OPEC+ cắt giảm sản lượng dầu: Giá xăng tại Mỹ sẽ tăng lên 4 USD/gallon? Đà siết nguồn cung có thể chưa dừng lại?
Giá xăng của Mỹ có thể tăng lên 4 USD/gallon (1 gallon = 3,78 lít) sau khi ngày 2/4, Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các đối tác (OPEC+) bất ngờ đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng hơn 1 triệu thùng/ngày.
Quyết định trên chắc chắn sẽ dẫn tới tăng giá xăng khi thị trường năng lượng leo thang do nguồn cung thắt chặt hơn.
Ông Kevin Book, Giám đốc điều hành của ClearView Energy Partners cho biết, đối với giá tại các cây xăng, động thái này có thể tăng thêm hơn 50 xu/gallon so với mức trung bình 3,5 USD/gallon hiện nay trên toàn nước Mỹ.
Giá xăng tại Mỹ đã hạ nhiệt sau khi tăng lên trên 5 USD/gallon vào năm ngoái. Nhưng việc cắt giảm sản lượng từ OPEC+ khiến nhiều nhà phân tích dự báo rằng, giá dầu có thể đạt 100 USD/thùng và điều này có thể sẽ gây ra lạm phát do giá năng lượng cao hơn và giá xăng tại các trạm bán lẻ tăng trở lại.
Bên cạnh đó, thị trường năng lượng thế giới đối mặt với rủi ro lạm phát mới.
Phản ứng trước quyết định cắt giảm sản lượng dầu của OPEC+, Nhà Trắng cho hay, quyết định của tổ chức này là không nên trong điều kiện thị trường hiện tại.
Chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho biết, nước này sẽ thảo luận với các nhà sản xuất và người tiêu dùng với trọng tâm là giá xăng dầu cho người Mỹ.
Trước đó, ngày 3/4, Phó Thủ tướng Nga Aleksandr Novak cảnh báo rằng, nhiều nước sản xuất dầu chủ chốt khác trong liên minh OPEC+ có thể tiếp tục siết nguồn cung ra thị trường “vàng đen” thế giới.
Ông Novak nêu rõ khi trả lời phỏng vấn với kênh truyền hình Rossiya 24: “Hiện có 9 trong tổng số 23 thành viên OPEC+ đã tự nguyện cắt giảm sản lượng khai thác dầu mỏ từ tháng 5 tới cho đến hết năm nay.
Trong khi đó, nhiều quốc gia khác cũng đang cân nhắc cắt giảm nguồn cung 'vàng đen' nếu thấy cần thiết để ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu”.
Theo Phó Thủ tướng Novak, việc cắt giảm sản lượng bổ sung của OPEC+ sẽ cần thiết trong bối cảnh thị trường nhiên liệu đang chịu áp lực từ tác động của cuộc khủng hoảng ngân hàng diễn ra ở Mỹ và châu Âu, cùng với những bất ổn của kinh tế toàn cầu.