Petrovietnam chủ động tham gia thị trường tín chỉ carbon

Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (Petrovietnam) đã và đang nỗ lực vận dụng tất cả năng lực, kinh nghiệm, tiềm năng sẵn có để chung tay cùng Chính phủ trong việc bảo đảm an ninh năng lượng, bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH).

Tín chỉ carbon (carbon credit) là một công cụ quan trọng được Petrovietnam thúc đẩy phát triển bền vững và đạt được mục tiêu Net Zero.

Xây dựng lộ trình cắt giảm phát thải khí nhà kính

Tại Việt Nam, phát thải khí nhà kính đang vào khoảng 400 triệu tấn CO2 tương đương, trong đó lĩnh vực năng lượng chiếm khoảng 2/3, còn lại là các lĩnh vực khác. Với những cam kết mạnh mẽ của Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh về BĐKH của Liên hợp quốc năm 2021 (COP26), thị trường tín chỉ carbon trong nước được dự báo sẽ phát triển nhanh trong thời gian tới. Từ nay đến hết năm 2027, Việt Nam sẽ xây dựng các hệ thống quy định, chính sách tạo nền tảng cho thị trường, cũng như thành lập và tổ chức vận hành thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon và chính thức vận hành từ năm 2028.

Theo đánh giá, lượng phát thải trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của Petrovietnam chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng lượng phát thải ngành năng lượng. Điều này đạt được là do các hệ thống thiết bị, công nghệ sản xuất của Petrovietnam hiện đại so với mặt bằng chung của ngành năng lượng Việt Nam. Theo số liệu năm 2020, tỷ trọng phát thải của Petrovietnam chỉ chiếm khoảng 7% phát thải khí nhà kính của lĩnh vực năng lượng (19,5/273 triệu tấn CO2 tương đương).

Dự án áp dụng công nghệ nâng cao thu hồi dầu mới lần đầu tiên được áp dụng và mang lại hiệu quả cao tại mỏ Rạng Đông.

Dự án áp dụng công nghệ nâng cao thu hồi dầu mới lần đầu tiên được áp dụng và mang lại hiệu quả cao tại mỏ Rạng Đông.

Mặc dù vậy, trong giai đoạn đến năm 2035 và tầm nhìn đến năm 2050, nếu không có các biện pháp giảm phát thải, tỷ trọng phát thải của Petrovietnam sẽ tăng nhanh, chủ yếu ở lĩnh vực công nghiệp điện. Hiện nay, Petrovietnam đang cập nhật kế hoạch giảm phát thải khí nhà kính theo các cam kết mới của Việt Nam. Theo đó, đến năm 2025, Tập đoàn dự kiến sẽ cắt giảm 15,55 triệu tấn CO2 so với phát thải cơ sở năm 2010. Giai đoạn 2031-2050, kế hoạch của Petrovietnam là sẽ triển khai các giải pháp “xanh hóa" các nhà máy điện than, các dự án công nghệ thu hồi, sử dụng, lưu trữ carbon; tiếp tục thực hiện các dự án sản xuất năng lượng sạch trong nước và hướng tới tham gia thị trường khu vực, thế giới; triển khai chuyển đổi nhiên liệu sạch cho các phương tiện vận tải biển.

Hành động cụ thể

Thực hiện lộ trình của Petrovietnam, các đơn vị trong Tập đoàn đang đẩy mạnh thực hiện những biện pháp giảm lượng khí thải phát sinh bằng cách đầu tư vào các dự án thân thiện với môi trường như năng lượng tái tạo, trồng rừng hoặc sử dụng công nghệ tiết kiệm năng lượng. Sau khi thực hiện các dự án, doanh nghiệp sẽ được cấp tín chỉ carbon tương ứng với lượng khí thải được giảm. Tín chỉ carbon này có thể được mua bán trên thị trường bởi các doanh nghiệp hoặc tổ chức cần bù đắp cho lượng khí thải phát ra của mình.

Với đặc điểm của các nhà máy điện là sử dụng lượng nhiên liệu rất lớn và lượng phát thải khí nhà kính cũng rất lớn, Tổng công ty Điện lực dầu khí Việt Nam (PV Power) đặc biệt tập trung tìm giải pháp giảm thiểu phát thải hiệu quả. Từ nay đến năm 2030, PV Power đặt mục tiêu có 12 giải pháp giảm nhẹ phát thải khí nhà kính thực hiện tại các nhà máy điện. Các giải pháp đăng ký đa phần thuộc giải pháp tiết kiệm, giảm thiểu năng lượng sử dụng trong sản xuất và sử dụng năng lượng mặt trời thông qua việc ưu tiên và khuyến khích sử dụng các công nghệ mới, công nghệ tiết kiệm năng lượng, thân thiện với môi trường, chú trọng phát triển năng lượng tái tạo và tích cực nghiên cứu, tìm hiểu các loại nhiên liệu sạch, nhiên liệu thay thế...

Còn Tổng công ty Thăm dò khai thác dầu khí (PVEP) đặt ra lộ trình giảm phát thải ròng đến năm 2030 giảm 20%, năm 2040 giảm 50% và Net Zero vào năm 2050. Để đạt được mục tiêu đó, PVEP đã đề ra các giải pháp bao gồm nỗ lực giảm thiểu phát thải trực tiếp từ các công trình hiện hữu, mở rộng năng lượng tái tạo và các giải pháp carbon thấp, tối ưu hóa việc sử dụng bù đắp carbon trên cơ sở trồng rừng... Trong đó, giải pháp được PVEP quan tâm trong kế hoạch dài hạn là CCS-công nghệ thu hồi và lưu trữ carbon được xem là một trong những biện pháp quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính của các doanh nghiệp dầu khí.

Bên cạnh việc sử dụng những giải pháp khoa học-công nghệ để giảm các loại phát thải khí nhà kính, trồng cây gây rừng là giải pháp chính yếu thứ hai giúp Petrovietnam tích lũy tín chỉ carbon để được quy đổi tỷ lệ phát thải. Chủ tịch Hội đồng thành viên Petrovietnam Lê Mạnh Hùng khẳng định: Đối với doanh nghiệp việc trồng cây gây rừng không chỉ là trách nhiệm với xã hội mà còn đưa lại những lợi ích cho doanh nghiệp khi được công nhận, cấp tín chỉ carbon bù đắp phần phát thải.

Các hoạt động trồng rừng, phục hồi rừng trong những năm vừa qua cũng đã thể hiện hành động mạnh mẽ của Petrovietnam và các đơn vị thành viên nhằm khẳng định ý thức bảo vệ môi trường sinh thái và hạn chế ảnh hưởng tiêu cực bởi BĐKH, góp phần cùng cả nước đạt được cam kết phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Petrovietnam đặt mục tiêu trồng 3 triệu cây xanh trên các công trình, địa phương có hoạt động dầu khí giai đoạn 2022-2025. Năm 2024 được xác định là năm quan trọng then chốt để Petrovietnam tăng tốc hoàn thành mục tiêu này; đây là cơ sở để Petrovietnam làm cơ sở đón đầu xu hướng miễn, giảm thuế/phí môi trường, chống phát thải, BĐKH.

Bài và ảnh: AN SƠN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/petrovietnam-chu-dong-tham-gia-thi-truong-tin-chi-carbon-790654