Ô nhiễm không khí gia tăng ở Miền Bắc

Tình trạng ô nhiễm không khí ở Hà Nội và các tỉnh phía Bắc rất nghiêm trọng. Các chỉ số cho thấy chất lượng không khí ở ngưỡng tím, gây nguy hiểm cho sức khỏe.

Ô nhiễm không khí bao trùm miền Bắc

Nhiều ngày qua, ở các tỉnh miền Bắc đợt ô nhiễm không khí nghiêm trọng đã kéo dài với mức độ ô nhiễm phổ biến ở ngưỡng tím và đỏ (ngưỡng có hại cho sức khỏe mọi người).

Theo các chuyên gia, tình trạng ô nhiễm không khí đang xảy ra phổ biến tại một số thành phố, đô thị lớn, khu vực tập trung nhiều các hoạt động giao thông, xây dựng, công nghiệp và nông nghiệp, nhất là khu vực các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ và đặc biệt là khu vực Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận.

Sáng nay (ngày 3/1), một màu tím tiếp tục bao trùm toàn bộ Hà Nội, Thái Nguyên, Bắc Giang, Vĩnh Phúc, Phú Thọ và các tỉnh đồng bằng sông Hồng. Đây là ngưỡng ô nhiễm rất nghiêm trọng với khuyến cáo mọi người nên hạn chế tham gia các hoạt động ngoài trời, cần đeo khẩu trang chống bụi mịn khi ra ngoài, rửa mắt, mũi, súc họng bằng nước muối sinh lý.

Ô nhiễm không khí gia tăng ở Miền Bắc. (Nguồn: Trung tâm khú tượng)

Ô nhiễm không khí gia tăng ở Miền Bắc. (Nguồn: Trung tâm khú tượng)

Tại Thủ đô Hà Nội, cả ba hệ thống theo dõi chất lượng không khí của Bộ Tài nguyên và Môi trường, PAM Air và Đại sứ quán Mỹ đều ghi nhận mức độ ô nhiễm màu tím. Trong khi 4 điểm đo ở Thái Nguyên phổ biến ở mức tím và đỏ. Các điểm đo khác ở Hưng Yên, Hải Dương, Thái Bình, Nam Định, Hà Nam cũng ở mức tím.

Ô nhiễm cũng ghi nhận nghiêm trọng ở các địa phương có hoạt động làng nghề, sản xuất công nghiệp phát triển như Vĩnh Phúc, Phú Thọ với ngưỡng ô nhiễm từ đỏ tới tím.

Ứng dụng theo dõi chất lượng không khí toàn cầu Air Visual ghi nhận Hà Nội ô nhiễm không khí nhất thế giới sáng nay, vượt qua cả những điểm đen ô nhiễm không khí của thế giới như thành phố Lahore của Pakistan hay Delhi của Ấn Độ.

Điều nguy hiểm trong các đợt ô nhiễm không khí lần này là ô nhiễm thường kéo dài cả ngày, làm gia tăng tác động của ô nhiễm đến sức khỏe của con người.

Theo hệ thống theo dõi chất lượng không khí của Đại sứ quán Mỹ, tình hình ô nhiễm không khí nghiêm trọng ở Hà Nội còn có thể kéo dài ít nhất trong một tuần tới, khi điều kiện khí tượng tiếp tục không thuận lợi cho việc phát tán chất ô nhiễm.

Theo quy luật, tình hình ô nhiễm không khí chỉ được cải thiện khi có gió mùa đông bắc tràn về. Những ngày này, chất lượng không khí được cải thiện nhưng liền sau đó, các đợt ô nhiễm không khí thường tiếp tục tái diễn và kéo dài, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe mọi người, nhất là người già, trẻ nhỏ, người mắc bệnh hô hấp, tim mạch.

Hà Nội và các tỉnh miền Bắc đang trong mùa ô nhiễm không khí nghiêm trọng, thường kéo dài từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau. Vào thời gian này, do điều kiện thời tiết không thuận lợi nên chất ô nhiễm không phát tán được mà tập trung ở tầng sát mặt đất, gây ô nhiễm không khí rất nghiêm trọng.

Giải pháp nào cải thiện chất lượng không khí?

Bộ trưởng Bộ TN&MT Đỗ Đức Duy cho biết: Ô nhiễm không khí hiện nay là vấn đề ô nhiễm môi trường chính không chỉ ở Việt Nam, mà cũng là vấn đề môi trường chính của các quốc gia trên thế giới.

Tại nhiều quốc gia, từ các nước phát triển đến các nước đang phát triển, đều đang phải đối mặt với tình trạng ô nhiễm không khí, khu vực đô thị. Một số quốc gia cũng đã có những bài học kinh nghiệm tốt về quản lý chất lượng môi trường không khí, mà chúng ta có thể tham khảo, học hỏi.

Tại Việt Nam, vấn đề ô nhiễm không khí đã xuất hiện như hệ quả của quá trình phát triển kinh tế - xã hội và đô thị hóa. Tuy nhiên, mức độ ô nhiễm đã tăng lên mức đáng lo ngại trong khoảng 10 năm gần đây, tập trung tại các thành phố lớn như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh. Trong đó, thông số ô nhiễm không khí chính hiện nay là bụi mịn kích thước nhỏ hơn 2,5 micromet (PM 2,5).

Theo Bộ trưởng, mặc dù ô nhiễm không khí xảy ra có quy luật theo mùa và bị ảnh hưởng lớn từ điều kiện khí hậu, thời tiết. Hằng năm, ô nhiễm tập trung từ tháng 10 của năm trước đến tháng 3 của năm tiếp theo. Trong ngày, ô nhiễm tập trung từ nửa đêm đến sáng. Tuy nhiên, dữ liệu quan trắc của Bộ TN&MT cho thấy, diễn biến ô nhiễm không khí đã tăng dần theo thời gian, đặc biệt khi các hoạt động kinh tế - xã hội đã có sự phục hồi trở lại sau đại dịch Covid-19.

Thực tế này đòi hỏi phải thực hiện ngay các giải pháp tăng cường kiểm soát ô nhiễm môi trường không khí, giảm thiểu tác động bất lợi đến sức khỏe người dân, thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển.

Theo Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường, trong nhiều năm qua Bộ Tài nguyên và Môi trường đã chủ động phối hợp với các địa phương hướng dẫn, triển khai đồng bộ để cải thiện chất lượng không khí.

Trong đó, nghiên cứu, xây dựng hệ thống cảnh báo, dự báo ô nhiễm môi trường không khí tại một số đô thị lớn trên cả nước. Hiện hệ thống này đang trong giai đoạn hoàn thiện vận hành thử nghiệm, Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường sẽ công bố thông tin về dự báo chất lượng không khí ngắn hạn sau khi hệ thống đi vào vận hành chính thức.

Ngoài ra, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã hướng dẫn địa phương tổng hợp dữ liệu về nguồn thải, hiện trạng ô nhiễm, các giải pháp. Tăng cường giám sát chất lượng không khí và nguồn thải như tăng cường lắp đặt bổ sung các trạm quan trắc không khí cố định và di động, cung cấp dữ liệu thời gian thực về chất lượng không khí.

Đồng thời kiểm soát khí thải từ phương tiện giao thông như đầu tư thêm vào các tuyến xe buýt điện, tàu điện trên cao nhằm giảm phụ thuộc vào phương tiện cá nhân như tại Hà Nội...

Đức Lâm

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/o-nhiem-khong-khi-gia-tang-o-mien-bac-367730.html