Ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh: Chỉ đạo tháo gỡ vướng mắc đối với một số dự án chậm tiến độ
* Chiều 27-10, ông Trần Hòa Nam - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa chủ trì cuộc họp nghe lãnh đạo Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh báo cáo khó khăn, vướng mắc về một số dự án do đơn vị làm chủ đầu tư.
Theo đó, năm 2023, Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh được giao tổng kế hoạch vốn gần 287 tỷ đồng để thực hiện các dự án; đến nay đã giải ngân được hơn 77 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 26,88%. Nguyên nhân chính ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư đó là công tác giải phóng mặt bằng bị chậm. Trong đó, Dự án Đường D30 - kết nối đường 23 tháng 10 với đường Võ Nguyên Giáp còn 10 trường hợp chưa bàn giao mặt bằng; Dự án Khu tái định cư tại xã Vĩnh Thái (TP. Nha Trang) có 36 trường hợp chưa nhận tiền đền bù, hỗ trợ và giao trả mặt bằng; Dự án Đầu tư cơ sở hạ tầng chống ngập lụt, xói lở khu dân cư Mỹ Thanh, xã Cam Thịnh Đông (TP. Cam Ranh) có một phần diện tích chồng lấn với Dự án Khu đô thị ven vịnh Cam Ranh; Dự án Tiêu thoát lũ các xã Diên Sơn - Diên Điền - Diên Phú (huyện Diên Khánh) do mới phê duyệt giá đất nên quá trình lập hồ sơ bồi thường cho các hộ dân bị chậm; Dự án Nâng cấp, sửa chữa hồ chứa nước Am Chúa (Diên Khánh) bị chậm do việc bố trí vốn chuẩn bị đầu tư và khảo sát vị trí bãi đổ thải khối lượng đất nạo vét lòng hồ kéo dài.
Kết luận cuộc họp, ông Trần Hòa Nam yêu cầu UBND TP. Nha Trang quyết liệt triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, bố trí tái định cư đảm bảo theo quy định của pháp luật. Đối với Dự án Nâng cấp, sửa chữa hồ chứa nước Am Chúa, ông giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, tham mưu tỉnh đề xuất Trung ương xem xét kéo dài dự án. Ông Trần Hòa Nam cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, tham mưu tỉnh đầu tư hệ thống đường ống nhánh sau Dự án Đường ống dẫn nước từ Sông Chò 1 về các khu tưới.
* Công tác ứng phó thiên tai phải cụ thể, đảm bảo hiệu quả
Cùng ngày, ông Trần Hòa Nam chủ trì cuộc họp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương về công tác phòng, chống thiên tai năm 2023.
Theo báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh, đến nay, các địa phương, đơn vị đã xây dựng phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai năm 2023. Trong đó, cập nhật đầy đủ các tình huống nguy hiểm ứng với từng khu vực cụ thể và phương án ứng phó, nhất là đảm bảo an toàn cho hơn 63.000 hộ dân ở những khu vực có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất; gần 1.900 lao động trên các bè nuôi trồng thủy sản và hơn 3.200 phương tiện tàu thuyền hoạt động trên biển...
Ông Trần Hòa Nam đề nghị các đơn vị, địa phương tuyệt đối không được chủ quan, đẩy mạnh công tác tuyên truyền; tiếp tục rà soát, cập nhật phương án, lực lượng, phương tiện ứng phó phù hợp, đảm bảo cụ thể và hiệu quả. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu tỉnh kinh phí hỗ trợ tuyên truyền nâng cao năng lực phòng, chống thiên tai; thường xuyên chỉ đạo đơn vị quản lý hồ chứa đảm bảo an toàn, vận hành hợp lý. Sở Tài chính chủ trì, tham mưu tỉnh về nội dung hỗ trợ nhiên liệu cho các lực lượng ứng cứu; các công trình phòng, chống thiên tai. Các đơn vị quản lý hồ chứa phối hợp chặt chẽ với địa phương trong việc xả điều tiết lũ...
H.Đ