Nóng trong tuần: Quy chế tuyển sinh THCS và THPT; Bộ GD&ĐT tổng kết năm 2024
Ban hành Quy chế tuyển sinh THCS, THPT; Bộ GD&ĐT tổng kết năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025 là tin giáo dục đáng chú ý tuần qua.
Ban hành mới Quy chế tuyển sinh THCS, THPT
Bộ GD&ĐT ban hành mới Quy chế tuyển sinh THCS và tuyển sinh THPT. Quy chế ban hành kèm Thông tư số 30/TT-BGD&ĐT ngày 30/12/2024.
Thông tư mới quy định cụ thể hơn về phương thức tuyển sinh THCS trên cơ sở bảo đảm phù hợp với Luật tổ chức chính quyền địa phương, phân cấp quản lý và Chương trình giáo dục phổ thông 2018 nhằm giảm áp lực cho học sinh, cha mẹ học sinh và cơ sở giáo dục
Theo đó, tuyển sinh THCS được thực hiện theo phương thức xét tuyển. Tiêu chí xét tuyển do Sở GD&ĐT hướng dẫn cụ thể, bảo đảm thực hiện việc xét tuyển công bằng, khách quan, minh bạch, phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Đối với trường THCS, trường phổ thông có nhiều cấp học trong đó có cấp THCS thuộc đại học, trường đại học, viện nghiên cứu, tiêu chí xét tuyển do đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lí hướng dẫn hoặc thực hiện theo hướng dẫn của Sở GD&ĐT nơi trường đặt trụ sở.
Quy định trong Thông tư mới cũng giảm thiểu thủ tục hành chính trong đăng kí tuyển sinh; phù hợp với chủ trương chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo: Việc đăng kí tuyển sinh THCS được tổ chức thực hiện bằng hình thức trực tuyến. Trường hợp chưa đủ điều kiện thực hiện đăng kí tuyển sinh bằng hình thức trực tuyến thì thực hiện bằng hình thức trực tiếp hoặc qua đường bưu điện.
Theo Thông tư mới có 3 phương thức tuyển sinh vào lớp 10 THPT gồm: thi tuyển, xét tuyển hoặc kết hợp giữa thi tuyển và xét tuyển. Việc lựa chọn phương thức tuyển sinh thuộc thẩm quyền của địa phương.
Đối với phương thức thi tuyển vào lớp 10 THPT, để đảm bảo thống nhất và đảm bảo quan điểm kỳ thi nhẹ nhàng, không gây tốn kém, Thông tư quy định chung việc thực hiện 3 môn thi, bài thi, gồm: Toán, Ngữ văn và 1 môn thi hoặc bài thi thứ ba do Sở GD&ĐT lựa chọn.
Môn thi thứ ba được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS, bảo đảm không chọn cùng một môn thi thứ ba quá 3 năm liên tiếp.
Bài thi thứ ba là bài thi tổ hợp của một số môn học được lựa chọn trong số các môn học có đánh giá bằng điểm số trong chương trình giáo dục phổ thông cấp THCS.
Đối với các trường THPT thuộc Bộ GD&ĐT, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu có tổ chức thi tuyển riêng thì môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp của một số môn học còn lại do Bộ GD&ĐT, đại học, trường đại học, viện nghiên cứu trực tiếp quản lí lựa chọn.
Môn thi thứ ba hoặc bài thi tổ hợp của một số môn học được công bố sau khi kết thúc học kì I nhưng không muộn hơn ngày 31 tháng 3 hằng năm.
Về thời gian làm bài thi, Thông tư quy định: môn Ngữ văn 120 phút; môn Toán 90 phút hoặc 120 phút; môn thi thứ ba 60 phút hoặc 90 phút; bài thi tổ hợp 90 phút hoặc 120 phút.
Nội dung thi nằm trong chương trình giáo dục phổ thông THCS, chủ yếu là lớp 9.
Thông tư số 30/TT-BGD&ĐT quy định chặt chẽ hơn so với trước ở một số khung chính sách quy định cho việc thành lập hội đồng ra đề, coi thi, chấm thi, phúc khảo bài thi, những việc cần thực hiện ở tất cả các khâu, đảm bảo chất lượng, an ninh, an toàn… Đồng thời, Thông tư cũng giao cho các địa phương những quy định cụ thể, thuộc thẩm quyền của địa phương, các địa phương ban hành chính sách để thực hiện phù hợp nhưng vẫn phải đảm bảo khung chính sách được quy định.
Sau khi Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư này, Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học cũng đã có những chia sẻ, làm rõ những vấn đề liên quan đến quy định mới.
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng có văn bản gửi các sở GD&ĐT về lựa chọn, công bố môn thi thứ ba và hướng dẫn tiêu chí xét tuyển trong tuyển sinh THCS, THPT.
Bộ GD&ĐT tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025
Sáng 6/1, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết công tác năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn, các Thứ trưởng: Nguyễn Văn Phúc, Phạm Ngọc Thưởng, Hoàng Minh Sơn, Nguyễn Thị Kim Chi chủ trì hội nghị. Dự hội nghị có Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa; Chủ tịch Công đoàn Giáo dục Việt Nam Nguyễn Ngọc Ân; lãnh đạo các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ GD&ĐT.
Phát biểu tại hội nghị, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh về xu hướng thuận lợi của ngành trong năm 2024, qua đó tạo khí thế, tinh thần tốt cho đội ngũ giáo viên và toàn ngành.
Nhấn mạnh một số kết quả nổi bật, Bộ trưởng nhận định, trong năm 2024, ngành Giáo dục hoàn thành được nhiều nhiệm vụ lớn mà không đợi đến hết kế hoạch 5 năm. Trong đó có việc tổng kết Nghị quyết 29 và đề xuất chính sách mới; hoàn thiện, ban hành Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; hoàn tất chu trình đổi mới giáo dục phổ thông; hoàn thành quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm và quy hoạch hệ thống trường chuyên biệt; xây dựng được nhiều đề án, chương trình, dự án sẽ chuẩn bị khởi động vào năm 2025; chuẩn bị cho Chương trình giáo dục mầm non mới…
Năm 2024 cũng cho thấy tinh thần đoàn kết, nhất trí, tính thống nhất, thực chất của toàn ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai nhiệm vụ. Các đơn vị, cục, vụ có nhiều nỗ lực trong biên soạn, ban hành các văn bản quy phạm pháp luật, cải thiện về cả chất lượng và tốc độ. Cơ sở giáo dục đại học thể hiện sự nhanh nhạy, năng động, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ. Cơ sở giáo dục phổ thông tích cực triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Nhìn nhận một số việc cần làm tốt hơn, Bộ trưởng đặc biệt nhấn mạnh đến nhiệm vụ ban hành các văn bản quy phạm pháp luật; giải ngân đầu tư công và nhiều công việc lớn sẽ khởi động từ năm 2025.
Theo Bộ trưởng, 2025 dù chưa phải năm khởi đầu kế hoạch 5 năm giai đoạn mới, nhưng với ngành Giáo dục lại là thời điểm khởi động nhiều việc lớn. Đơn cử như triển khai Kết luận số 91-KL/TW của Bộ Chính trị và Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045; triển khai quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục đại học và sư phạm và quy hoạch hệ thống trường chuyên biệt. Nếu Luật Nhà giáo được thông qua, năm 2025 sẽ là năm bắt đầu triển khai thực thi luật này.
Cũng năm 2025, ngành Giáo dục bắt tay chuẩn bị triển khai Chương trình giáo dục mầm non mới theo Nghị quyết của Quốc hội; tổng kết và chuẩn bị cho giai đoạn tiếp theo của đổi mới giáo dục phổ thông theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018; đồng thời, triển khai các chương trình, đề án, dự án lớn quy mô toàn ngành…
Từ đó, Bộ trưởng lưu ý một số công việc trọng tâm triển khai trong năm 2025. Trong đó có việc tận dụng cơ hội về mặt đầu tư từ các nguồn khác nhau; chuẩn bị tốt các đề án phát triển đơn vị theo các nghị quyết vùng; triển khai thực hiện tốt các quy hoạch; đặc biệt là triển khai thực hiện các nội dung liên quan đến tái cấu trúc, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy.
Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới Chương trình giáo dục mầm non
Bộ GD&ĐT công bố Dự thảo hồ sơ xây dựng Nghị quyết của Quốc hội về đổi mới Chương trình giáo dục mầm non; theo đó, đề xuất 4 nội dung bổ sung mới và 3 nội dung kế thừa, phát triển từ Chương trình giáo dục mầm non hiện hành
Những nội dung bổ sung mới gồm:
Tiếp cận năng lực dựa trên tình cảm - xã hội, đặt nền móng cho việc hình thành, phát triển các giá trị cốt lõi của con người Việt Nam: thể hiện qua mục tiêu, kết quả mong đợi, nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động giáo dục, đánh giá sự phát triển của trẻ.
Tiếp cận dựa trên quyền, đảm bảo chất lượng, công bằng, hòa nhập, bình đẳng và tôn trọng sự khác biệt của trẻ; giáo dục trẻ em có nhu cầu đặc biệt, phát triển ngôn ngữ (quan tâm ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ của trẻ) trong xây dựng và phát triển chương trình giáo dục mầm non.
Trao quyền cho cơ sở giáo dục và giáo viên trong phát triển chương trình giáo dục trên cơ sở đảm bảo linh hoạt, phù hợp với đặc điểm phát triển của trẻ, điều kiện cơ sở vật chất, môi trường sống, bản sắc văn hóa của địa phương, tăng cường quyền và năng lực tự chủ trong phát triển chương trình giáo dục của cơ sở giáo dục.
Các cơ sở giáo dục mầm non và giáo viên được chủ động lựa chọn nội dung, phương pháp, hình thức tổ chức các hoạt động nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục đáp ứng mục tiêu, yêu cầu của chương trình giáo dục nhà trường.
Quy định về tổ chức chế độ sinh hoạt cho trẻ trong Chương trình bảo đảm phù hợp với sự phát triển của trẻ em mầm non và chế độ làm việc của đội ngũ theo quy định Bộ luật Lao động.
Những nội dung kế thừa, phát triển từ Chương trình giáo dục mầm non hiện hành:
Trẻ em là trung tâm của quá trình giáo dục, chủ thể trong hoạt động và giao tiếp. Trẻ em học qua chơi và trải nghiệm phù hợp với hoạt động chủ đạo của từng lứa tuổi. Nhà giáo dục là người hỗ trợ trẻ em phát triển trong môi trường an toàn, thân thiện, giàu cảm xúc và có ý nghĩa.
Bổ sung nội dung và phương pháp giáo dục tiên tiến, phù hợp với điều kiện thực tiễn. Cá nhân hóa quá trình giáo dục, quan tâm phát triển sức khỏe, thể chất, kỹ năng cảm xúc - xã hội ở trẻ, hòa hợp với tự nhiên.
Mở rộng cơ hội tham gia và trách nhiệm của gia đình, cộng đồng trong thực hiện chương trình giáo dục mầm non.
Giải pháp thực hiện đổi mới gồm: Xây dựng Chương trình giáo dục mầm non mới; thí điểm thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới; ban hành, triển khai thực hiện Chương trình giáo dục mầm non mới.
Tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Nhà giáo
Chiều 12/1, Bộ GD&ĐT tổ chức phiên họp xin ý kiến đối với việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.
Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn và Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Đắc Vinh chủ trì phiên họp. Cùng dự có các Thứ trưởng: Phạm Ngọc Thưởng, Hoàng Minh Sơn, Nguyễn Thị Kim Chi; các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội: Nguyễn Thị Mai Hoa, Tạ Văn Hạ, Đinh Công Sỹ; các ủy viên thường trực, ủy viên chuyên trách, ủy viên, chuyên viên của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội; thành viên Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Nhà giáo.
Sau các phiên làm việc giữa cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo, hiện nay, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đã dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo và tiếp tục hoàn thiện sau khi lãnh đạo hai cơ quan thống nhất một số nội dung còn ý kiến khác nhau trong quá trình rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.
Báo cáo việc rà soát, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội đối với dự thảo Luật Nhà giáo sau các phiên họp trong tháng 12/2024, đại diện thường trực Ban soạn thảo, ông Vũ Minh Đức, Cục trưởng Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục cho biết:
Ngày 6/12/2024, Bộ GD&ĐT có báo cáo gửi Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. Ngày 12/12/2024, Tổng Thư ký Quốc hội có báo cáo tổng hợp ý kiến các đại biểu Quốc hội thảo luận tại tổ và tại hội trường về dự án Luật Nhà giáo.
Kết quả đề xuất chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo đến ngày 10/1, căn cứ kết quả làm việc qua các phiên và rà soát, thống nhất bước đầu giữa cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra: Về cấu trúc, dự thảo Luật Nhà giáo đề xuất chỉnh lý gồm 9 Chương, 47 Điều (giảm 3 Điều so với dự thảo 5 trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8). Đồng thời, tại chương VI (về đào tạo, bồi dưỡng và hợp tác quốc tế đối với nhà giáo), đề xuất không tách mục, quy định trực tiếp các Điều (bỏ tên mục).
Theo kế hoạch, tháng 1/2025 tập trung hoàn thiện Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo cùng các hồ sơ kèm theo phục vụ phiên họp tháng 2/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Tháng 2-3/2025: Tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiếp tục rà soát, chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo và các hồ sơ kèm theo để hoàn thiện hồ sơ dự án Luật Nhà giáo. Trong trường hợp cần thiết, Ủy ban Văn hóa Giáo dục có văn bản gửi Chính phủ đề nghị cho ý kiến, Bộ GD&ĐT chủ trì chuẩn bị hồ sơ trình Chính phủ để xin ý kiến các Thành viên Chính phủ.
Tháng 4/2025: Hoàn thiện hồ sơ trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Tại phiên họp, các ý kiến tập trung thảo luận, cho ý kiến đối với dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV và dự kiến chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo.
Một số vấn đề cụ thể được tập trung trao đổi liên quan đến: đối tượng áp dụng; điều động nhà giáo; tuổi nghỉ hưu cao hơn đối với nhà giáo; quyền của nhà giáo; tuyển dụng, sử dụng nhà giáo; bình đẳng giữa hệ thống giáo dục công lập và dân lập, tư thục; nhà giáo tham gia điều hành doanh nghiệp do cơ sở giáo dục thành lập từ kết quả nghiên cứu khoa học theo quy định…
Trước đó, ngày 8/1, Bộ GD&ĐT tổ chức phiên họp xin ý kiến đối với việc tiếp thu chỉnh lý dự thảo Luật Nhà giáo. Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa Giáo dục của Quốc hội Nguyễn Thị Mai Hoa và Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Ngọc Thưởng chủ trì phiên họp. Cùng dự có Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Lê Tấn Dũng, đại diện các đơn vị thuộc Bộ GD&ĐT, Bộ Nội vụ, Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch, Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp và Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.
Bổ sung điểm mới trong dự thảo Quy chế tuyển sinh ĐH
Ngày 11/1, bà Nguyễn Thu Thủy - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD&ĐT) thông tin, trên cơ sở những ý kiến đóng góp, Ban Soạn thảo sẽ đề xuất lãnh đạo Bộ GD&ĐT điều chỉnh một số điểm so với dự thảo đã công bố.
Theo đó, điều chỉnh thứ nhất là: Bỏ xét tuyển sớm (xét tuyển sớm được hiểu là tuyển sinh trước khi thí sinh biết điểm thi tốt nghiệp THPT).
Với điều chỉnh này, có thể hiểu, Bộ GD&ĐT chỉ bỏ xét tuyển sớm, còn các phương thức xét tuyển, trường đại học vẫn sử dụng. Ví dụ trước đây, một số trường sử dụng phương thức xét học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ để xét tuyển sớm. Với quy định bỏ xét tuyển sớm, các trường vẫn sử dụng các phương thức này nhưng thời gian xét tuyển được lùi về thời điểm xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT.
Điều chỉnh thứ hai là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào với thí sinh xét tuyển khối ngành đào tạo giáo viên và sức khỏe (có cấp chứng chỉ hành nghề). Theo đó, đề xuất bổ sung ngưỡng đảm bảo đầu vào từ điểm kỳ thi tốt nghiệp THPT để thí sinh có thể lựa chọn 1 trong 2, hoặc căn cứ vào điểm học tập THPT hoặc điểm thi tốt nghiệp THPT; không ràng buộc đồng thời cả 2 điều kiện như trong dự thảo (ngoài kết quả học bạ 3 năm THPT còn điều kiện điểm sàn thi tốt nghiệp THPT).