Phân cấp cho địa phương công nhận sản phẩm OCOP

Năm 2023, Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP (chương trình Mỗi xã một sản phẩm) được điều chỉnh, bổ sung thêm một số nội dung so với bộ tiêu chí cũ. Trong đó có nội dung quan trọng về đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP được phân cấp cho UBND cấp huyện đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Gian hàng trưng bày quảng bá sản phẩm OCOP của H.Xuân Lộc tại hoạt động quảng bá sản phẩm OCOP ở TP.Biên Hòa. Ảnh: B.Nguyên

Gian hàng trưng bày quảng bá sản phẩm OCOP của H.Xuân Lộc tại hoạt động quảng bá sản phẩm OCOP ở TP.Biên Hòa. Ảnh: B.Nguyên

Sự phân cấp về địa phương này tạo thuận lợi hơn rất nhiều cho các địa phương trong việc hướng dẫn hồ sơ, quy trình đến thẩm định, đánh giá. Chủ thể OCOP cũng được hỗ trợ sát sao hơn khi tham gia chương trình.

* OCOP 3 sao do cấp huyện đánh giá, công nhận

Bộ tiêu chí OCOP giai đoạn 2021-2025 theo Quyết định 148/QĐ-TTg ngày 24-2-2023 của Thủ tướng Chính phủ (thay thế Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21-8-2019) có một số điều chỉnh, bổ sung những yêu cầu nhằm phù hợp với mục tiêu phát triển Chương trình OCOP và đáp ứng yêu cầu thực tiễn ở các địa phương trong giai đoạn mới.

Cụ thể, về quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, quy định về hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được sửa đổi theo hướng giảm bớt các biểu mẫu như: phiếu đăng ký sản phẩm tham gia chương trình; phương án sản xuất, kinh doanh… Đặc biệt, đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP sẽ phân cấp cho UBND cấp huyện đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao; UBND cấp tỉnh đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 4 sao; Trung ương đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 5 sao.

Ngoài ra, Bộ tiêu chí giai đoạn mới bổ sung thêm 3 bộ sản phẩm thuộc nhóm sản phẩm sinh vật cảnh gồm: hoa, cây cảnh và động vật cảnh; gộp nhóm sản phẩm về sản phẩm lưu niệm, nội thất, trang trí thành Bộ sản phẩm thủ công mỹ nghệ; bổ sung một số sản phẩm như: mật ong, tinh dầu… Về cấu trúc các nội dung đánh giá sản phẩm OCOP, điều chỉnh lại cơ cấu điểm giữa 3 phần gồm: điểm nội dung sức mạnh cộng đồng, khả năng tiếp thị của sản phẩm và chất lượng sản phẩm; trong đó tăng điểm ở nội dung sức mạnh cộng đồng của sản phẩm.

Bộ tiêu chí này còn bổ sung một số tiêu chí mới nhằm nâng cao chất lượng, giá trị và khai thác các giá trị văn hóa của sản phẩm OCOP, khuyến khích sự tham gia của phụ nữ, đồng bào dân tộc thiểu số như: sở hữu trí tuệ, tài liệu hướng dẫn sử dụng sản phẩm; điểm khuyến khích cho chủ thể là nữ/đồng bào dân tộc thiểu số… Mục tiêu cũng phù hợp hơn với định hướng, chiến lược phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững đến năm 2030, tầm nhìn 2045 theo hướng chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp; từ phát triển đơn ngành sang phát triển đa ngành, hình thành sản phẩm tích hợp “đa giá trị”… Sự điều chỉnh trên phù hợp hơn với định hướng và yêu cầu của chương trình OCOP theo hướng phát huy nội lực, giá trị gia tăng và phát triển kinh tế cộng đồng nông thôn.

* Nâng chất cho chương trình

Tuy Đồng Nai đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận trong triển khai chương trình OCOP nhưng về số lượng và hiệu quả vẫn chưa xứng với tiềm năng, nhất là về việc tăng số lượng sản phẩm OCOP. Qua quá trình triển khai chương trình OCOP, các địa phương gặp một số khó khăn. Trong đó có nguyên nhân một số chủ thể chưa nhận thức đầy đủ ý nghĩa, lợi ích của chương trình nên chưa tích cực tham gia; nhất là ngại về thủ tục với tâm lý trông chờ, ỷ lại sự hỗ trợ của địa phương. Năng lực nhiều chủ thể còn yếu nên khó khăn trong đầu tư hoàn thiện quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng và quảng bá sản phẩm nên chưa mở rộng được thị trường tiêu thụ cho sản phẩm. Ngoài ra, còn có nguyên nhân, cán bộ quản lý các cấp, các cơ quan, ban, ngành, địa phương còn thiếu kinh nghiệm, việc tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn về chương trình ở giai đoạn đầu còn lúng túng.

Đồng Nai luôn quan tâm hỗ trợ các chủ thể OCOP tham gia các hội chợ, chương trình xúc tiến thương mại… Đến nay, nhiều sản phẩm OCOP của tỉnh đã tham gia sàn thương mại điện tử; vào được kênh tiêu thụ là các siêu thị.

Những vướng mắc này được tháo gỡ với Bộ tiêu chí OCOP mới. Theo báo cáo của Sở NN-PTNT, tổng hợp nhu cầu đăng ký về sản phẩm đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP từ đầu năm 2023 đến nay, các địa phương có 61 sản phẩm của 35 chủ thể đăng ký tham gia chương trình OCOP. Trong đó, đến nay đã có 4/11 địa phương tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP với 17 sản phẩm gồm: 13 sản phẩm OCOP 3 sao do cấp huyện công nhận; còn 4 sản phẩm đang trình hội đồng cấp tỉnh xem xét đánh giá phân hạng 4 sao. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 167 sản phẩm OCOP.

Trảng Bom là một trong những địa phương triển khai tốt Bộ tiêu chí OCOP giai đoạn mới. Từ đầu năm 2023 đến nay, huyện có 2 sản phẩm được chứng nhận OCOP 3 sao và 4 sản phẩm đã gửi hồ sơ lên Hội đồng OCOP tỉnh chờ xem xét đánh giá công nhận. Ngoài ra, toàn huyện có 7 sản phẩm được Hội đồng OCOP huyện đánh giá, xếp hạng 3 sao. Các chủ thể đang bổ sung hồ sơ, dự kiến đến tháng 12-2023 sẽ công nhận đạt OCOP 3 sao.

Phó trưởng phòng Kinh tế H.Trảng Bom Dương Văn Bảo nhận xét, năm 2023, địa phương có nhiều sản phẩm đạt chứng nhận OCOP hơn những năm trước. Trong đó có nguyên nhân việc triển khai chương trình có nhiều thuận lợi hơn do quy định mới đã phân cấp cho UBND cấp huyện đánh giá và công nhận sản phẩm OCOP đạt 3 sao.

Phó chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Phương Đình Anh nhận định, việc phân cấp trong đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP về địa phương sẽ giúp định vị và phân cấp rõ ràng hơn về sản phẩm OCOP, giúp người tiêu dùng hiểu và nắm rõ hơn về đặc điểm của sản phẩm. Bên cạnh đó, nâng cao vai trò, trách nhiệm và sự chủ động của cấp huyện trong việc hỗ trợ phát triển sản phẩm và tổ chức kiểm tra, giám sát sản phẩm OCOP.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202311/phan-cap-cho-dia-phuong-cong-nhan-san-pham-ocop-6c35081/