OPEC+ có thể cắt giảm sản lượng dầu thêm 1 triệu thùng
Giá dầu hiện chỉ ở quanh mức 70 USD/thùng, không đủ để Ả Rập Xê-út và các nhà sản xuất Trung Đông khác cân bằng ngân sách trong năm nay.
Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và đồng minh, bao gồm Nga (OPEC+) đã tập trung tại Vienna, Áo, để quyết định xem có nên gia hạn đợt cắt giảm sản lượng hiện tại hay thực hiện thêm hành động để tăng giá dầu.
Theo Reuters, OPEC+ đang thảo luận về việc cắt giảm sản lượng dầu sâu hơn, có thể lên tới 1 triệu thùng mỗi ngày, sau khi giá dầu giảm xuống 70 USD/thùng và các nhà phân tích thị trường nói về tình trạng dư cung mới.
Ổn định thị trường
Hầu hết các nhà phân tích kỳ vọng OPEC+ sẽ giữ nguyên mức sản xuất dầu, nhưng tổ chức này đã nhiều lần gây bất ngờ cho thị trường trong những năm qua, bao gồm cả đợt cắt giảm gây sốc được công bố 2 tháng trước.
Các nguồn tin cho biết, việc cắt giảm có thể lên tới 1 triệu thùng/ngày. Nếu được phê duyệt, tổng sản lượng cắt giảm sẽ tăng lên lên 4,66 triệu thùng/ngày (khoảng 4,5% nhu cầu toàn cầu), bao gồm mức cắt giảm 2 triệu thùng/ngày từ tháng 11 và mức cắt giảm tự nguyện 1,6 triệu thùng/ngày kể từ tháng 5 cho đến hết năm 2023.
OPEC+ hiện đang cung cấp khoảng 40% lượng dầu thô toàn thế giới, do đó, các quyết định chính sách của tổ chức này có thể tác động lớn đến giá dầu.
Các quốc gia phương Tây đã cáo buộc OPEC thao túng giá dầu và làm suy yếu nền kinh tế toàn cầu thông qua chi phí năng lượng cao.
Trong khi đó, các quan chức OPEC và những người trong cuộc cho biết, việc in tiền của phương Tây trong thập kỷ qua đã thúc đẩy lạm phát và buộc các quốc gia sản xuất dầu mỏ phải hành động để duy trì giá trị của dầu mỏ.
“Mục tiêu chính của OPEC và các đồng minh là duy trì sự ổn định của thị trường dầu mỏ và tránh bất kỳ biến động nào”, ông Hayyan Abdul Ghani, bộ trưởng dầu mỏ kiêm phó thủ tướng phụ trách các vấn đề năng lượng của Iraq cho biết hôm 2/6.
“Chúng tôi sẽ không ngần ngại đưa ra bất kỳ quyết định nào mang lại sự cân bằng và ổn định hơn”, ông Ghani khẳng định.
Các bộ trưởng OPEC sẽ gặp mặt vào ngày 3/6, sau đó là một hội nghị của OPEC+ vào ngày 4/6.
Cân bằng ngân sách
Việc cắt giảm sản lượng được thông báo hồi tháng 4 mới diễn ra được một tháng và sẽ kéo dài đến cuối năm, nên rất khó để đánh giá tác động của chúng ở thời điểm hiện tại, các nhà phân tích tại JPMorgan cho biết.
Theo ngân hàng này, việc cắt giảm sẽ chỉ xuất hiện trong dữ liệu xuất khẩu vào tuần thứ hai của tháng 5, nên có thể sẽ mất vài tuần nữa để xem quyết định của OPEC+ được triển khai như thế nào và hiệu quả của chúng ra sao.
Thông báo cắt giảm sản lượng đã giúp đẩy giá dầu lên trên 87 USD/thùng, nhưng con số này đã nhanh chóng giảm xuống do những lo ngại về nhu cầu và tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Giá dầu Brent chuẩn quốc tế đã giảm xuống mức thấp 70 USD trong những ngày gần đây. Các nhà phân tích cho rằng mức giá này không đủ để Ả Rập Xê-út và các nhà sản xuất Trung Đông khác cân bằng ngân sách của họ trong năm nay.
Hồi tháng 5, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết, Ả Rập Xê-út cần giá dầu ở mức 80,90 USD/thùng để cân bằng ngân sách trong năm 2023.
Tuần trước, Bộ trưởng Năng lượng của Ả Rập Xê-út, Hoàng tử Abdulaziz bin Salman đã khuyên các nhà bán khống dầu nên “coi chừng”. Theo các nhà quan sát thị trường, đây có thể là một lời cảnh báo về khả năng cắt giảm nguồn cung.
Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết, ông không mong đợi bất kỳ bước đi mới nào từ OPEC+ tại Vienna, bởi tổ chức này vừa mới đưa ra quyết định liên quan đến việc tự nguyện cắt giảm sản lượng dầu vài tháng trước.
Theo ông Novak, giá dầu thô Brent có thể vượt mức 80 USD/thùng vào cuối năm nay, do nhu cầu tăng trong mùa hè và việc cắt giảm sản lượng của OPEC+.
Nguyễn Tuyết (Theo Bloomberg, Reuters, Oil Price)