Nữ sinh Việt Nam và đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên vươn mình
Hội nghị 'Nữ sinh và STEM' năm 2025 - điểm nhấn trong chuỗi hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực STEM vừa được Trung tâm hỗ trợ học sinh, sinh viên TP Hồ Chí Minh phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD) tổ chức tại trường Cao đẳng Kỹ thuật Cao Thắng.

Hội nghị thu hút gần 200 nữ sinh đến từ các trường THPT, trung cấp, cao đẳng và đại học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh. Nguồn: MSD.
Đây là một sự kiện trọng điểm trong khuôn khổ dự án STEMherVN của MSD Việt Nam thu hút gần 200 nữ sinh đến từ các trường THPT, trung cấp, cao đẳng và đại học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh.
Chia sẻ từ đại diện doanh nghiệp có cơ cấu nhân sự trong ngành kĩ thuật lớn, bà Loan Trần đến từ doanh nghiệp MiTek Vietnam cho biết về tầm quan trọng của nữ giới trong việc thúc đẩy môi trường làm việc với hiệu quả, và hiệu suất cao: “Tại MiTek, có tới 45% nhân viên là nữ, chính sự đa dạng giới trong môi trường làm việc đã hỗ trợ rất nhiều trong việc kinh doanh và sáng tạo đổi mới”.
Mang đến một góc nhìn sâu sắc về thị trường việc làm, bà Lưu Thanh Huyền - nhà sáng lập Trung tâm hướng nghiệp VOCO đã chia sẻ: “Phụ nữ Việt xưa nay rất nổi tiếng với các tố chất tốt đẹp và tiềm năng lớn trong mọi lĩnh vực, đóng góp giá trị rất cao trong việc phát triển kinh tế… May mắn và đáng mừng là môi trường tại Việt Nam khá bình đẳng trong khu vực và vì vậy Việt Nam hiện nay đang phát triển rất tốt nhờ có sự tham gia của phụ nữ trong các lĩnh vực.”
Một trong những điểm nhấn của hội nghị là Tọa đàm “Nữ sinh Việt Nam và đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên vươn mình”. Phạm Việt Thùy Trinh – Đại sứ STEMherVN 2024, sinh viên năm 3 ngành Công nghệ Kỹ thuật Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐHQG TP.HCM chia sẻ về trải nghiệm học tập, cho biết kể cả trong môi trường giáo dục STEM, những định kiến giới cũng vẫn là một yếu tố tác động, khiến cho các bạn nữ rụt rè e ngại trước những nhiệm vụ về kỹ thuật mà nữ giới được cho là có ít lợi thế hơn nam giới.
"Khi theo đuổi ngành này, em nhận ra rằng những ý kiến bên ngoài không quan trọng bằng hành động của chính mình. Mình cần nhận thức được mình là ai, mình có thể làm gì và mình cần làm gì để tốt hơn”, theo Thùy Trinh.

Tọa đàm “Nữ sinh Việt Nam và đổi mới sáng tạo trong kỷ nguyên vươn mình”. Nguồn MSD.
Bà Trần Vân Anh, Phó Viện trưởng, Viện Nghiên cứu Quản lý Phát triển Bền vững (MSD) khẳng định: “STEMherVN là sáng kiến MSD tập trung hướng tới mục tiêu thúc đẩy những nỗ lực bình đẳng giới trong tiếp cận giáo dục và định hướng nghề nghiệp, cụ thể phá bỏ những rào cản về giới cản trở nữ giới trong tiếp cận giáo dục và theo đuổi nghề nghiệp trong lĩnh vực STEM. Đến nay, không chỉ là một sáng kiến, thông qua sự trưởng thành, tự tin và chủ động của các bạn nữ đại sứ của dự án nói riêng và các bạn nữ sinh nói chung, STEMherVN là một lời khẳng định về việc nữ giới hoàn toàn có thể dẫn dắt những đổi thay trong thời đại số. Chúng tôi tin rằng, khi trao cơ hội tiếp cận giáo dục STEM một cách công bằng và được truyền cảm hứng, mỗi bạn nữ sinh đều có thể trở thành nhà sáng tạo, nhà khoa học, hay kỹ sư của tương lai. Hội nghị hôm nay cũng là một minh chứng sống động cho niềm tin ấy – nơi mà tri thức, sự tự tin và tinh thần tiên phong được thắp lên trong từng ánh mắt, nụ cười và ước mơ của các em, cùng với sự cam kết đồng hành của các bên liên quan trong hành trình hiện thực hóa mục tiêu thúc đẩy vai trò và sự tham gia của nữ sinh trong kỉ nguyên vươn mình của đất nước”.