Ðóng góp xây dựng biên cương ngày càng giàu đẹp
55 năm trước, hơn một nghìn thanh niên TP Hà Nội, tỉnh Hà Ðông (cũ) với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, đã xung phong lên vùng rừng núi của tỉnh Lạng Sơn khai hoang, xây dựng nhiều công trình lớn trên vùng kinh tế mới.
Hôm nay, những người dân gốc Hà Nội trên xứ Lạng tập trung ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng nhiều vùng chuyên canh cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng quê hương thứ hai ngày càng giàu đẹp.
Những ngày cuối tháng 9, ở khu Na Ðâu, thị trấn Hữu Lũng (Lạng Sơn), người dân tất bật chuẩn bị cho lễ kỷ niệm "55 năm người dân Ba Ðình - Tây Hồ (Hà Nội) đi xây dựng và phát triển kinh tế miền núi tại thị trấn Hữu Lũng". Chúng tôi được các ông: Nguyễn Ðồng Ðức, Nguyễn Kim Thành, Bùi Quang Hiệp... kể cho nghe về một thời hào hùng của các thế hệ mở đường đi xây dựng vùng kinh tế mới. Ông Bùi Quang Hiệp, 72 tuổi, nguyên trưởng khu Na Ðâu bồi hồi nhớ lại: Nghe theo tiếng gọi của Ðảng, trong hai năm 1964 và 1965, 42 hộ dân với 282 nhân khẩu thuộc quận Ba Ðình cũ (nay nằm trên địa bàn một số phường thuộc quận Ba Ðình và quận Tây Hồ, Hà Nội) lên xây dựng kinh tế, văn hóa miền núi tại thị trấn Hữu Lũng.
Từ đô thành lên vùng rừng núi âm u, một số hộ không chịu nổi cuộc sống gian nan, đã quay trở về quê cũ, chỉ còn 24 hộ tiếp tục bám trụ. Từ con số ít ỏi đó, đến hôm nay đã phát triển lên hơn 100 hộ với 450 nhân khẩu. Anh Nguyễn Thanh Bình, Hội trưởng Hội đồng hương Ba Ðình - Tây Hồ (Hà Nội) cho biết: Nhìn lại 55 năm qua, chúng tôi thật sự phấn khởi, tự hào khi thấy cuộc sống đã khác xưa, gia đình nào cũng có nhà cao, cửa rộng, có cuộc sống ấm no, con cháu trưởng thành. Trong phát triển kinh tế, nhiều gia đình mở cửa hàng kinh doanh tổng hợp, dịch vụ; đến nay địa phương có hơn 68% số hộ có đời sống kinh tế khá và giàu, thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng trở lên.
Huyện Hữu Lũng còn có thôn Sơn Ðông là địa danh do lãnh đạo hai tỉnh Lạng Sơn và Hà Ðông đặt để đánh dấu tình đoàn kết gắn bó giữa hai địa phương, thuộc xã Yên Vượng. Ông Nguyễn Ngọc Giao, nguyên là Bí thư Ðảng ủy, nguyên Chủ tịch UBND xã Yên Vượng tâm sự: Vào cuối mùa thu năm 1961, xã Yên Vượng đón nhận gần 1.000 thanh niên nam, nữ thuộc bảy huyện của tỉnh Hà Ðông (nay thuộc Hà Nội) lên phát triển kinh tế, văn hóa miền núi. Thời điểm đó, Yên Vượng là xã khó khăn nhất của huyện Hữu Lũng; số hộ đói chiếm quá nửa, hằng năm người dân nơi đây có chín tháng phải ăn ngô thay cơm; đường đến thôn chủ yếu là đường mòn, lởm chởm đá tai mèo...
Vậy mà, chỉ một thời gian sau khi hợp tác xã (HTX) khai hoang Sơn Ðông ra đời với nhiều ngành nghề mới như: Sản xuất, chế biến đồ gỗ, nung vôi, làm gạch ngói, khâu nón, đan lát mây, tre, nứa… đã góp phần thay đổi diện mạo vùng đất gian khó. Thôn còn có đội thanh niên xung kích chuyên xây dựng các công trình thủy lợi, đường sá. Trong đó có hai công trình trọng điểm gồm: Trạm thủy điện Ðèo Rồng và công trình thoát nước Ðèo Phiếu. HTX đã xây một đập ngăn nước ở hạ lưu thác Ðèo Rồng rồi đặt máy phát điện. Trạm thủy điện có công suất khoảng 10 kW/giờ lúc đó được coi là một kỳ tích.
Công trình mương thoát nước Ðèo Phiếu để lại dấu ấn cho đến tận bây giờ. Ngày ấy, chỉ với hai bàn tay cùng với xà beng, choòng thép… người dân Sơn Ðông đã cắt xẻ cả một vách đá chắn ngang thung lũng Ðèo Phiếu, sau đó xẻ dọc cả thung lũng đá dài chừng 500 m làm mương thoát nước. Hơn trăm nghìn khối đá đã được đập, phá, đào, bới, vận chuyển… Phát huy truyền thống xung kích trong lao động từ hơn nửa thế kỷ trước, ngày nay, những người gốc Hà Nội trên đất Sơn Ðông đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng nhiều vùng chuyên canh trồng na, bưởi Diễn... cho hiệu quả kinh tế cao, góp phần xây dựng quê hương thứ hai ngày càng giàu đẹp.
Chủ tịch UBND huyện Hữu Lũng Long Văn Sơn đánh giá: Với hơn 10.500 người dân gốc Hà Nội, chiếm gần 10% dân số của huyện, Hữu Lũng là địa phương có đông người Thủ đô lên xây dựng vùng kinh tế mới của tỉnh Lạng Sơn. Nhìn chung, các hộ dân người Hà Nội đã tích cực tham gia các hoạt động phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội. Nhiều cán bộ, đảng viên tham gia công tác và giữ các chức vụ quan trọng trong cấp ủy, bộ máy chính quyền địa phương.
Thời gian qua, huyện Hữu Lũng đã nhận được sự ủng hộ cả về vật chất và tinh thần của Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân TP Hà Nội. Năm 2013, TP Hà Nội hỗ trợ huyện Hữu Lũng hơn 4,6 tỷ đồng xây dựng các công trình phục vụ nhu cầu thiết yếu của nhân dân. Năm 2019, TP Hà Nội hỗ trợ 20 tỷ đồng để xây dựng Nhà văn hóa huyện Hữu Lũng với tổng diện tích 1.645 m2. Cùng với đó, hai quận Ba Ðình và Tây Hồ đã trao tặng Quỹ an sinh xã hội của huyện Hữu Lũng 100 triệu đồng; huyện Thường Tín trao tặng 700 triệu đồng để xây dựng hai phòng học và hỗ trợ cơ sở vật chất cho ngành giáo dục và đào tạo huyện Hữu Lũng.
Trưởng Ban liên lạc đồng hương Hà Nội Nguyễn Hùng Toản xúc động nói: Ðây là công trình có ý nghĩa quan trọng, là điểm nhấn minh chứng cho tình cảm của Ðảng bộ, chính quyền, nhân dân Thủ đô Hà Nội với nhân dân huyện Hữu Lũng nói chung và người dân gốc Hà Nội tại huyện Hữu Lũng nói riêng. Người dân Hữu Lũng gốc Hà Nội rất tự hào, phấn khởi khi đã chiến thắng cái nghèo, tạo ra những thành quả ở vùng quê mới. Từ đó, chúng tôi luôn ý thức trách nhiệm của mình phải làm sao cho xứng đáng là những người con của Thủ đô Hà Nội nghìn năm văn hiến, góp phần xây dựng quê hương mới Hữu Lũng ngày càng giàu đẹp.