Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng: Nên hay không?

Sau khi nghe các Đại biểu Quốc hội nêu quan điểm về đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng, Bộ Tài chính đã có ý kiến giải trình cụ thể.

Áp thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là chưa thỏa đáng

Sáng 9/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi. Theo đó, nhiều đại biểu cho rằng, chưa nên đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng ở thời điểm này.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình trước Quốc hội ngày 9/5. Ảnh: VPQH

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng giải trình trước Quốc hội ngày 9/5. Ảnh: VPQH

Cụ thể, đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đề nghị, không tiếp tục quy định mặt hàng xăng là mặt hàng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt để đúng với bản chất của thuế tiêu thụ đặc biệt là thuế đánh vào một số hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ, nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng của xã hội.

Cũng theo đại biểu Nguyễn Trường Giang: “Xăng là mặt hàng thiết yếu trong đời sống của người dân và là đầu vào của nhiều ngành sản xuất, mặt khác, xăng cũng đã thuộc đối tượng chịu thuế bảo vệ môi trường. Do vậy, lý giải của cơ quan chủ trì soạn thảo về việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng để bảo vệ môi trường là chưa thuyết phục”.

Đại biểu Trần Văn Khải – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Nam cũng cho rằng: Dự thảo áp thuế tiêu thụ đặc biệt 10% với xăng dầu dù đây là mặt hàng thiết yếu, gây gánh nặng chi phí cho người dân và doanh nghiệp là chưa thỏa đáng. Chính sách này cần hài hòa, nhà nước giữ được nguồn thu từ thuế môi trường, tăng trưởng xanh, nhân dân được hưởng môi trường trong lành hơn và chi phí nhiên liệu ổn định nhờ công nghệ mới, doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vận tải công nghệ và năng lượng, có động lực đầu tư, đổi mới sáng tạo để dẫn dắt thị trường năng lượng sạch.

“Tôi đề nghị bỏ xăng dầu khỏi đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt, sửa Điều 2 chỉ thu thuế môi trường và khuyến khích năng lượng sạch thay thế. Điều này giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp, nhà nước vẫn đạt được mục tiêu giảm tiêu thụ xăng dầu, thúc đẩy năng lượng sạch, hài hòa lợi ích các bên” – Đại biểu Trần Văn Khải khẳng định.

Sáng 9/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi. Ảnh: VPQH

Sáng 9/5, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về một số nội dung của dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) sửa đổi. Ảnh: VPQH

Đại biểu Lê Thị Song An – Đoàn đại biểu tỉnh Long An cũng cho rằng, một số đối tượng chịu thuế tại Điều 2 dự thảo luật như xăng là chưa phù hợp với thực tế, cần được nghiên cứu, đánh giá để quy định một cách thận trọng hơn. Bởi vì, thuế tiêu thụ đặc biệt là loại thuế gián thu đánh vào một số loại hàng hóa, dịch vụ mang tính chất xa xỉ, gây hại cho sức khỏe và môi trường nhằm điều tiết việc sản xuất, nhập khẩu và tiêu dùng trong xã hội chứ không phải đánh vào các mặt hàng mang tính phổ thông đại chúng.

“Trong khi đó, mặt hàng xăng không phải là hàng xa xỉ mà là nhiên liệu thiết yếu phục vụ đời sống dân sinh, sản xuất và lưu thông hàng hóa, như người dân vẫn phụ thuộc vào phương tiện sử dụng xăng cho việc đi làm, sản xuất nông nghiệp, vận chuyển hàng hóa... Do đó, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng theo tôi là chưa hợp lý” - Đại biểu Lê Thị Song An khẳng định.

Cũng theo đại biểu Lê Thị Song An, khi giá xăng tăng do bị đánh thuế, chi phí vận chuyển, logistics, sản xuất nông nghiệp và công nghiệp cũng sẽ tăng theo, tạo nên hiệu ứng dây chuyền đến toàn bộ nền kinh tế, người dân, đặc biệt là người thu nhập thấp sẽ phải gánh chịu về giá khi chi phí cho thực phẩm, hàng hóa thiết yếu tăng mà thu nhập chưa tăng tương ứng. Bên cạnh đó, việc đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng có thể đi ngược lại với nguyên tắc công bằng trong chính sách thuế.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cũng cho rằng, hiện tại, xăng là mặt hàng duy nhất phải chịu cả 2 loại thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế bảo vệ môi trường. Thậm chí, mặt hàng tương tự như xăng là dầu cũng là nguyên liệu chạy xe hiện cũng chỉ phải chịu thuế bảo vệ môi trường chứ không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.

Trên cơ sở đó, ông Hà Sỹ Đồng đề nghị, bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng và chuyển toàn bộ sang thuế bảo vệ môi trường.

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là để bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa

Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với xăng là để bảo vệ môi trường. Ảnh minh họa

Bộ Tài chính: Không thể không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng

Trước ý kiến của các Đại biểu Quốc hội liên quan đến đánh thuế tiêu thụ đặc biệt với mặt hàng xăng, ông Nguyễn Văn Thắng - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho rằng: Đánh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng đã áp dụng từ năm 1998, vừa qua Thủ tướng Chính phủ đã cam kết tại COP26 là chúng ta phải giảm phát thải về 0 vào năm 2050. Đây là một cam kết rất khó khăn đối với Việt Nam.

Hiện nay, đối với các nước châu Âu người ta triển khai rất quyết liệt, rất nhiều những biện pháp, còn chúng ta do điều kiện kinh tế khó khăn nên cũng đưa ra các chương trình hành động, đang triển khai nhưng cần phải nỗ lực, cố gắng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cũng cho rằng: “Với cam kết về môi trường như thế này thì đối với mặt hàng xăng càng không thể không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt”. Đặc biệt, nếu so sánh ngược về trước, có thể thấy ô nhiễm môi trường ngày càng lớn, với những phương tiện hiện nay trong lĩnh vực giao thông tiếp tục khuyến khích, nếu không đánh thuế xăng thì rất khó khăn trong vấn đề thay đổi hành vi.

“Chúng ta mong muốn phải sử dụng xe điện, sử dụng hệ thống Metro… thì chúng ta có nhiều giải pháp và trong đó có vấn đề liên quan đến xăng” – Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng khẳng định và cho rằng: Có đại biểu nói rằng, hiện nay đối với xăng là chịu hai loại, một là thuế và hai là phí. Hiện nay, trên thế giới hầu hết tất cả các nước lớn, các nước phát triển đều đánh thuế và phí, chỉ có tên gọi khác nhau.

Cũng theo Bộ trưởng Bộ Tài chính: Thuế là thuế tiêu thụ đặc biệt, còn phí thì có những nước nói luôn là phí CO2, có nước gọi là thuế CO2. Thuế tiêu thụ đặc biệt và phí có mục tiêu khác nhau nhưng lại bổ trợ cho nhau. Đối với thuế tiêu thụ đặc biệt là tập trung để điều tiết hành vi tiêu dùng và tăng thu ngân sách. Còn phí bảo vệ môi trường nhằm tạo ra các quỹ cho các dự án về môi trường.

Việc áp cả 2 loại thuế, phí là phù hợp với cam kết của Việt Nam tại COP26 và mục tiêu giảm phí phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050. Hiện nay, cộng cả hai loại thuế và phí này thì Việt Nam vẫn còn thấp hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia, đặc biệt so với châu Âu vì châu Âu đánh lên tới 17.000 - 18.000/1 lít xăng.

Trước các ý kiến của Đại biểu Quốc hội góp ý xây dựng Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng: Đây là những ý kiến tâm huyết, trách nhiệm, cần được nghiên cứu kỹ lưỡng để tiếp thu hoặc giải trình thuyết phục, trong đó lưu ý việc đánh giá tác động kỹ để có cơ sở và căn cứ khoa học.

Nguyễn Hòa

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/danh-thue-tieu-thu-dac-biet-voi-xang-nen-hay-khong-386838.html