OPEC đang tham gia một cuộc chơi 'dài hơi và âm ỉ'
Người đứng đầu OPEC cho biết nhu cầu sẽ tiếp tục tăng khi dân số toàn cầu tăng lên, và OPEC sẽ sẵn sàng đáp ứng lượng cung cần thiết.

Ảnh: OP
"Không có đỉnh nhu cầu dầu nào trong tầm nhìn", Tổng Thư ký OPEC, ông Haitham al Ghais, đã phát biểu hồi tháng trước tại Canada.
Người đứng đầu OPEC cho biết nhu cầu sẽ tiếp tục tăng khi dân số toàn cầu tăng lên, và OPEC sẽ sẵn sàng đáp ứng lượng cung cần thiết. Giờ đây, OPEC đang tham gia một cuộc chơi đường dài.
Chỉ một tháng sau, Reuters đưa tin rằng "các dấu hiệu về nhu cầu mạnh mẽ đã vượt qua tác động từ việc OPEC+ tăng sản lượng nhiều hơn dự kiến trong tháng 8", chưa kể đến những lo ngại ngày càng thường trực về thuế quan của ông Trump. Thực tế, sau khi OPEC+ công bố việc tăng sản lượng lớn hơn dự báo, giá dầu lại tăng - một phần vì không phải thành viên nào cũng có thể tăng sản lượng đủ nhanh.
Khi OPEC+ lần đầu tiên thông báo sẽ bắt đầu gỡ bỏ các mức cắt giảm sản lượng đã đồng thuận từ năm 2022, đã có nhiều ý kiến trái chiều. Có người cho rằng động thái này nhằm mục tiêu "hạ gục" ngành dầu đá phiến của Mỹ một lần nữa. Người khác lại nói rằng Ả Rập Xê-út - quốc gia cắt giảm mạnh nhất - đơn giản là không còn lựa chọn nào khác sau khi các đợt cắt giảm trước đó không giúp giá dầu tăng đáng kể. Lại có ý kiến cho rằng OPEC nói chung và Ả Rập Xê-út nói riêng đang cố làm hài lòng ông Trump bằng cách gây tổn hại đến các nhà tài trợ lớn nhất của ông. Về phần mình, OPEC chưa bao giờ xác nhận bất kỳ giả thuyết nào kể trên.
Thực tế là OPEC đang đảo ngược các đợt cắt giảm và tăng nguồn cung dầu, nhưng giá không sụp đổ như nhiều chuyên gia năng lượng nổi tiếng đã từng dự đoán, và vẫn đang dự đoán cho phần còn lại của năm nay. Tất nhiên, điều này là nhờ những yếu tố bên ngoài OPEC, chẳng hạn như diễn biến địa chính trị như đàm phán thương mại Mỹ - Trung, cháy rừng ở Canada, cũng như các lệnh trừng phạt mới của EU với Nga. Nhưng OPEC chắc chắn sẽ không phiền nếu các yếu tố này góp phần giữ giá dầu ở mức cao, miễn là không có thêm nhiều giàn khoan của Mỹ quay trở lại.
OPEC đang theo đuổi mục tiêu giành lại thị phần. Đây là một trong những lý do được giới phân tích phổ biến nhất khi giải thích cho các động thái gần đây của nhóm. Sau nhiều năm hạn chế sản lượng và nhường lại thị phần, giờ đây một số nhà sản xuất dầu lớn nhất thế giới muốn giành lại phần đã mất. Điều này sẽ mất thời gian. Ông Francisco Blanch - Trưởng bộ phận nghiên cứu hàng hóa tại Bank of America - gọi đây là một cuộc chiến giá cả "dài hơi".
"Đây không phải là một cuộc chiến giá cả ngắn và khốc liệt, mà là một cuộc chiến kéo dài và âm ỉ", ông Blanch nói với Bloomberg tháng trước. Ông cũng cho biết mục tiêu, đặc biệt là của Ả Rập Xê-út, chính là ngành dầu đá phiến Mỹ - vốn đã bền bỉ hơn trong những năm gần đây, nhưng vẫn dễ tổn thương với giá thấp vì chi phí khai thác cao.
Còn một khía cạnh khác trong cách tiếp cận mới của OPEC, được chuyên gia Amena Bakr từ Kpler phân tích trên The National. Đó là vấn đề đoàn kết nội bộ. Với việc nhiều thành viên không tuân thủ các mức cắt giảm, những nước tuân thủ cần được bảo đảm quyền lợi. "Để lấy lại tính công bằng, cần có kế hoạch hoàn trả sản lượng theo trật tự, nhằm tránh việc đổ xô bơm dầu ra thị trường, gây sụp đổ giá", Bakr giải thích.
OPEC lần này thậm chí không cần nỗ lực nhiều, vì các yếu tố địa chính trị đang hỗ trợ cho họ. Tháng trước, giá dầu tăng ngay sau khi có tin đàm phán Mỹ - Iran có thể leo thang thành xung đột tên lửa, khi Bộ trưởng Quốc phòng Iran đe dọa tấn công các căn cứ Mỹ ở Trung Đông nếu không đạt được thỏa thuận về chương trình hạt nhân của Iran.
Tại Mỹ, Quốc hội cũng đang chuẩn bị các lệnh trừng phạt mới nhằm vào ngành năng lượng Nga, góp phần đẩy giá dầu lên, bất chấp kế hoạch của EU trong việc cấm nhập khẩu cả các sản phẩm dầu mỏ được sản xuất từ dầu thô Nga - điều mà có lẽ cũng khó thành công nếu nhìn vào lịch sử các lệnh trừng phạt trước đây của họ.
Ngoài ra, còn một yếu tố nữa giúp OPEC giữ thế thượng phong: nguồn cung ngoài OPEC. Tờ Financial Times hồi giữa tháng 6 đưa tin rằng các tập đoàn dầu khí quốc tế lớn hiện không có nhiều phát hiện dầu mới. Kể từ năm 2020, các phát hiện dầu mới (không bao gồm đá phiến) chỉ đạt trung bình 2,5 tỷ thùng/năm - theo một báo cáo của Goldman Sachs. Con số này chỉ bằng 25% so với mức trung bình hằng năm của ba năm trước 2020. Nói cách khác, những nhận định rằng nguồn cung ngoài OPEC sẽ "lấn át" OPEC có thể đã hơi vội vàng - tương tự như những dự báo về nhu cầu từ IEA.
IEA nổi tiếng với quan điểm bi quan về nhu cầu dầu, thường xuyên viện dẫn sự gia tăng doanh số xe điện (EV), mặc dù tại Mỹ doanh số EV đang có nguy cơ sụt giảm nghiêm trọng. Ở châu Âu, doanh số EV đang tăng trở lại nhờ vào các khoản trợ cấp - nhưng các khoản trợ cấp này sẽ kéo dài bao lâu thì chưa ai biết. Trung Quốc thường được nhắc đến như thị trường chính của xe điện, nhưng nhu cầu dầu tại Trung Quốc vẫn đang tăng - mặc dù các cuộc thảo luận về "đỉnh dầu" tại đây đang gia tăng, kể cả từ các tập đoàn dầu khí quốc doanh của họ.
Trong hoàn cảnh này, OPEC thực chất không cần phải làm gì nhiều ngoài việc chờ đợi. Ngành dầu đá phiến Mỹ vốn nhạy cảm với giá cả sẽ tăng trưởng chậm lại, việc thiếu phát hiện dầu mới sẽ kìm hãm tăng trưởng của các tập đoàn lớn, và giá dầu sẽ tăng vì ngay cả khi thế giới đã đạt đến "đỉnh nhu cầu dầu", giai đoạn tiếp theo nhiều khả năng sẽ là một giai đoạn "bình ổn ở mức cao", tức là vẫn cần duy trì sản lượng lớn. Và OPEC chắc chắn sẽ sẵn sàng giúp làm điều đó.