Tài chính thay thế và câu chuyện minh bạch trong hành lang pháp lý chưa đầy đủ

Thị trường tài chính thay thế Việt Nam đang bước vào giai đoạn phát triển nhanh, khi nhu cầu tiếp cận vốn linh hoạt và số hóa các dịch vụ tài chính ngày càng tăng cao.

Những mô hình mới như cho vay ngang hàng (P2P lending), cho vay dựa trên tài sản (title lending) hay mua trước trả sau (BNPL) lần lượt xuất hiện, mở rộng phạm vi phục vụ người tiêu dùng phổ thông. Thế nhưng, đằng sau tốc độ tăng trưởng ấn tượng ấy là những thách thức không nhỏ về tính chuẩn hóa vận hành, minh bạch thông tin và đặc biệt là sự thiếu vắng một khung pháp lý chuyên ngành rõ ràng.

Bước chuyển từ “vùng xám” pháp lý đến vận hành có kiểm soát

Khác với các tổ chức tín dụng truyền thống, phần lớn doanh nghiệp tài chính thay thế hiện nay chưa nằm trong phạm vi điều chỉnh của một luật chuyên ngành cụ thể. Chẳng hạn, mô hình P2P lending đang trong giai đoạn thử nghiệm có kiểm soát, chưa được luật hóa hoàn toàn.

Các nền tảng fintech lending hay ứng dụng vay trực tuyến chủ yếu vận hành dựa trên các quy định dân sự chung và hợp đồng dân sự, tạo ra sự thiếu nhất quán về quản trị vận hành và kiểm soát rủi ro giữa các doanh nghiệp cùng lĩnh vực.

 Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Ngay cả với title lending (cho vay dựa trên tài sản) – mô hình có tài sản bảo đảm làm cơ sở pháp lý vững chắc hơn – thì việc vận hành an toàn vẫn phụ thuộc nhiều vào năng lực kiểm soát nội bộ của doanh nghiệp. Bởi lẽ, tài sản bảo đảm chỉ là một phần, còn quy trình thẩm định, giải ngân, thu hồi nợ hay bảo mật thông tin khách hàng vẫn cần các tiêu chuẩn vận hành chặt chẽ, nhất quán với thông lệ quản trị rủi ro tài chính.

Thực tế, đối với những doanh nghiệp hướng tới mục tiêu phát hành chứng khoán ra công chúng hoặc huy động vốn từ các định chế tài chính lớn, việc chủ động xây dựng các tiêu chuẩn vận hành nội bộ theo chuẩn quốc tế không chỉ là nhu cầu tự thân mà còn là điều kiện bắt buộc. Đây là bước chuẩn bị để doanh nghiệp có thể vượt qua các vòng thẩm định khắt khe của nhà đầu tư tổ chức – nơi mà pháp luật chưa chắc đã quy định đủ, nhưng thị trường thì đòi hỏi rất cao.

Chủ động minh bạch: Xu hướng tất yếu của doanh nghiệp tài chính thay thế

Trước thực tế hành lang pháp lý chưa hoàn chỉnh, một số doanh nghiệp không chọn cách “đứng yên chờ đợi” mà chủ động hành động trước. Họ xác định, minh bạch hóa quy trình, chuẩn hóa dữ liệu và kiểm soát rủi ro không chỉ để phòng ngừa sai phạm, mà còn là cách để xây dựng niềm tin thị trường và bảo vệ sự phát triển bền vững lâu dài.

Trong những năm gần đây, nhiều doanh nghiệp trong lĩnh vực tài chính thay thế đã chủ động phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng như Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an, hay Cục an ninh mạng và phòng chống tội phạm công nghệ cao (A05). Các hoạt động như xác minh danh tính điện tử (eKYC), chuẩn hóa dữ liệu khách hàng, tuân thủ quy định về bảo mật thông tin và phòng chống rửa tiền dần trở thành tiêu chuẩn vận hành bắt buộc đối với các đơn vị muốn vươn xa.

F88 là một ví dụ điển hình cho sự chủ động này. Từ một doanh nghiệp trong lĩnh vực title lending, F88 đã xây dựng quy trình vận hành chuẩn hóa theo tiêu chuẩn quốc tế, tham gia các sáng kiến dữ liệu lớn, ứng dụng công nghệ vào kiểm soát vận hành và nâng cao năng lực tuân thủ. Điều đáng chú ý, doanh nghiệp này không chỉ nội bộ hóa các quy chuẩn, mà còn tích cực minh bạch hóa quá trình vận hành, phối hợp với cơ quan quản lý để kiểm soát rủi ro toàn ngành.

 Cửa hàng F88.

Cửa hàng F88.

Nỗ lực đó đã được ghi nhận khi F88 lọt vào Top 6 Đội ngũ Pháp chế tiêu biểu khu vực Đông Nam Á trong lĩnh vực dịch vụ tài chính tại ALB SE Asia Law Awards 2025 – một giải thưởng uy tín do Thomson Reuters tổ chức, bên cạnh các định chế tài chính lớn như ADB và Maybank. Đây là lần đầu tiên một doanh nghiệp ngoài hệ thống tổ chức tín dụng truyền thống tại Việt Nam được vinh danh về năng lực kiểm soát rủi ro và vận hành tuân thủ ở tầm khu vực.

Pháp lý vừa là giới hạn, vừa là cơ hội

Trong lĩnh vực tài chính thay thế, hành lang pháp lý chưa đầy đủ có thể là thách thức với những doanh nghiệp chờ đợi sự rõ ràng từ cơ quan quản lý. Nhưng với những đơn vị chủ động vận hành theo chuẩn mực quốc tế, chính khoảng trống đó lại trở thành không gian để họ thiết lập lợi thế dài hạn.

Sớm hay muộn, các quy định pháp lý chuyên ngành rồi sẽ được ban hành. Nhưng vào thời điểm đó, những doanh nghiệp đã chuẩn hóa vận hành từ trước sẽ là những người dẫn đầu cuộc chơi, không chỉ về tốc độ thích ứng mà còn về sự tin tưởng của nhà đầu tư, khách hàng và thị trường vốn.

Tài chính thay thế có thể là một lĩnh vực mới mẻ, nhưng nguyên tắc quản trị minh bạch, tuân thủ tiêu chuẩn và kiểm soát rủi ro từ bên trong thì không bao giờ cũ. Doanh nghiệp nào đi trước trong việc xây dựng nền tảng vận hành chuẩn mực, doanh nghiệp đó sẽ có lợi thế bền vững trong cuộc đua dài hạn.

PV

Nguồn PLO: https://plo.vn/tai-chinh-thay-the-va-cau-chuyen-minh-bach-trong-hanh-lang-phap-ly-chua-day-du-post859707.html