiểu rõ sinh con không còn là gánh nặng cá nhân mà là trách nhiệm được chia sẻ.

Ảnh minh họa
Thách thức 3 chiều về dân số Việt Nam
Theo Tổng cục Thống kê, dân số Việt Nam hiện đã đạt khoảng 100 triệu người, song tỷ lệ sinh trung bình đang thấp hơn mức sinh thay thế. Cụ thể, năm 2023, tỷ lệ sinh trung bình của cả nước chỉ đạt 1,95 con/phụ nữ. Đặc biệt, tại TP.HCM, tỷ lệ này chỉ còn 1,39 - mức tương đương với các quốc gia Đông Á đang rơi vào "bẫy dân số thấp" như Hàn Quốc và Nhật Bản. Không chỉ qua các báo cáo thống kê, tình trạng sinh thấp có thể quan sát rõ trong nếp sống thường ngày: các cặp vợ chồng trì hoãn kết hôn, nhiều người quyết định không sinh con hoặc chỉ sinh một con vì áp lực kinh tế, thiếu dịch vụ trông giữ trẻ, chi phí học hành, nhà ở, y tế đắt đỏ.

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đón em bé chào đời vào đêm Giao thừa Tết Ất Tỵ 2025 tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương.
Bên cạnh đó, Việt Nam đang trải qua quá trình già hóa dân số nhanh thuộc hàng đầu thế giới. Theo dự báo của Tổng cục Dân số (Bộ Y tế), đến năm 2036, Việt Nam sẽ chính thức bước vào giai đoạn dân số già, với tỷ lệ người từ 60 tuổi trở lên vượt ngưỡng 20%. Điều đáng nói là Việt Nam chưa trở nên giàu có trước khi già đi, dẫn tới thách thức lớn về ngân sách an sinh xã hội, quỹ hưu trí và năng suất lao động quốc gia.
Một nguy cơ khác âm ỉ nhưng lâu dài là mất cân bằng giới tính khi sinh. Tỷ số giới tính hiện nay là 112,3 bé trai/100 bé gái - mức cao đáng báo động nếu so với ngưỡng sinh học tự nhiên (khoảng 104–106). Mặc dù pháp luật nghiêm cấm lựa chọn giới tính thai nhi, nhưng ở nhiều nơi, định kiến "trọng nam khinh nữ" vẫn khiến người dân tìm cách lách luật. Nếu xu hướng này không được kiểm soát, đến năm 2050, Việt Nam có thể thiếu hàng triệu phụ nữ trong độ tuổi kết hôn, kéo theo những hệ lụy về hôn nhân, xã hội và sức khỏe cộng đồng.
Chủ trương, chính sách đã mở
Những vấn đề trên đã được Đảng và Nhà nước nhận diện từ sớm và có nhiều chính sách phản ứng kịp thời. Nghị quyết số 21-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII (ban hành năm 2017) đã xác định việc chuyển trọng tâm chính sách từ kế hoạch hóa gia đình sang phát triển dân số toàn diện, trong đó khuyến khích sinh đủ hai con ở những vùng có mức sinh thấp, đồng thời tăng cường bình đẳng giới, chăm sóc sức khỏe sinh sản, nâng cao chất lượng giống nòi. Đặc biệt, trong một thời gian ngắn gần đây hàng loạt chính sách mạnh được ban hành, triển khai.
Tại Hội nghị Trung ương 8 (khóa XIII), Tổng Bí thư Tô Lâm đã có chỉ đạo mạnh mẽ về việc có chính sách miễn học phí phổ thông, cung cấp bữa ăn miễn phí cho học sinh ở các địa phương có điều kiện. Đó là cách Nhà nước chia sẻ gánh nặng với người dân. Khi họ thấy sinh con không phải là gánh nặng cá nhân mà là trách nhiệm chung, họ sẽ sinh nhiều hơn. Tại phiên họp ngày 28/02/2025, Bộ Chính trị đã quyết định thực hiện miễn phí toàn bộ học phí cho học sinh từ phổ thông đến hết trung học phổ thông công lập. Tiếp đó, Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 2017/2025/QH15 về miễn, hỗ trợ học phí cho trẻ em mầm non, học sinh trung học phổ thông và người học chương trình phổ thông tại các cơ sở giáo dục công lập và ngoài công lập.

Cần triển khai nhiều chính sách để đảm bảo mức sinh thay thế bền vững.
Để thể hiện các chủ trương của Đảng, nhiều chính sách pháp luật đã và đang được rà soát để thể chế hóa các chủ trương này. Luật Dân số (sửa đổi) đang được Bộ Y tế xây dựng dự kiến trình Quốc hội vào tháng 10/2025, đề xuất các nội dung đáng chú ý như: hỗ trợ tài chính cho các cặp vợ chồng sinh đủ hai con; hỗ trợ chi phí dịch vụ hỗ trợ sinh sản; khuyến khích nam giới tham gia chăm sóc sức khỏe sinh sản; miễn giảm học phí, chi phí y tế, các khoản đóng góp tại trường học cho trẻ em trong gia đình đông con.
Ngoài ra, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) có hiệu lực từ 1/7/2023 cũng đã mở rộng phạm vi bảo vệ, trong đó tăng cường hỗ trợ cho phụ nữ mang thai và nuôi con nhỏ – một trong những nhóm có nguy cơ bị tổn thương trong mối quan hệ gia đình. Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) đã được Quốc hội thông qua và có hiệu lực từ ngày 1/7/2025 đã nâng thời gian nghỉ thai sản của nam giới khi vợ sinh con từ 5 ngày lên 15–20 ngày, đồng thời bổ sung chính sách giữ chân lao động nữ sau thai sản, giảm áp lực quay lại thị trường lao động.
Tuy vậy, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn mới đây khẳng định: Công tác dân số hiện đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức và đang tác động trực tiếp đến đời sống, xã hội và sự phát triển bền vững của Việt Nam cả hiện đại và tương lai. Ngoài việc xây dựng Luật dân số, ngành y tế đang tổ chức sơ kết Nghị quyết 21/NQ/TW (2017) để xây dựng các nhiệm vụ giai đoạn 2025-2025 trình các cấp có thẩm quyền. Bên cạnh đó, tiếp tục triển khai đồng bộ 8 chương trình, kế hoạch dân số đã được phê duyệt với sự tham gia của Ban chỉ đạo Quốc gia do Phó Thủ tướng Lê Thành Long chủ trì.
Thay đổi truyền thông về hình ảnh gia đình
Tuy nhiên, theo các chuyên gia thì chính sách tốt đến đâu cũng không thể hiệu quả nếu thiếu cơ chế triển khai cụ thể, sự vào cuộc thật sự của cả hệ thống chính trị, xã hội và người dân. Bởi trên thực tế hiện nay, đặc biệt tại các đô thị lớn, người dân không chỉ lo chi phí sinh con, mà lo nhiều hơn về việc trông con, dạy con, cho con học hành, chữa bệnh… Nếu không có sự hỗ trợ thực chất từ chính quyền, cơ quan làm việc, doanh nghiệp… người dân sẽ tiếp tục trì hoãn sinh đẻ, hoặc lựa chọn chỉ có một con. Do vậy, cần một hệ sinh thái khuyến khích sinh đẻ toàn diện, đa tầng, bền vững.

Cần truyền thông mạnh để thay đổi nhân thức về gia đình, trong đó có việc khuyến khích đàn ông trực tiếp chăm sóc con cái.
Chính quyền địa phương phải là nơi triển khai các chính sách "khuyến sinh" sáng tạo, thiết thực. Một số tỉnh như Quảng Ninh, Bình Dương (cũ), Hà Nội đã thí điểm chính sách hỗ trợ gia đình sinh đủ hai con bằng tiền mặt, ưu tiên mua nhà xã hội. Đại diện Tổng cục Dân số (Bộ Y tế) từng khẳng định: "Không nên chờ chỉ đạo Trung ương mà từng địa phương cần có chính sách riêng, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội và mức sinh tại chỗ".
Doanh nghiệp, đặc biệt trong các khu công nghiệp, nhà máy, công sở, cần trở thành đối tác của người lao động trong việc nuôi dạy con. Một số công ty ở khu vực phía Nam đã xây dựng nhà trẻ tại nhà máy, giữ chỗ học cho con nhân viên, hỗ trợ tài chính khi sinh con thứ hai, cho phép làm việc linh hoạt khi nuôi con nhỏ. Các chính sách này tuy nhỏ nhưng rất sát sườn nên có ảnh hưởng lớn tới quyết định sinh con của lao động nữ do vậy cần có cơ chế cụ thể (cả bắt buộc lẫn hỗ trợ) để triển khai đầy đủ ở tất cả các nơi.
Tuy nhiên, yếu tố quyết định là sự hưởng ứng của người dân. Để người dân hưởng ứng thì việc đầu tiên và tối quan trọng là thay đổi nhận thức. Do vậy vai trò của truyền thông có ý nghĩa then chốt. Ngoài sự vào cuộc của các tổ chức chính trị -xã hội, tổ chức quần chúng thì báo chí có vai trò đặc biệt quan trọng. Việc truyền thông trên báo chí tốt sẽ tạo hiệu ứng, dẫn dắt truyền thông xã hội (đặc biệt là trên các nền tảng mạng xã hội). TS. Nguyễn Đức Lộc - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Đời sống Xã hội - nhận xét: "Nếu không thay đổi hình ảnh "gia đình đông con là nghèo khổ" thành "gia đình đông con là trách nhiệm và gắn bó", chúng ta sẽ thất bại trong việc đảo ngược xu hướng sinh thấp".
Làm tốt chính sách dân số không chỉ hạn chế những hệ lụy lớn đến phát triển kinh tế xã hội mà còn là nuôi dưỡng "nguyên khí quốc gia", đảm bảo nhân tố con người đủ sức để đưa đất nước bước vào kỉ nguyên mới thành công. Do vậy, đây không thể chỉ nhiệm vụ của ngành dân số mà là một chiến lược quốc gia, một sứ mệnh mang tính thời đại – nơi mỗi người, mỗi tổ chức, mỗi cấp chính quyền đều phải vào cuộc và thể hiện vai trò cụ thể, thiết thực, hiệu quả.
Cần có chiến lược truyền thông quốc gia về dân số trong giai đoạn mới
Thực tế, hiện trên mạng xã hội có khá nhiều nội dung truyền thông đi ngược lại chủ trương về dân số, đặc biệt là khuyến khích lối sống độc thân, lập gia đình muộn… Để thay đổi nhận thức, Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để báo chí trở thành lực lượng xung kích và thông tin báo chí lất át, dẫn dắt được mạng xã hội. Theo đó, cần xây dựng một chương trình truyền thông quốc gia về dân số trong giai đoạn mới phù hợp với những chủ trương, chính sách mạnh mẽ gần đây. Trong đó, các cơ quan báo chí cần cung cấp thông tin đầy đủ, tập huấn chuyên ngành và đặc biệt hỗ trợ kinh phí thông qua chính sách đặt hàng.