Nước mắm không phải là Di sản văn hóa phi vật thể
'Nước mắm là ẩm thực hiện hữu, không thể gọi là di sản văn hóa phi thể', bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản cho biết.
Sáng 30/9 tại Hà Nội, trong khuôn khổ chuỗi sự kiện Festival Thu Hà Nội, Hiệp hội Nước mắm Việt Nam và Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam đã tổ chức Hội thảo Nước mắm Việt - nâng tầm ẩm thực Việt Nam.
Tại tọa đàm, nhiều học giả cho rằng cần đẩy mạnh quảng bá nước mắm Việt Nam ra nước ngoài để trở thành một thương hiệu quốc gia, sản phẩm quốc gia.
Một số báo đưa tin, tại hội thảo PGS.TS Trần Đáng - Chủ tịch Hiệp hội Nước mắm Việt Nam cho biết sẽ phối hợp với Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam làm Đề án xây dựng và phát triển văn hóa ẩm thực Việt Nam thành thương hiệu quốc gia, góp phần đưa nước mắm Việt Nam lên tầm cao mới.
Đồng thời, hai hiệp hội cùng nhau nghiên cứu, xây dựng bộ hồ sơ trình Chính phủ công nhận nước mắm là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam.
Chia sẻ với VietNamNet, bà Lê Thị Thu Hiền - Cục trưởng Cục Di sản văn hóa (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) cho biết có thể có sự nhầm lẫn trong cách gọi vì nước mắm là ẩm thực hiện hữu, không thể gọi là di sản văn hóa phi thể. Còn đề nghị nghề làm nước mắm là di sản văn hóa phi vật thể của Việt Nam thì cũng cần có tiến trình.
Bà Hiền cho biết thêm, tháng 5/2021 Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trao bằng chứng nhận Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia nghề thủ công truyền thống tri thức dân gian Nghề làm nước mắm Phú Quốc. Tháng 7/2020, Nghề làm nước mắm ở Nam Ô, Đà Nẵng đã được ghi danh vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.
PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cho rằng, xây dựng thương hiệu cho ẩm thực có ý nghĩa rất lớn đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của một địa phương nói riêng, quốc gia nói chung. Vì thế, nếu chúng ta xây dựng được bất kỳ một thương hiệu ẩm thực nào, không kể là nước mắm, phở, nem... đều rất có giá trị để quảng bá hình ảnh của không chỉ món ẩm thực đó, mà còn cả lịch sử, truyền thống văn hóa, đất nước và con người Việt Nam đến toàn thế giới, biến những giá trị này thành động lực cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia.
Ông Sơn cho biết, trên thế giới đã có một số nghệ thuật ẩm thực được UNESCO ghi danh như văn hóa bia Bỉ, nghệ thuật làm bánh pizza Napoli... Điều đó cho thấy, sáng kiến của Việt Nam không phải ngoại lệ và cũng là một trong những ưu tiên của UNESCO.
Tuy nhiên, nếu lựa chọn nước mắm để đề nghị là văn hóa phi vật thể thì không được bởi UNESCO có những tiêu chí rõ ràng. Trong đó, di sản văn hóa phi vật thể phải gắn với cộng đồng cụ thể, đáp ứng những tiêu chí như: Yếu tố cần thiết để thể hiện sự đa dạng của di sản văn hóa và sức sáng tạo của con người; Di sản là di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp; Yếu tố cung cấp bằng chứng về truyền thống, tập quán văn hóa của một cộng đồng cần được ghi chép và bảo vệ; Yếu tố góp phần phát triển bền vững kinh tế, văn hóa, xã hội của cộng đồng.
“Chúng ta cũng cần hiểu, UNESCO định nghĩa: Di sản văn hóa phi vật thể đề cập đến các tập quán, cách thể hiện, kiến thức và kỹ năng mà cộng đồng, nhóm và cá nhân công nhận là một phần di sản văn hóa của họ. Không giống như di sản vật thể, chẳng hạn như các hiện vật hoặc công trình kiến trúc, di sản văn hóa phi vật thể được truyền miệng, thông qua các nghi lễ, biểu diễn, tập quán xã hội, nghề thủ công truyền thống và các hình thức sáng tạo khác của con người. Nó đóng một vai trò quan trọng trong việc hình thành bản sắc văn hóa, thúc đẩy sự gắn kết xã hội và thúc đẩy sự đa dạng văn hóa. Ví dụ về di sản văn hóa phi vật thể bao gồm truyền thống, truyền miệng, nghệ thuật biểu diễn, nghề thủ công truyền thống, nghi lễ, tập quán xã hội, sự kiện lễ hội và hệ thống tri thức…
Chúng ta cũng đã ghi danh Nghề làm nước mắm Phú Quốc, Nam Ô vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đây là cơ sở vững chắc để tiếp tục làm hồ sơ này đề nghị UNESCO ghi danh theo đúng trình tự”, ông Sơn khẳng định.