'Núi trên đất bằng'

Tiến sĩ Hà Thanh Vân đã nhận xét Tiểu thuyết 'Núi trên đất bằng' của Võ Đình Duy là một tác phẩm văn chương đầu tay ra mắt năm 2025, đánh dấu bước chuyển đầy bất ngờ từ một kiến trúc sư trẻ sống ở Gia Lai sang hành trình kiến tạo thế giới văn chương.

Tác giả trẻ Võ Đình Duy là hội viên Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai năm 2023 với chuyên ngành thơ. Thơ của Duy cũng rất mới lạ, đầy hình ảnh gợi tả được đăng trên các báo tạp chí như: Văn nghệ Quân đội, Tạp chí Văn nghệ Gia Lai, Báo Áo trắng, Báo Gia Lai... từ những năm 2012, nhưng rồi sau đó Duy ngừng viết.

Để rồi năm 2024 khi tham gia trại sáng tác tiểu thuyết và truyện ký của Nhà xuất bản Công an nhân dân tổ chức vào tháng 4-2024, Duy đã có cảm hứng để viết lại. Và khi viết lại, chẳng phải thơ hay truyện ngắn mà quyển sách đầu tiên Duy trình làng lại chính là một thiên tiểu thuyết đầy sắc màu huyền thoại, những ẩn chứa của thời gian, những thông điệp của thời đại và cả những băn khoăn của người trẻ về một vùng đất đầy sắc màu văn hóa đang dần bị cuộc sống hiện đại cuốn đi, thay đổi, biến chất và mong muốn tìm lại dấu vết xưa đã được Duy khắc họa rất tỉ mỉ trong “Núi trên đất bằng” (Nhà xuất bản Văn học, 6-2025).

Câu chuyện vừa nhuốm màu cổ tích, thần thoại lại đầy sắc màu văn hóa của thị trấn Maccot được xây dựng rất thành công. Sợi dây của quá khứ nhạy cảm đã nuôi dưỡng những người bạn của thế hệ B'la, tôi, H'hoai, Pơ Y, Li Ết, những câu chuyện huyền bí về loài rêu đỏ, về những phong tục, về con người ở thị trấn Maccot đã được tác giả Võ Đình Duy tạo dựng thống nhất và nhuần nhuyễn. Độc giả có thể dễ dàng hình dung về vùng đất mới nhưng lại cũ này, dường như ở góc nhìn văn hóa, người đọc vẫn dễ dàng tưởng tượng được cảnh vật, con người nơi đây, chẳng quá tách biệt với cuộc sống. Thị trấn này dường như là một thị trấn nào đó mà ta đã từng qua, từng biết trước khi cơn lốc thương mại kéo đến thay đổi từ cây cối bản địa, đến nhà cửa, đến cả con người.

Những điều huyền bí che giấu trong những câu chuyện không phải không có lý của nó, những mối quan hệ tương hỗ đan xen nhau của cây, của người, của núi lớn, của hồ nước được tác giả khéo léo truyền tải thông điệp cuộc sống vào không chút gượng ép. Có lẽ, do xuất phát điểm là một kiến trúc sư và giờ lại đang quay lại với hội họa, đang mày mò với thể loại sơn mài nên sự thiết kế không gian trong tiểu thuyết của tác giả rất dễ dàng chạm tới cảm quan của người đọc.

Với cách sắp xếp đưa tất cả các dữ liệu dồn dập vào chương một, khiến chương đầu như một mê cung đầy lối rẽ khiến cho người đọc phải căng hết các giác quan lên để xử lý. Những chi tiết rời rạc nhưng lại tập trung vào một điểm cụ thể đó là loài rêu đỏ huyền bí gây ra cái chết đỏ cho những thanh niên trong thị trấn khiến mọi người hoang mang sợ hãi.

Những mảnh ghép của câu chuyện qua lời kể của những người từng chứng kiến cái chết của B'la không cho ra một chỉnh thể mà chỉ tô đậm thêm nét huyền hoặc của thị trấn như ảo ảnh đang bị trần trụi hóa dưới các hoạt động khai thác du lịch. Liệu đây là một lời cảnh báo của thiên nhiên hay còn là một bí ẩn cần lời giải đáp.

Sau những dồn dập của chương đầu một cách có ý đồ, thì các chương sau các sự kiện dần dần duỗi ra một cách nhẹ nhàng để người đọc dễ dàng hình dung ra thị trấn Maccot có gì huyền bí và thu hút mọi người đến thế. Những câu chuyện cứ thế nhẩn nha diễn ra từ từ, gợi cho người đọc các hình ảnh vừa dễ thuyết phục vì đã gặp đâu đó, lại có những hình ảnh như trong giấc mơ về một vùng đất yên bình cổ tích với những cây Maccot cổ thụ với loại trái cây thơm ngon đặc biệt làm ra rượu, bánh và cả kéo theo cả một tiềm năng du lịch cho thị trấn. Loài chim đuôi xanh của lễ hội Mpú Toh-Kong, lễ trưởng thành của những đứa trẻ đất bằng, núi lớn, hồ lớn và cánh đồng Bồ tuổi thơ đã liên kết những đứa trẻ như thế nào.

Để rồi cũng từ lễ hội trưởng thành, nhân vật tôi đã không lấy được viên đá đỏ mà trốn vào phố thị. Cách tả của tác giả xoay mạch đột ngột, để phố thị chính là phố thị trần trụi, hiện đại và chen chúc mà ai ai cũng biết, như kiểu bóc tách người đẩy sự lạc lõng của nhân vật tôi đến đỉnh điểm. Vậy mà nhân vật của miền đất cổ tích vẫn theo kịp hiện đại, vẽ ra cho mình một tương lai mù mờ ở vùng đất mới, chỉ đến khi cái chết của B'la, một người bạn tuổi thơ ập đến thì những người bạn mới tìm về và thấy nhịp điệu bất ổn đang lan tràn khắp thị trấn tuổi thơ của mình.

Tiến sĩ Hà Thanh Vân đã nhận xét Tiểu thuyết "Núi trên đất bằng" của Võ Đình Duy là một tác phẩm văn chương đầu tay ra mắt năm 2025, đánh dấu bước chuyển đầy bất ngờ từ một kiến trúc sư trẻ sống ở Gia Lai sang hành trình kiến tạo thế giới văn chương. Tiểu thuyết "Núi trên đất bằng" đã dắt người đọc đi vào vùng đất Maccot hoang sơ, lặng thầm, nơi mà hiện thực và mộng tưởng, khoa học và linh dị, cá nhân và cộng đồng, truyền thuyết và sự thật, cùng tồn tại trong những lớp địa tầng chồng xếp của không gian và cảm thức, bằng một chất văn huyền hoặc, cấu trúc kể chuyện phân mảnh và khả năng thiết kế không gian độc đáo, một dấu ấn đậm chất kiến trúc trong một văn bản hư cấu.

Là một kiến trúc sư, Võ Đình Duy đã thể hiện khả năng “thiết kế không gian hư cấu” rất tự nhiên trong tiểu thuyết. Không gian trong "Núi trên đất bằng" không phải phông nền mà chính là nhân vật, một nhân vật biết thở, biết thầm thì, biết phản ứng với nỗi đau và mất mát. Trong một thế giới văn chương ngày càng bị công nghệ hóa và làm phẳng trên bình diện toàn cầu, "Núi trên đất bằng"mang theo tiếng vọng từ rừng, từ đá, từ suối, từ những chốn “ở bên kia hiện thực”. Đó một lời gọi thiết tha vọng ra từ những trang tiểu thuyết: hãy lắng nghe không gian, vì biết đâu, ở đó có những linh hồn đang trỗi dậy.”

Theo chân những người bạn muốn tìm ra lời giải về cái chết của B'la, độc giả sẽ liên kết các sự kiện lại với nhau để cùng tìm vào vùng lõi của hồ lớn, nơi dự án du lịch luôn quây tôn che kín, nơi vụ nổ lớn gây ra những xáo động của vùng đất yên bình. Có lẽ ưu thế về Mĩ thuật của Duy và cách tả cảnh không màu mè, nhưng lại rất ấn tượng đã khiến cho độc giả dễ dàng hòa vào không gian ở vùng núi lớn trên đất bằng không một chút thắc mắc, hoang mang. Và mặc dù đây là lần đầu tiên thử sức với tiểu thuyết, nhưng cách hệ thống và giải quyết câu chuyện của Duy vẫn rất cuốn hút người đọc theo một cách rất riêng của mình.

KIM SƠN

Nguồn Gia Lai: https://baogialai.com.vn/nui-tren-dat-bang-post560335.html