Ông Trump áp thuế cao lên 3 đối tác lớn nhất: Cuộc chiến thương mại bắt đầu

Tổng thống Mỹ Donald Trump đánh thuế ở mức cao lên hàng hóa Trung Quốc, Canada và Mexico, mở ra thời kỳ đối đầu mới trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Tổng thống Mỹ Donald Trump rạng sáng 2/2 (giờ Việt Nam) đã ký sắc lệnh áp mức thuế mới 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Mexico và Canada, và 10% đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc từ ngày 4/2.

Sắc lệnh không nêu rõ thời điểm dỡ bỏ thuế quan. Trong đó gồm điều khoản trả đũa nếu bất kỳ quốc gia nào có hành động đáp trả dưới bất kỳ hình thức nào, đồng nghĩa với khả năng tăng thuế quan trong tương lai.

Động thái này của ông Donald Trump nhằm trả đũa Canada và Mexico do không ngăn chặn được người di cư bất hợp pháp và dòng fentanyl (thuốc giảm đau gây nghiện) vào Mỹ. Trung Quốc bị trừng phạt vì vấn đề fentanyl. Đây là loại thuốc bị cho là “đã giết chết hàng chục triệu người Mỹ".

Riêng với Canada, mức thuế 10% được áp cho tài nguyên năng lượng. Trước đó, ông Donald Trump cho biết, mức thuế cao hơn đối với dầu và khí đốt tự nhiên sẽ được áp vào giữa tháng 2.

Tổng kim ngạch thương mại hàng năm giữa Mỹ với ba quốc gia này lên tới 1.600 tỷ USD.

Mặc dù thừa nhận các mức thuế có thể dẫn đến chi phí cao hơn và sau cùng sẽ chuyển tới người tiêu dùng, lạm phát tăng và có thể gây ra sự gián đoạn trong ngắn hạn, nhưng ông chủ Nhà Trắng rất kiên định. Ông Trump bác bỏ ý kiến cho rằng việc ông dùng thuế là một công cụ mặc cả.

Việc ông Trump áp thuế cao lên 3 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ đã chính thức mở ra thời kỳ đối đầu mới trong chính sách đối ngoại của Mỹ và là hồi còi báo động với thương mại toàn cầu. Ông Trump cho biết, có thể tăng đáng kể mức thuế lên hay không tăng thêm nữa, tùy vào tình hình.

Trong chiến dịch tranh cử, ông Trump nhiều lần tuyên bố sẽ áp thuế lên tới 60% với mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc.

Đề bù đắp lại khả năng giá cả leo thang vì thuế nhập khẩu tăng, ngay trong ngày đầu nhậm chức, ông Trump đã ký sắc lệnh ban bố tình trạng khẩn cấp quốc gia về năng lượng, rút khỏi thỏa thuận khí hậu Paris. Mỹ sẽ bổ sung kho dự trữ dầu chiến lược, đẩy mạnh xuất khẩu năng lượng…

Ông Trump cũng cáo buộc OPEC phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến tại Ukraine, do để giá dầu tăng cao, kêu gọi tổ chức này hạ giá dầu. Theo ông Trump, chiến tranh giữa Nga và Ukraine có thể nhanh chóng kết thúc nếu giá dầu được kéo giảm.

Giá dầu giảm mạnh trong khoảng 2 tuần qua, từ mức gần 79 USD/thùng của dầu WTI hôm 15/1 xuống còn 72,5 USD/thùng như hiện tại.

Giá dầu giảm, sẽ giúp hạ chi phí đầu vào cho hoạt động sản xuất kinh doanh, qua đó có thể kìm hãm giá cả hàng hóa tăng, kể cả khi Washington áp thuế cao lên hàng hóa nhập từ một số đối tác thương mại chính.

Ông Trump cũng cho biết, ông dự định áp thuế cao hơn lên Liên minh Châu Âu (EU) do “khối này đã đối xử không tốt với Mỹ”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế cao lên nhiều nước. Ảnh: ITR

Báo động kinh tế toàn cầu

Có thể thấy, việc ông Trump áp thuế nhập khẩu cao hơn lên hàng hóa của 3 đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, mở ra thời kỳ đối đầu mới trong chính sách đối ngoại của Mỹ.

Thủ tướng Canada Justin Trudeau trước đó tuyên bố sẽ "phản ứng lập tức" nếu Mỹ áp thuế. Chính quyền Mexico cho biết có liên lạc chặt chẽ với chính quyền Trump để tìm giải pháp.

Một số phân tích cho thấy, việc Mỹ áp thuế cao lên Canada và Mexico cũng như Trung Quốc là do thâm hụt thương mại cao với các nước này. Việc tăng thuế sẽ giúp ông Trump đẩy nhanh quá trình đàm phán lại thỏa thuận thương mại Hiệp định mới giữa Hoa Kỳ, Mexico và Canada (USMCA).

Trong nhiệm kỳ 1, ông Trump đã đàm phán lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ và ký thỏa thuận USMCA, có hiệu lực vào năm 2020.

Những dự báo đầu tiên cho thấy, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Canada và Mexico có thể khiến 2 đối tác thương mại của Mỹ khó khăn, rơi vào suy thoái. Trong khi đó, Mỹ bị ảnh hưởng ít hơn, có nguy cơ suy thoái nhẹ.

Tuy nhiên, mục tiêu chiến tranh thương mại lớn nhất của ông Trump được cho vẫn là Trung Quốc, giống như trong nhiệm kỳ 1. Ông Trump từng nhiều lần cáo buộc Trung Quốc đánh cắp tài sản trí tuệ Mỹ và bán phá giá hàng hóa giá rẻ vào Mỹ.

Năm 2018, ông Trump áp thuế 25% thuế với hầu hết các sản phẩm từ Trung Quốc. Chính quyền ông Biden sau đó đã duy trì phần lớn các biện pháp này.

Thời gian tới, chưa rõ liệu ông chủ mới của Nhà Trắng có nâng thuế lên 60% với hàng Trung Quốc như cam kết khi tranh cử hay không.

Gần đây, nước Mỹ đã rúng động sau khi Alibaba và DeepSeek của Trung Quốc tung ra 2 nền tảng trí tuệ nhân tạo (AI) có chi phí đầu tư cực thấp và hiệu năng không kém ChatGPT của OpenAI của Mỹ. Sự kiện này thổi bay hàng nghìn tỷ USD vốn hóa của các tập đoàn công nghệ Mỹ và khiến các ông lớn lo sợ tìm giải pháp.

Việc áp thuế lên đồng minh hay lệnh trừng phạt lên đối thủ đã được ông Trump thực hiện từ nhiệm kỳ trước và được cho đều hướng tới mục đích có lợi thế trên bàn đàm phán mang về lợi ích cho nước Mỹ. Đây là một biện pháp “áp lực tối đa” mà ông Trump đã áp dụng trên phạm vi toàn cầu.

Ông Trump cũng vừa đưa ra lời đe dọa sẽ áp thuế nhập khẩu 100% đối với các quốc gia thành viên BRICS nếu họ cố gắng tạo ra một loại tiền tệ thay thế đồng USD.

Với kinh tế thế giới, các thị trường tài chính và hàng hóa biến động mạnh. Giá vàng tăng vọt lên đỉnh cao lịch sử mới 2.820 USD/ounce dù đồng USD cũng tăng mạnh, thị trường cổ phiếu Wall Street lao dốc vì thuế của ông Trump. Vàng là mặt hàng thường tăng giá mạnh khi thế giới có biến động và kinh tế-chính trị.

Sắc lệnh của ông Trump được đánh giá không chỉ là câu chuyện thương mại đơn thuần, mà có thể kéo theo rất nhiều hệ lụy, liên quan tới chuỗi cung ứng, dòng vốn FDI, tài chính và các vấn đề địa chính trị khác nếu cuộc chiến được mở rộng, cùng với đó là các biện pháp trả đũa.

Mạnh Hà

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/ong-trump-ap-thue-cao-len-3-doi-tac-lon-nhat-cuoc-chien-thuong-mai-bat-dau-2367739.html