Nước giải khát có đường vào diện chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Đó là một trong những nội dung được nhiều đại biểu quan tâm thảo luận về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi tại phiên họp sáng 9-5 của kỳ họp thứ chín, Quốc hội khóa XV.

Điều hòa nhiệt độ công suất trên 18.000 BTU chịu thuế tiêu thụ đặc biệt

Toàn cảnh phiên thảo luận về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi sáng 9-5. Ảnh: quochoi.vn

Toàn cảnh phiên thảo luận về dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi sáng 9-5. Ảnh: quochoi.vn

Trình bày báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Thuế TTĐB sửa đổi, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính Phan Văn Mãi cho biết, dự thảo Luật gồm IV chương và 11 điều.

Đáng lưu ý, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của Chính phủ để chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định điều hòa nhiệt độ có công suất trên 18.000 BTU đến 90.000 BTU thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB (không thu thuế với máy điều hòa có công suất nhỏ hơn 18.000 BTU và trên 90.000 BTU).

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày báo cáo. Ảnh: quochoi.vn

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Tài chính của Quốc hội Phan Văn Mãi trình bày báo cáo. Ảnh: quochoi.vn

Ông Phan Văn Mãi cho biết, việc bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB là nội dung được nhiều đại biểu quan tâm. Đây là bước đi đầu tiên trong tiến trình thực hiện các giải pháp nhằm hạn chế việc sản xuất, tiêu dùng các sản phẩm có nhiều đường trong thực phẩm, đồ uống - một trong những nguyên nhân gây thừa cân, béo phì và các bệnh không lây nhiễm liên quan đến chế độ ăn.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế để có thể cân nhắc khả năng bổ sung các sản phẩm khác có chứa đường vào diện chịu thuế TTĐB. Tại dự thảo Luật quy định, nước giải khát theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml thuộc diện chịu thuế TTĐB.

Theo ông Phan Văn Mãi, vì mặt hàng này mới được bổ sung vào đối tượng chịu thuế nên cần có lộ trình thực hiện để các doanh nghiệp có thời gian thích ứng, điều chỉnh kế hoạch sản xuất, kinh doanh, từng bước chuyển đổi sang các sản phẩm có hàm lượng đường thấp.

“Tiếp thu ý kiến đại biểu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với đề xuất của cơ quan soạn thảo xin được chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng quy định lộ trình thực hiện: Từ năm 2027 áp dụng thuế suất 8%, từ năm 2028 áp dụng thuế suất 10%”, ông Phan Văn Mãi nhấn mạnh.

Kiến nghị đưa túi nilon vào diện chịu thuế TTĐB

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Thảo luận tại hội trường, đại biểu Dương Khắc Mai (Đoàn Đắk Nông) kiến nghị nâng công suất điều hòa nhiệt độ lên trên 24.000 BTU mới thuộc diện chịu thuế TTĐB.

Đại biểu phân tích, thực tế nhiều khu chung cư, đô thị hiện nay người dân thường sử dụng một máy điều hòa nhiệt độ cho cả 3 phòng với công suất trên 18.000 BTU. “Điều này vừa tiết kiệm chi phí cho người dân, vì vậy cơ quan soạn thảo có thể sửa điều hòa nhiệt độ có công suất trên 24.000 BTU đến 90.000 BTU thuộc đối tượng chịu thuế TTĐB”, đại biểu kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Trong khi đó, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn Quảng Bình) cho rằng, điều hòa có công suất dưới 18.000 BTU chủ yếu dành cho các hộ gia đình. Trên thực tế, các phòng học, bệnh viện… đông người sử dụng điều hòa có công suất trên 18.000 BTU lại rất phổ biến.

“Đây là những đối tượng đặc biệt cần ưu tiên sử dụng. Vì vậy, tôi đề nghị xem xét cân nhắc việc đưa điều hòa nhiệt độ công suất từ 18.000 BTU trở lên thuộc diện chịu thuế TTĐB”, đại biểu Nguyễn Minh Tâm kiến nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) phát biểu. Ảnh: quochoi.vn

Đánh giá cao cơ quan soạn thảo bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB, đại biểu Nguyễn Thị Yến Nhi (Đoàn Bến Tre) phân tích hiện nay thế hệ trẻ có thói quen tiêu dùng đáng báo động khi sử dụng các loại nước ngọt có hàm lượng đường cao và thức ăn nhanh, gây ra tình trạng béo phì.

“Chúng ta cần đẩy mạnh công tác giáo dục, truyền thông mang tính cảnh báo với tác hại khi sử dụng quá nhiều nước giải khát có hàm lượng đường cao. Đồng thời, cần loại trừ các loại đồ uống có hàm lượng đường trên 5g/100ml được sản xuất từ trái cây tự nhiên như mía, nước dừa”, đại biểu kiến nghị.

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu. Ảnh: Như Ý

Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai phát biểu. Ảnh: Như Ý

Một nội dung nữa cũng được nhiều đại biểu Quốc hội quan tâm là bổ sung túi nilon vào đối tượng chịu thuế TTĐB. Đại biểu Trần Văn Khải (Đoàn Hà Nam) kiến nghị: “Ngoài những biện pháp như tuyên truyền, vận động người dân giảm việc sử dụng túi nilon thay thế bằng những sản phẩm khác thân thiện với môi trường thì cần tăng thuế TTĐB đối với mặt hàng này”.

Đồng tình với quan điểm trên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Mai cho rằng, cơ quan soạn thảo cần phân tích, đánh giá kỹ ảnh hưởng của việc sử dụng túi nilon đối với sức khỏe, với môi trường. Từ đó, tiến tới ngừng sản xuất mặt hàng túi nilon để bảo vệ môi trường.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình ý kiến của các đại biểu. Ảnh: quochoi.vn

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng phát biểu giải trình ý kiến của các đại biểu. Ảnh: quochoi.vn

Tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng đã thay mặt cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp thu, giải trình và làm rõ ý kiến của các đại biểu nêu liên quan đến các nhóm vấn đề như: Đối tượng chịu thuế là điều hòa nhiệt độ; bổ sung nước giải khát có đường vào diện chịu thuế TTĐB; thuế suất đối với mặt hàng rượu, bia, thuốc lá…

Đình Hiệp

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/nuoc-giai-khat-co-duong-vao-dien-chiu-thue-tieu-thu-dac-biet-701704.html