OPEC+ nhất trí tăng tốc sản lượng dầu trong tháng Sáu
Theo thông báo hôm thứ Bảy- ngày 3/5, tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các nước đối tác (OPEC+) đã đồng ý tiếp tục đẩy nhanh tốc độ tăng sản lượng dầu trong tháng Sáu, với mức tăng 411.000 thùng/ngày, bất chấp giá dầu đang giảm và triển vọng nhu cầu yếu đi.

OPEC+ nhất trí tăng tốc sản lượng dầu trong tháng Sáu
Cuộc họp trực tuyến của liên minh các nước xuất khẩu dầu chỉ kéo dài hơn một giờ, sau đó OPEC+ xác nhận việc tăng cung, đồng thời nhận định rằng các yếu tố cơ bản của thị trường dầu vẫn vững chắc và tồn kho ở mức thấp.
Thị trường dầu mỏ chứng kiến giá giảm xuống mức thấp nhất trong bốn năm vào tháng Tư, khi giá dầu Brent rơi xuống dưới 60 USD/thùng. Nguyên nhân là OPEC+ thông báo mức tăng sản lượng lớn hơn kỳ vọng cho tháng Năm, trong bối cảnh căng thẳng thương mại gia tăng khi Tổng thống Mỹ Donald Trump áp thuế mới, làm dấy lên lo ngại suy thoái kinh tế toàn cầu.
Một số nguồn tin cho biết, Ả Rập Xê Út đang thúc đẩy việc đẩy nhanh quá trình dỡ bỏ cắt giảm sản lượng như một biện pháp trừng phạt đối với Iraq và Kazakhstan vì không tuân thủ hạn ngạch sản xuất theo thỏa thuận.
Việc tăng sản lượng lần này cũng diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Trump kêu gọi OPEC+ tăng cung để hạ giá dầu. Ông Trump dự kiến sẽ có chuyến thăm Ả Rập Xê Út vào cuối tháng Năm.
Trước đó, vào tháng 12 năm ngoái, tám quốc gia trong khối OPEC+, vốn đang thực hiện cam kết cắt giảm tổng cộng 2,2 triệu thùng/ngày đã nhất trí dỡ bỏ dần hạn ngạch theo từng bước tăng hàng tháng khoảng 138.000 thùng/ngày, bắt đầu từ tháng Tư năm 2025.
Mức tăng trong tháng Sáu của nhóm này sẽ đưa tổng sản lượng bổ sung trong ba tháng 4–5–6 lên 960.000 thùng/ngày, tương đương với 44% mức cắt giảm ban đầu, theo ước tính của Reuters.
Giá dầu Brent hợp đồng tương lai đã giảm hơn 1% trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu, xuống còn 61,29 USD/thùng, khi các nhà đầu tư chuẩn bị tâm lý đón nhận nguồn cung mới từ OPEC+.
Chuyên gia phân tích Giovanni Staunovo của UBS dự báo giá dầu sẽ tiếp tục giảm vào thứ Hai do tác động từ quyết định tăng sản lượng, cộng thêm áp lực từ căng thẳng thương mại và lo ngại về triển vọng tăng trưởng toàn cầu.
“Chúng tôi vẫn gọi đây là quá trình nới lỏng cắt giảm một cách có kiểm soát, chứ không phải là cuộc chiến giành thị phần”, ông nhấn mạnh.
Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait sau cuộc họp cho biết, quyết định lần này sẽ có ảnh hưởng đáng kể đến việc hoạch định chính sách sản lượng trong thời gian tới của OPEC+.
Theo một báo cáo của Reuters trong tuần này, Ả Rập Xê Út đã thông báo với các đồng minh và giới chức ngành dầu khí rằng họ sẽ không tiếp tục hỗ trợ thị trường bằng các đợt cắt giảm nguồn cung mới.
Chuyên gia Helima Croft từ RBC Capital Markets nhận định: “Mức độ tuân thủ tiếp tục là tâm điểm, khi Kazakhstan và Iraq vẫn chưa hoàn thành nghĩa vụ bù đắp sản lượng, trong khi Nga cũng phần nào chưa đáp ứng đầy đủ”.
Kazakhstan mới đây đã công khai đi ngược lại thỏa thuận với OPEC+, khi Bộ trưởng Năng lượng nước này tuyên bố sẽ ưu tiên lợi ích quốc gia khi đưa ra quyết định về sản lượng dầu. Sản lượng dầu tháng Tư của Kazakhstan đã vượt hạn ngạch, dù tổng sản lượng ghi nhận mức giảm 3%.
Hiện tại, OPEC+ vẫn đang duy trì mức cắt giảm gần 5 triệu thùng/ngày, và phần lớn các điều chỉnh này dự kiến sẽ được giữ nguyên cho đến cuối năm 2026. Nhóm dự kiến sẽ tổ chức cuộc họp cấp bộ trưởng toàn thể vào ngày 28/5 tới.