Nước biển dâng, cả một hòn đảo phải di dời

Trên hòn đảo Gardi Sugdub ngoài khơi bờ biển Caribbean tại Panama, khoảng 300 gia đình người Gunas đã phải gói ghém tư trang để bước vào một sự thay đổi chưa từng có.

Một phụ nữ Gunas chờ tàu trên đảo Gardi Sugdub để vào đất liền. Ảnh: Martin Bernetti.

Một phụ nữ Gunas chờ tàu trên đảo Gardi Sugdub để vào đất liền. Ảnh: Martin Bernetti.

Họ là cộng đồng đầu tiên trong số 63 cộng đồng dọc theo vùng duyên hải Caribe và Thái Bình dương tại Panama buộc phải di dời do mực nước biển dâng cao.

Nadin Morales (24 tuổi) nói rằng, mọi người đều rất buồn vì phải xa hòn đảo nơi họ đã sống trong những căn nhà giản dị từ này sang đời khác. Đó là nơi tình yêu biển cả bắt đầu, nơi họ câu cá và bơi lội. Nhưng hòn đảo đang dần dần bị nhấn chìm, từng chút một. Hòn đảo hiện chỉ cao hơn mực nước biển 30cm.

Đại diện Bộ Gia cư Panama cho biết, Gardi Sugdub là một trong khoảng 50 hòn đảo đông dân cư tại quần đảo thuộc lãnh thổ Guna Yala. Hòn đảo chỉ dài khoảng 366m và rộng 137m. Hàng năm, nhất là khi gió mạnh tháng 11 và tháng 12, nước dâng lên đường rồi tràn vào nhà. Biến đổi khí hậu không chỉ làm mực nước biển dâng cao mà còn làm đại dương ấm lên, từ đó tạo ra những cơn bão dữ tợn hơn. Người dân trên đảo phải chống cự bằng cách gia cố tường nhà bằng đá nhưng nước biển vẫn tiếp tục tràn vào.

Evelio Lopez – làm nghề dạy học trên đảo cho biết, không thể đánh liều tính mạng với “thủy thần” khi mà hòn đảo tiếp tục chìm xuống, tuy rằng rời bỏ hòn đảo này là một thử thách lớn, vì hơn 200 năm văn hóa của dân tộc Gunas bắt nguồn từ biển cả. “Không còn biển khơi, không còn các hoạt động kinh tế mà chúng tôi gây dựng trên hòn đảo. Giờ đây chúng tôi sẽ lên đất liền, ở trong rừng. Về lâu về dài chúng tôi sẽ sinh sống ra sao” - ông Lopez nói.

Hiện 1.300 người dân Gunas rời đảo Gardi Subdug đã nhận chìa khóa của 300 ngôi nhà mới trên đất liền. Vào ngôi nhà mới, anh Eliot Rodriguez cho biết: "Từ nhỏ tôi đã luôn tiếp xúc với biển, nhìn từ đảo vào rừng, còn bây giờ sẽ nhìn ngược lại. Cuộc sống khác hẳn".

Từ hơn 20 năm trước, chính quyền Panama đã có những biện pháp bảo vệ cuộc sống người dân trên các hòn đảo chịu sự tấn công của thủy triều do biến đổi khí hậu, bằng cách gia cố rìa đảo bằng đá, cọc cùng san hô, nhưng cũng không thể ngăn nước biển tràn vào.

Một báo cáo của Liên hợp quốc cho biết khoảng 40.000 người dân Panama (gần 10% dân số) đang sống ở độ cao dưới 10m so với mực nước biển. Không chỉ riêng Panama, 41 triệu người sống ở các khu vực trũng thấp trên khắp châu Mỹ Latinh và Caribe cũng đang đối mặt rủi ro ngày càng tăng do lũ lụt, nước biển dâng.

Bảo Thư

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/nuoc-bien-dang-ca-mot-hon-dao-phai-di-doi-10283560.html