Nóng trong tuần: Đáp án các môn thi TN THPT; Nỗ lực soạn thảo Luật Nhà giáo

Công bố đáp án các môn thi tốt nghiệp THPT 2024, hội nghị về công tác pháp chế ngành Giáo dục… là thông tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.

Công bố đáp án, triển khai chấm thi thi tốt nghiệp THPT năm 2024

Ngày 2/7, Bộ GD&ĐT công bố đáp án, thang điểm bài thi Ngữ văn và đáp án các môn thi trắc nghiệm trong Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024.

Với môn thi tự luận duy nhất trong Kỳ thi, các ý kiến đánh giá bảo đảm tính “mở”, thuận lợi cho cán bộ chấm thi, ghi nhận được dấu ấn riêng của học sinh.

Cô Trần Thị Lê Thanh Thủy, Trường THPT Mỹ Văn (Phú Thọ) nhận định, ở phần Đọc hiểu đề đưa lệnh hỏi rõ ràng, học sinh dễ nhận diện. Đáp án vừa cụ thể, vừa có tính “mở” nên giám khảo dễ chấm, không làm mất điểm sáng tạo của học sinh.

Phần Làm văn, đáp án thuận lợi cho giám khảo chấm và đánh giá cho điểm sự sáng tạo trong bài làm của học sinh; bên cạnh gợi ý cụ thể còn mở ra hướng chấm cho giám khảo, không bị gò bó, cứng nhắc….

Trong tuần, các địa phương cũng tích cực triển khai chấm thi tốt nghiệp THPT. Công tác chuẩn bị được địa phương chuẩn bị kỹ lưỡng, chu đáo, bảo đảm điều kiện nhân lực và cơ sở vật chất tốt nhất; khâu chấm bảo đảm đúng quy chế, chính xác, khách quan, công bằng.

Tuần qua, 2 sự kiện quan trọng liên quan đến công tác pháp chế được tổ chức: Hội nghị công tác pháp chế 6 tháng đầu năm 2024, chuyên đề xây dựng pháp luật của Bộ GD&ĐT, tổ chức chiều 3/7; Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác pháp chế tại các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT tổ chức ngày 4-5/7 tại ĐH Thái Nguyên.

 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại hội nghị.

Đẩy mạnh công tác pháp chế ngành Giáo dục

Tại Hội nghị công tác pháp chế 6 tháng đầu năm 2024 của Bộ GD&ĐT, lãnh đạo các đơn vị đã trao đổi, nêu ý kiến từ thực tiễn thực hiện công tác pháp chế, xây dựng văn bản thời gian qua.

Trong đó, với nhìn nhận chung đây là nhiệm vụ khó, các đề xuất của lãnh đạo đơn vị tập trung vào việc cần sự thống nhất trong chỉ đạo; cần tinh thần phối hợp chặt chẽ, trách nhiệm giữa các đơn vị. Cùng với đó, cần sự phối hợp của các Bộ, ngành liên quan khi xin ý kiến dự thảo văn bản; cần quan tâm nâng cao chất lượng nhân sự làm công tác pháp chế; cần đảm bảo kinh phí cho công tác xây dựng văn bản…

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn khẳng định đối với công tác quản lý nhà nước, việc ban hành, đốc thúc triển khai, đánh giá tổng kết thực hiện văn bản quy phạm pháp luật là công việc quan trọng hàng đầu. Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, lãnh đạo các đơn vị vụ, cục cần tăng cường tư duy lập pháp, có phản ứng và hành động phù hợp với vấn đề pháp chế.

Việc xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, bên cạnh việc bàn nhiều đến tiến độ phải đặc biệt chú ý tới chất lượng. Để nâng cao chất lượng, cần lưu ý cộng đồng trách nhiệm trong công tác pháp chế; đẩy mạnh công tác phối hợp trong, ngoài; tăng cường các công cụ hỗ trợ, tăng cường chuyển đổi số; tăng cường tổ chức tập huấn cho các nhóm đối tượng khác nhau bao gồm cả lãnh đạo các đơn vị; nâng cao trách nhiệm người đứng đầu, chú ý công tác tuyển dụng…

 Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác pháp chế tại các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT.

Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác pháp chế tại các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT.

Tại Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ làm công tác pháp chế tại các cơ sở giáo dục đại học trực thuộc Bộ GD&ĐT, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Văn Phúc cho biết: Qua quá trình thanh tra, kiểm tra của Bộ GD&ĐT đối với các cơ sở giáo dục đại học, có thể thấy dù đã rất nỗ lực, nhưng vẫn còn tình trạng thiếu sót trong việc tuân thủ, đảm bảo ban hành đầy đủ các văn bản nội bộ, dẫn đến việc thanh tra, kiểm tra gặp khó khăn, phức tạp, thậm chí hậu quả nặng nề.

Do đó, vai trò, trách nhiệm của người làm công tác pháp chế của các cơ sở giáo dục đại học phải ngày càng được nâng cao, với yêu cầu về chất lượng và tiến độ.

Theo Thứ trưởng, hiện nay Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm, chỉ đạo sát sao về công tác pháp chế theo đúng quy định. Theo đó, công tác pháp chế là công tác của người đứng đầu. Nếu như người đứng đầu quan tâm không thỏa đáng thì công tác này sẽ có những hạn chế nhất định.

Tại hội nghị, các báo cáo viên đã giới thiệu, trao đổi, hướng dẫn về một số văn bản pháp luật quan trọng, liên quan trực tiếp đến những công việc cụ thể của công tác pháp chế tại các cơ sở giáo dục đại học; thảo luận, nêu những khó khăn, vướng mắc trong thực tế tại các đơn vị và nhận được giải đáp, hướng dẫn, phản hồi của đại diện một số đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT.

 Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc họp về tổng hợp, tiếp thu các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Nhà giáo.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn phát biểu tại cuộc họp về tổng hợp, tiếp thu các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Nhà giáo.

Nỗ lực hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo

Tuần qua, Bộ GD&ĐT tổ chức 2 phiên họp quan trọng, tiếp tục các hoạt động góp ý, hoàn thiện dự thảo Luật Nhà giáo.

Sáng 1/7, tại Bộ GD&ĐT, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng, đại diện lãnh đạo các cục, vụ thuộc Bộ và các chuyên gia họp về tổng hợp, tiếp thu các ý kiến góp ý đối với dự thảo Luật Nhà giáo.

Thông tin tại phiên họp, tính đến ngày 25/6/2024, Bộ GD&ĐT đã nhận được ý kiến góp ý của 59 tỉnh/thành phố; 14 Bộ, ngành và 22 đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ GD&ĐT với sự tham gia của hơn 800.000 nhà giáo.

Bộ GD&ĐT cũng trực tiếp tổ chức/đặt hàng các đơn vị liên quan tổ chức các cuộc hội thảo/tọa đàm tại để xin ý kiến chuyên sâu về các nội dung chính sách trong dự thảo Luật; tổng hợp các ý kiến góp ý, làm việc với các chuyên gia soạn thảo để tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo và các hồ sơ kèm theo.

Theo kế hoạch, tháng 8/2024 sẽ trình Chính phủ về dự thảo hồ sơ Luật Nhà giáo; hoàn thiện hồ sơ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Một lần nữa chia sẻ quan điểm xây dựng Luật Nhà giáo để phát triển đội ngũ nhà giáo, lấy nhà giáo làm trung tâm, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng thời nhấn mạnh mục đích thông qua việc này để đổi mới quản lý nhà nước đối với nhà giáo, từ; chuyển từ hướng quản lý hành chính, mệnh lệnh, sang quản lý bằng chất lượng, tiêu chuẩn.

Bộ trưởng cũng cho rằng, với nhà giáo, quyền và nghĩa vụ phải song hành; giữa tôn vinh rất cao và đòi hỏi nghiêm ngặt là không tách biệt. Nên yêu cầu cao hơn với nhà giáo, từ đó dần nâng cao chất lượng đội ngũ và nâng cao chất lượng giáo dục.

 Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì phiên họp toàn thể lần thứ 2 Ban soạn thảo, tổ biên tập Dự án Luật Nhà giáo.

Thứ trưởng Phạm Ngọc Thưởng chủ trì phiên họp toàn thể lần thứ 2 Ban soạn thảo, tổ biên tập Dự án Luật Nhà giáo.

Hoạt động tiếp theo là phiên họp toàn thể lần thứ 2 Ban soạn thảo, tổ biên tập Dự án Luật Nhà giáo diễn ra ngày 5/7, tại Bộ GD&ĐT.

Cùng thống nhất đây là một việc khó, phức tạp, tại phiên họp, các ý kiến được tập trung trao đổi, thảo luận liên quan đến mối quan hệ giữa Luật Nhà giáo với Luật Viên chức, Luật Giáo dục và một số luật khác có liên quan; quản lý nhà nước về nhà giáo; chứng chỉ hành nghề đối với nhà giáo; đạo đức nhà giáo.

Nội dung về một số chính sách đối với nhà giáo, các nhân sự khác trong ngành Giáo dục như cán bộ quản lý giáo dục, các vị trí việc làm chuyên ngành giáo dục, đào tạo nhưng không phải là giáo viên, giảng viên có phải là nhà giáo và có thuộc đối tượng quy định ở Luật này hay không... cũng được tập trung trao đổi.

Hải Bình t/h

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/nong-trong-tuan-dap-an-cac-mon-thi-tn-thpt-no-luc-soan-thao-luat-nha-giao-post690769.html