Novaland đang 'tái sinh', vì sao 'tay to' vẫn thoát hàng?

Từ mức sở hữu hơn 61,4% vốn điều lệ và nắm quyền chi phối tại Novaland (NVL), đến nay gia đình ông Bùi Thành Nhơn và tổ chức liên quan liên tục thay nhau bán ra lượng cổ phiếu đang nắm giữ, đỉnh điểm là mới đây 5 cổ đông lớn và nội bộ đăng ký bán tổng cộng 18,75 triệu cổ phiếu NVL.

Cụ thể, CTCP NovaGroup, cổ đông lớn nhất tại Novaland, đăng ký bán 3,93 triệu cổ phiếu NVL trong giai đoạn từ ngày 16/5 đến 13/6 theo phương thức khớp lệnh và/hoặc thỏa thuận. Nếu thành công, tỷ lệ sở hữu của NovaGroup giảm từ 17,373% xuống còn 17,171%.

Cùng thời điểm, cổ đông lớn Diamond Properties cũng đăng ký bán 3,23 triệu cổ phiếu NVL. Sau giao dịch, công ty này sẽ còn sở hữu gần 165,43 triệu cổ phiếu, tương ứng 8,483% vốn tại Novaland.

Động thái của hai cổ đông lớn được cho là nhằm hiện thực hóa cam kết hỗ trợ tài chính cho Novaland, giúp công ty bảo đảm thanh toán nợ đến hạn và duy trì hoạt động ổn định.

5 cổ đông lớn và nội bộ đồng loạt đăng ký bán tổng cộng 18,75 triệu cổ phiếu NVL.

5 cổ đông lớn và nội bộ đồng loạt đăng ký bán tổng cộng 18,75 triệu cổ phiếu NVL.

Ngoài ra, 3 cá nhân thuộc nhóm cổ đông nội bộ gồm ông Bùi Cao Nhật Quân, bà Bùi Cao Ngọc Quỳnh và bà Cao Thị Ngọc Sương cũng đồng loạt đăng ký bán cổ phiếu NVL vì lý do cá nhân, qua đó đưa tỷ lệ sở hữu của nhóm này về mức 6,818%.

Trong đó, bà Cao Thị Ngọc Sương - vợ ông Bùi Thành Nhơn đăng ký bán 221.133 cổ phiếu NVL để giảm tỷ lệ sở hữu xuống còn 2,59% vốn điều lệ.

Hai người con của ông Nhơn là ông Bùi Cao Nhật Quân đăng ký bán hơn 2,9 triệu cổ phiếu NVL để giảm sở hữu về 3,86% vốn điều lệ và bà Bùi Cao Ngọc Quỳnh muốn bán hơn 8,4 triệu cổ phiếu NVL để giảm sở hữu xuống còn 0,36% vốn.

Đáng chú ý, các cổ đông lớn và cổ đông nội bộ đồng loạt bán ra trong lúc cổ phiếu NVL đang có tín hiệu phục hồi. Cổ phiếu này đã tăng đến hơn 60% chỉ trong một thời gian ngắn, tính từ phiên giao dịch ngày 9/4 đến nay.

Không những vậy, tại ĐHĐCĐ thường niên 2025 diễn ra vào ngày 24/4 vừa qua, Chủ tịch Bùi Thành Nhơn thừa nhận đến nay, do vướng mắc pháp lý dự án chưa được tháo gỡ triệt để, nên vẫn còn một số yêu cầu của khách hàng và đối tác chưa được giải quyết.

Theo ông Nhơn, sau 3 năm tái cấu trúc quyết liệt, Novaland đã vượt qua giai đoạn khó khăn nhất và năm nay sẽ là bước ngoặt đánh dấu sự trở lại mạnh mẽ của Novaland với chiến lược mới mở thêm phân khúc nhà ở cho người có thu nhập trung bình.

Ông Nhơn một lần nữa nhấn mạnh Novaland sẵn sàng trỗi dậy, khẳng định vị thế mới, một biểu tượng của sự tái sinh mạnh mẽ và phát triển bền vững. Đồng thời mong cổ đông đặt niềm tin vào cổ phiếu của Novaland, xem đây là khoản đầu tư dài hạn hiệu quả.

Thực tế, trong những năm gần đây, tình hình tài chính của Novaland gặp nhiều thách thức. Năm 2024, dù doanh thu tăng mạnh, đạt 9.079 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2023, công ty vẫn báo lỗ sau thuế 4.395 tỷ đồng. Đây là lần đầu tiên "ông lớn" bất động sản phía Nam thua lỗ.

Tới quý I/2025, Novaland ghi nhận tổng doanh thu hợp nhất hơn 1.778 tỷ đồng, gấp 2,5 lần cùng kỳ. Trong đó, doanh thu thuần từ chuyển nhượng bất động sản đạt hơn 1.634 tỷ đồng, tăng gấp 3,3 lần nhờ bàn giao tại các dự án như NovaWorld Phan Thiet, NovaWorld Ho Tram, Aqua City, Sunrise Riverside, Palm City... Do phát sinh khoản lỗ khác gần 262 tỷ đồng, không còn nhận được gần 331 tỷ đồng tiền vi phạm hợp đồng như cùng kỳ nên Novaland lỗ ròng hơn 443 tỷ đồng.

Năm 2025, Novaland đưa ra 2 kịch bản kinh doanh năm 2025, dựa trên tiến độ tháo gỡ pháp lý dự án. Phương án 1 kỳ vọng doanh thu thuần đạt 13.411 tỷ đồng và lỗ sau thuế 12 tỷ đồng, trong khi phương án 2 thận trọng hơn với mục tiêu doanh thu 10.453 tỷ đồng và lỗ 688 tỷ đồng.

Đáng chú ý, trong Báo cáo tài chính kiểm toán của CTCP Đầu tư Thương mại SMC mới đây đã hé lộ một bức tranh tài chính u ám khi hàng loạt công ty thuộc hệ sinh thái Novaland đang nợ quá hạn hàng nghìn tỷ đồng.

Điều đáng nói, những khoản nợ này đã nằm trong diện khó thu hồi, kéo dài từ 1 đến dưới 3 năm, khiến thị trường không khỏi đặt dấu hỏi lớn về tính minh bạch và năng lực trả nợ thực sự của tập đoàn địa ốc từng đình đám một thời này.

Cụ thể, Công ty TNHH Delta – Valley Bình Thuận nợ 440,7 tỷ đồng; Công ty TNHH Bất động sản Đà Lạt Valley 169,2 tỷ đồng; Công ty TNHH The Forest City 131,5 tỷ đồng; Công ty TNHH Thành phố AQUA 113,6 tỷ đồng;

Công ty Cổ phần Địa ốc Ngân Hiệp 43 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư và Bất động sản Tường Minh 41,4 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Kinh doanh bất động sản Thái Bình 40,6 tỷ đồng; Công ty TNHH Du lịch Bình An 36,1 tỷ đồng; Công ty TNHH Đầu tư Bất động sản Long Hưng Phát 29,5 tỷ đồng; Công ty Cổ phần Hoàn Vũ 25,7 tỷ đồng; Công ty Cổ phần phát triển Đất Việt 20,3 tỷ đồng.

Như vậy, các công ty con của Novaland đang nợ của CTCP Đầu tư Thương mại SMC số tiền lên đến hơn 1.000 tỷ đồng. Tất cả các khoản trên đều là khoản phải thu khó đòi quá hạn từ 1 năm – dưới 3 năm của SMC.

Trên thị trường, cổ phiếu NVL đang giảm điểm trong phiên sáng 13/5, giao dịch quanh mức 12.000 đồng/cp.

Châu Giang

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//giao-dich/novaland-dang-tai-sinh-vi-sao-tay-to-van-thoat-hang-1106740.html