NSND Xuân Bắc - Giám đốc Nhà hát Kịch Việt Nam: Lấy thiếu nhi làm trung tâm kể chuyện

Ai cũng biết rằng sân khấu dành cho thiếu nhi là rất cần thiết nhưng chúng ta đã đầu tư cho việc đó xứng đáng hay chưa?

NSND Xuân Bắc.

NSND Xuân Bắc.

Tôi nghĩ là chưa, thậm chí có nhiều nơi chưa quan tâm.

Kỳ Liên hoan Nghệ thuật sân khấu dành cho thiếu niên, nhi đồng toàn quốc lần thứ nhất vừa qua là cú hích để mọi người thấy được tầm quan trọng của nghệ thuật sân khấu đối với sự phát triển của trẻ em. Các em được tiếp cận với nghệ thuật từ nhỏ thì sau này sẽ hiểu hơn về nghệ thuật, dành thời gian để thưởng thức nghệ thuật, bồi đắp tâm hồn.

Chúng ta có nhiều cách để tạo ra những tác phẩm ý nghĩa dành cho thiếu nhi. Nhưng cần lấy thiếu nhi làm trung tâm để kể câu chuyện, từ đó đưa ra thông điệp, ý nghĩa của tác phẩm sân khấu. Đối với thiếu nhi thì câu chuyện phải thật đơn giản, ngôn ngữ trong sáng, gần gũi, phân định rạch ròi cái xấu, cái tốt, không nên dùng thủ pháp nghệ thuật quá cao siêu...

Nếu chúng ta lấy mục đích là thông qua tác phẩm để gửi tới các em cái hay, cái đẹp, cái đáng tự hào về giá trị truyền thống của ông cha thì chúng ta sử dụng chất liệu từ kho tàng văn hóa, văn học dân gian.

Nếu muốn hướng các em đến những yếu tố con người cụ thể, như biết đấu tranh cho lẽ phải, biết bài trừ cái xấu, biết làm điều thiện, biết yêu thương, sẻ chia, biết bảo vệ môi trường... thì cũng có thể chọn thêm chất liệu của nước ngoài.

Tôi nghĩ rằng đề tài nào, xuất xứ ở đâu cũng được bởi mục đích là để các em có thể cảm nhận được điều mà chúng ta muốn gửi gắm. Tất nhiên, trong kho tàng văn học nước nhà có nhiều tác phẩm có thể gợi cảm hứng và đạt được những tiêu chí ấy.

Còn ở đây, chúng ta nên tùy thuộc cảm hứng sáng tạo của mỗi tác giả, không nên cực đoan khi ưu tiên sử dụng chất liệu trong nước hay của nước ngoài để sáng tác kịch bản. Điều quan trọng là chúng ta làm như thế nào để những giá trị tốt đẹp có thể đến với các em một cách tự nhiên.

Không phải tự nhiên có những tác phẩm được dàn dựng ở hàng trăm quốc gia trên thế giới. Họ biết được mình mong muốn và có thể đạt được điều gì ở tác phẩm ấy? Khán giả sẽ được truyền đạt nội dung gì? Bây giờ, nên chăng chúng ta nên định hướng cách tiếp cận như thế nào, nhằm đem lại giá trị gì thông qua tác phẩm.

Tất nhiên, tôi vẫn ủng hộ chúng ta kể những câu chuyện Việt mang hình ảnh đất nước, truyền thống văn hóa và lịch sử hàng nghìn năm với những nét đẹp truyền thống của ông cha, nhưng tôi cũng không phản đối giáo dục các em nhỏ thông qua những câu chuyện mà các em yêu thích với những giá trị nhân bản... Và cần lưu ý rằng, điều quan trọng khi làm sân khấu cho trẻ em là phải tạo được sức hút và hấp dẫn.

HÀ TUYÊN (ghi)

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nsnd-xuan-bac-giam-doc-nha-hat-kich-viet-nam-lay-thieu-nhi-lam-trung-tam-ke-chuyen-10284019.html