Nữ giáo viên sinh học mang đến điều thú vị trong từng bài giảng
Cô Nguyễn Thị Hoài, giáo viên bộ môn sinh học, Trường THPT Khúc Thừa Dụ (Ninh Giang) luôn tích cực tìm tòi, đổi mới phương pháp dạy.
Tiết học không nhàm chán
Cô Hoài bắt đầu bài giảng “Tuần hoàn máu" bằng ví dụ về thảm kịch tại Itaewon. Cô chỉ ra cho học sinh thấy rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến số đông người tử vong như vậy là do thiếu oxy. 45 phút của tiết sinh học trôi qua nhanh chóng bởi cô luôn lấy những ví dụ thực tế, gần gũi để học sinh hiểu bài và chia tổ thảo luận, phát huy tinh thần làm việc nhóm. Đây chỉ là một trong nhiều tiết học lý thú khác mà cô Hoài đã giảng dạy ở Trường THPT Khúc Thừa Dụ suốt 18 năm qua.
Em Nguyễn Văn Minh Đức, học sinh lớp 11A nêu cảm nhận sau tiết học: “Em thấy cô giảng rất dễ hiểu. Tiết nào cô dạy cũng lấy những ví dụ sinh động như vậy, cho chúng em thực hành nên tiết học không bị nhàm chán”. Để đưa được những ví dụ thực tế gần gũi với học sinh vào bài giảng như vậy, cô Hoài thường xuyên phải cập nhật tin tức thời sự, những xu hướng của giới trẻ...
Sinh ra trong một gia đình thuần nông, hoàn cảnh khá khó khăn ở xã Nghĩa An (Ninh Giang), năm 2000, cô Hoài thi vào Trường Đại học Sư phạm Hà Nội để tiết kiệm học phí, đỡ đần gia đình. Năm 2004, cô về công tác tại Trường THPT Khúc Thừa Dụ từ đó đến nay. Những năm đầu mới về trường đối với một giáo viên trẻ luôn là ký ức khó quên. Khi ấy Trường THPT Khúc Thừa Dụ là trường bán công, điều kiện trường lớp chưa đầy đủ, số lượng học sinh đông, trường thiếu giáo viên, vẫn còn một số học sinh cá biệt. “Khi ấy, tôi mới ra trường, chủ nhiệm những lớp có sĩ số từ 50 - 60 học sinh, một ngày dạy 8 - 10 tiết học là chuyện bình thường", cô nhớ lại.
Đến giờ, cô vẫn nhớ những lần đi dạy thử chương trình mới, đi thi giáo viên giỏi tỉnh: “Ngày ấy làm gì có sẵn máy chiếu hay tivi trong phòng học như bây giờ. Tôi cùng một đồng nghiệp chở các thiết bị màn chiếu, máy chiếu trên chiếc xe máy cũ đến các trường đó dạy", cô Hoài chia sẻ.
Nhận nhiều bằng khen, giấy khen
Vượt qua những khó khăn, bằng tinh thần nhiệt huyết, ham học hỏi, cô đã đạt nhiều thành tích trong công tác giảng dạy và bồi dưỡng học sinh giỏi. Trong 5 năm gần đây, đội tuyển học sinh giỏi lớp 12, lớp 10 môn sinh học mà cô bồi dưỡng giành thành tích tốt với 1 giải ba, 6 giải khuyến khích cấp tỉnh.
Cô cũng tích cực tham gia viết sáng kiến. Một số sáng kiến được áp dụng rộng rãi. Sáng kiến “Tổ chức hoạt động trải nghiệm nhằm tạo hứng thú và phát triển năng lực cho học sinh qua dạy học chủ đề bảo quản, chế biến nông, lâm, thủy sản Công nghệ 10 THPT” được Tỉnh đoàn Hải Dương chọn thi cấp quốc gia.
Cô Hoài đạt danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp trường nhiều năm liền, danh hiệu giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Ngoài ra, cô còn nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của Sở Giáo dục và Đào tạo, Chủ tịch UBND tỉnh, Bộ Giáo dục và Đào tạo... Cô vừa được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen.
Ông Đỗ Hoàng Trọng, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Khúc Thừa Dụ đánh giá: “Giáo viên Nguyễn Thị Hoài có năng lực chuyên môn rất vững vàng, tích cực đổi mới sáng tạo phương pháp dạy học, luôn giúp đỡ đồng nghiệp, được học sinh, giáo viên trong trường quý mến. Là Tổ trưởng Tổ hóa - sinh - công nghệ, cô luôn chỉ đạo tốt hoạt động chuyên môn, quan tâm nâng cao năng lực chuyên môn của giáo viên trong tổ. Là Chủ tịch Công đoàn trường, cô cũng quan tâm đến đời sống công đoàn viên, tổ chức các hoạt động được mọi người hào hứng tham gia, tạo sự đoàn kết thống nhất trong cơ quan”.
Với 18 năm gắn bó nghề giáo, cô Nguyễn Thị Hoài được nhiều học trò quý mến. Đây chính là động lực to lớn để cô phấn đấu hơn nữa trên hành trình gieo tri thức của mình.