P2P Lending đã hết tình trạng 'nửa kín nửa hở'

'Thời gian qua chúng ta đã chứng kiến không ít trường hợp các nền tảng P2P Lending bị biến tướng thành 'bẫy' tín dụng đen, gây tổn hại nghiêm trọng cho người dùng. Để tránh đi vào vết xe đổ này, theo tôi cần đồng thời thực hiện cả quản lẫn mở', ông Huân nói.

Nghị định 94/2025 của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng có hiệu lực từ ngày 1.7.2025 quy định 3 giải pháp được xem xét tham gia cơ chế thử nghiệm (sandbox) gồm: Chấm điểm tín dụng; chia sẻ dữ liệu qua giao diện lập trình ứng dụng mở (Open API); cho vay ngang hàng (P2P Lending).

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát đối với lĩnh vực cho vay ngang hàng được kỳ vọng sẽ tạo ra được “vùng an toàn” pháp lý cho cả người dân và doanh nghiệp, tránh tình trạng tín dụng đen “núp bóng” fintech (giải pháp công nghệ tài chính).

Phóng viên Một Thế Giới đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Nguyễn Hữu Huân (Đại học Kinh tế TP.HCM) về vấn đề này.

- Ngày 1.7.2025, Nghị định số 94/2024/NĐ-CP ngày 29.4.2024 của Chính phủ về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong lĩnh vực ngân hàng chính thức có hiệu lực. Trong đó, giải pháp cho vay ngang hàng (P2P Lending) sẽ được thử nghiệm trong 2 năm. Ông đánh giá gì về điều này?

- PGS-TS Nguyễn Hữu Huân: Tôi cho rằng việc Nghị định 94/2024/NĐ-CP chính thức có hiệu lực và đưa hoạt động cho vay ngang hàng (P2P Lending) vào khuôn khổ thử nghiệm có kiểm soát là một dấu mốc rất đáng chú ý trong tiến trình phát triển của hệ sinh thái tài chính số tại Việt Nam.

Lâu nay, P2P Lending vẫn tồn tại ở dạng “nửa kín nửa hở”, nhiều công ty hoạt động không rõ ràng, tạo ra không ít rủi ro cho cả người cho vay lẫn người đi vay. Chính vì thế, việc Nhà nước quyết định đưa lĩnh vực này vào khu vực “sandbox”, tức là môi trường thử nghiệm có giám sát chặt chẽ, sẽ giúp các mô hình mới có cơ hội phát triển nhưng vẫn nằm trong tầm kiểm soát rủi ro của cơ quan quản lý.

P2P Lending hết tình trạng "nửa kín, nửa hở"

P2P Lending hết tình trạng "nửa kín, nửa hở"

Theo tôi, động thái này không chỉ là một bước tiến về mặt thể chế mà còn cho thấy tư duy quản trị vĩ mô của chúng ta đã bắt đầu chuyển dịch rõ rệt: từ “kiểm soát cứng” sang “quản trị rủi ro mềm”.

Sandbox cho phép chúng ta quan sát, đo lường các tác động thực tế của mô hình P2P Lending, từ đó có cơ sở thực tiễn để hoàn thiện hành lang pháp lý, thay vì cấm đoán hay buông lỏng hoàn toàn.

Thực tiễn thế giới cũng cho thấy P2P Lending là một kênh bổ sung hiệu quả cho tín dụng truyền thống, đặc biệt với nhóm khách hàng nhỏ lẻ hoặc doanh nghiệp siêu nhỏ, những đối tượng vốn khó tiếp cận vốn ngân hàng.

Tuy nhiên, không phải mô hình nào cũng thành công, có nước từng để thị trường phát triển quá “nóng”, dẫn tới nợ xấu và hệ lụy xã hội. Do đó, việc Việt Nam triển khai thử nghiệm trong phạm vi giới hạn, có cơ chế kiểm soát và đánh giá tác động rõ ràng là hoàn toàn hợp lý.

Tôi kỳ vọng trong 2 năm tới, các doanh nghiệp công nghệ tài chính, ngân hàng và các bên liên quan sẽ tận dụng cơ hội này để thử nghiệm những giải pháp sáng tạo nhưng vẫn phải đặt an toàn hệ thống lên hàng đầu.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cũng cần sát sao theo dõi, chủ động phát hiện và xử lý những rủi ro phát sinh. Nếu làm tốt, chúng ta sẽ từng bước hình thành được một thị trường P2P Lending lành mạnh, minh bạch và có đóng góp tích cực cho tài chính toàn diện tại Việt Nam.

- Theo ông, Nghị định 94/2025/NĐ-CP sẽ tạo ra những cơ hội và thách thức nào cho các doanh nghiệp P2P Lending đang hoạt động tại Việt Nam?

- PGS-TS Nguyễn Hữu Huân: Tôi cho rằng Nghị định 94/2025/NĐ-CP vừa mở ra những cơ hội rất lớn, đồng thời cũng đặt ra không ít thách thức cho các doanh nghiệp P2P Lending đang hoạt động tại Việt Nam.

Về cơ hội, điều quan trọng nhất là các doanh nghiệp P2P Lending cuối cùng đã có một “tấm giấy thông hành” về mặt pháp lý.

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân

PGS-TS Nguyễn Hữu Huân

Nếu như trước đây hoạt động của họ luôn ở trong trạng thái nửa hợp pháp, nửa tự phát, phải đối mặt với nhiều rủi ro về quản lý nhà nước, thậm chí là nguy cơ bị “đánh đồng” với tín dụng đen, thì nay việc được tham gia thử nghiệm dưới sự giám sát của Ngân hàng Nhà nước sẽ giúp họ hợp thức hóa mô hình kinh doanh, tăng sự tin tưởng của thị trường, đối tác cũng như người dùng cuối.

Một môi trường thử nghiệm minh bạch cũng tạo điều kiện để các doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn đầu tư, phát triển công nghệ, và thử nghiệm các sản phẩm sáng tạo hơn mà trước đây họ còn e dè.

Tuy nhiên, đi kèm với đó là những thách thức không nhỏ. Trước hết là vấn đề tuân thủ các tiêu chuẩn mới về quản trị rủi ro, kiểm soát dữ liệu, bảo vệ khách hàng, và đặc biệt là minh bạch thông tin, kết nối với các hệ thống dữ liệu tín dụng quốc gia.

Nhiều doanh nghiệp P2P Lending nhỏ hoặc phát triển tự phát trước đây có thể sẽ gặp khó khăn trong việc đáp ứng các tiêu chí này, từ hạ tầng công nghệ đến năng lực quản trị.

Không những thế, cơ chế giám sát của Nhà nước sẽ rất chặt chẽ, các doanh nghiệp sẽ phải chuẩn bị tinh thần cho việc bị kiểm tra, đánh giá định kỳ, thậm chí có nguy cơ bị loại khỏi “sandbox” nếu vi phạm hoặc không đáp ứng được yêu cầu đặt ra.

Ngoài ra, thách thức lớn nhất có lẽ vẫn nằm ở việc xây dựng niềm tin với thị trường. Không phải chỉ cần có hành lang pháp lý là ngay lập tức khách hàng sẽ quay trở lại với các nền tảng P2P, bởi tâm lý e ngại về rủi ro và các vụ việc lừa đảo trong quá khứ vẫn còn khá sâu đậm. Do đó, các doanh nghiệp phải đầu tư mạnh hơn cho công nghệ, quản lý rủi ro, và dịch vụ khách hàng để xây dựng lại uy tín từng bước.

Tóm lại, Nghị định 94 giống như một cánh cửa mới vừa mở, nhưng phía sau cánh cửa đó là một “cuộc chơi” khắc nghiệt hơn, đòi hỏi bản lĩnh, năng lực thực sự và sự tuân thủ chuẩn mực cao hơn của các doanh nghiệp P2P Lending Việt Nam. Ai làm tốt sẽ có cơ hội lớn để bứt phá, còn ai chưa đủ chuẩn sẽ buộc phải thay đổi hoặc tự loại mình ra khỏi cuộc chơi.

- Trước đây, hoạt động cho vay P2P biến tướng, núp bóng tín dụng đen, vậy làm thế nào để chính sách thí điểm có thể đạt hiệu quả, tránh đi vào vết xe đổ trước đây? Chính sách thí điểm làm thế nào để vừa đủ quản lý, vừa không bó chặt sự phát triển của mô hình này?

- PGS-TS Nguyễn Hữu Huân: Đây là một câu hỏi rất xác đáng, bởi thực tế thời gian qua chúng ta đã chứng kiến không ít trường hợp các nền tảng P2P Lending bị biến tướng thành “bẫy” tín dụng đen, gây tổn hại nghiêm trọng cho người dùng và làm xấu hình ảnh của cả ngành fintech. Để chính sách thí điểm có thể đạt hiệu quả, tránh đi vào vết xe đổ này, theo tôi cần đồng thời thực hiện cả “quản” lẫn “mở”.

Trước hết, yếu tố quan trọng nhất là phải nhận diện và phân định rõ ràng giữa các mô hình P2P Lending chân chính và những tổ chức tín dụng đen núp bóng công nghệ. Điều này đòi hỏi cơ quan quản lý phải xây dựng các tiêu chí, điều kiện rất cụ thể và minh bạch cho các doanh nghiệp tham gia sandbox.

Ví dụ như yêu cầu về quản trị doanh nghiệp, vốn điều lệ tối thiểu, hệ thống công nghệ bảo mật, công khai lãi suất, phí và những quyền lợi, nghĩa vụ của các bên tham gia. Những nền tảng không đáp ứng được hoặc có dấu hiệu lách luật phải bị loại ngay khỏi chương trình thử nghiệm.

Cần vừa cởi mở, vừa kiểm soát để tránh biến tướng với P2P Lending

Cần vừa cởi mở, vừa kiểm soát để tránh biến tướng với P2P Lending

Song song đó, cơ chế giám sát phải thật chủ động và linh hoạt. Thay vì chỉ kiểm tra định kỳ theo kiểu hành chính, nên áp dụng các giải pháp công nghệ vào giám sát dữ liệu giao dịch thời gian thực, kết nối trực tiếp với CIC và các hệ thống dữ liệu tín dụng khác để phát hiện sớm các dấu hiệu rủi ro như cho vay theo dây chuyền, nợ xấu chéo hoặc các hành vi mập mờ. Nếu phát hiện vi phạm, cần có chế tài xử lý nghiêm minh và công khai để tạo tính răn đe.

Tuy nhiên, quản lý không nên bó chặt đến mức bóp chết sự sáng tạo. Sandbox chính là cơ hội để các mô hình, sản phẩm mới được thử nghiệm thực tế, nên bên cạnh các “hàng rào kỹ thuật” cần có một số quyền tự chủ nhất định cho doanh nghiệp, chẳng hạn chủ động lựa chọn phân khúc khách hàng, phát triển sản phẩm linh hoạt trong khuôn khổ an toàn, miễn là tuân thủ nguyên tắc minh bạch và bảo vệ người dùng.

Cuối cùng, tôi cho rằng một yếu tố không kém phần quan trọng là truyền thông và giáo dục tài chính cho cộng đồng. Chỉ khi khách hàng hiểu đúng về rủi ro, lợi ích của P2P Lending, biết tự bảo vệ mình và lựa chọn các nền tảng uy tín, thì các “bóng ma” tín dụng đen mới khó có cơ hội quay trở lại.

Việc tăng cường hợp tác giữa cơ quan quản lý, các ngân hàng, doanh nghiệp công nghệ và truyền thông đại chúng sẽ tạo nên một hệ sinh thái lành mạnh, minh bạch và phát triển bền vững hơn cho lĩnh vực này.

- Nhiều ý kiến cho rằng vấn đề là khung pháp lý chưa hoàn thiện, nên các tổ chức cung ứng dịch vụ cũng rất dè dặt trong việc phát triển fintech . Theo ông, Việt Nam cần hoàn thiện khung pháp lý thế nào để phù hợp với xu hướng phát triển của tài chính số?

- PGS-TS Nguyễn Hữu Huân: Đúng là hiện nay, một trong những rào cản lớn nhất khiến các tổ chức tài chính cũng như các công ty fintech còn dè dặt, chưa dám bứt phá là do khung pháp lý của chúng ta vẫn trong quá trình hoàn thiện, thậm chí còn khá lạc hậu so với tốc độ phát triển của công nghệ tài chính.

Nếu không có hành lang pháp lý đủ rõ ràng và tiên tiến, thì dù tiềm năng lớn đến đâu, các doanh nghiệp cũng rất khó mạnh dạn đầu tư, còn người dùng thì vẫn luôn lo ngại về rủi ro.

Thị trường fintech tại Việt Nam phát triển mạnh những năm gần đây

Thị trường fintech tại Việt Nam phát triển mạnh những năm gần đây

Theo tôi, Việt Nam cần định hướng xây dựng khung pháp lý theo hướng mở, linh hoạt, vừa đảm bảo an toàn hệ thống tài chính, vừa tạo điều kiện cho đổi mới sáng tạo. Sandbox như Nghị định 94/2025/NĐ-CP chỉ là bước đầu; về lâu dài chúng ta nên chuyển từ tư duy “quản chặt” sang “đồng hành và thúc đẩy”, tức là pháp luật không chạy theo để “bịt lỗ hổng”, mà chủ động thiết kế các quy định dựa trên bản chất rủi ro, quy mô hoạt động, và tiềm năng tạo giá trị cho nền kinh tế.

Kinh nghiệm quốc tế cũng chỉ ra rằng, những quốc gia đi đầu về tài chính số đều không coi fintech là “một loại hình nguy hiểm cần kiểm soát tuyệt đối”, mà xem đây là động lực để nâng cấp toàn bộ hệ sinh thái tài chính.

Chẳng hạn, Singapore hay Anh xây dựng khung pháp lý theo hướng modular (mô đun), nghĩa là mỗi loại hình dịch vụ fintech – từ thanh toán điện tử, cho vay ngang hàng, đến tiền số, tài sản số hóa – đều có hành lang riêng, phù hợp với mức độ rủi ro, đặc thù thị trường và nhu cầu quản lý.

Thêm nữa, họ cũng tạo các cơ chế thử nghiệm thực tế, thúc đẩy kết nối dữ liệu mở (open API, open banking), và đặc biệt là có hệ thống cảnh báo sớm rủi ro rất hiện đại.

Việt Nam hoàn toàn có thể học hỏi những điểm này, nhưng quan trọng là phải “nội địa hóa”, tức là chọn lọc, điều chỉnh cho phù hợp với trình độ phát triển và đặc thù thị trường Việt Nam.

Chúng ta cần đẩy mạnh số hóa hệ thống dữ liệu tín dụng, xây dựng nền tảng định danh số và cơ chế xác thực khách hàng liên thông giữa các ngân hàng, fintech và tổ chức tín dụng khác.

Song song, Nhà nước cần chủ động đối thoại, hợp tác với các doanh nghiệp công nghệ, ngân hàng và hiệp hội ngành để vừa giám sát, vừa hỗ trợ, từ đó khơi dậy sức sáng tạo mà vẫn kiểm soát được rủi ro hệ thống.

Tóm lại, hoàn thiện khung pháp lý cho fintech không phải là vá víu theo kiểu phản ứng, mà phải đi trước một bước, đồng thời tăng cường đối thoại, lấy thực tiễn làm trung tâm, học hỏi kinh nghiệm quốc tế nhưng nhất thiết phải phù hợp với thực tế Việt Nam. Có như vậy, chúng ta mới tạo được một môi trường thực sự hấp dẫn để fintech phát triển mạnh mẽ và an toàn.

- Xin cảm ơn ông!

Trí Lâm (thực hiện)

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/p2p-lending-da-het-tinh-trang-nua-kin-nua-ho-234754.html