Phân cấp, phân quyền cần đầy đủ hơn, mạnh mẽ hơn
Thảo luận về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 và dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) tại nghị trường sáng 14-5, các ý kiến đều đồng thuận với việc tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp, song kiến nghị phân cấp, phân quyền đầy đủ hơn, kín kẽ hơn.

ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) phát biểu tại phiên họp. Ảnh: QUANG PHÚC
Giảm cấp chính quyền, Thủ tướng, chủ tịch tỉnh đều cần thêm quyền hạn
Đại biểu (ĐB) Tô Văn Tám (Kon Tum) nhận định, việc thể chế hóa trong Hiến pháp về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả là hết sức cần thiết, không chỉ nhằm mở rộng không gian phát triển mà còn thể hiện tầm nhìn chiến lược trong quá trình cải cách thể chế và xây dựng bộ máy nhà nước.

ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương). Ảnh: QUANG PHÚC
Cũng tán thành mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, song ĐB Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) muốn thể hiện rõ hơn nội dung bầu và miễn nhiệm, điều động chủ tịch và phó chủ tịch UBND cấp tỉnh.
Theo đại biểu, xây dựng thể chế phải theo hướng trao quyền nhiều hơn cho địa phương, nhưng cũng cần phải trao quyền nhiều hơn cho Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ theo đúng tinh thần của Điều 98 Hiến pháp là hệ thống hành chính quốc gia phải đảm bảo điều hành linh hoạt và thống nhất trong toàn quốc.
Cụ thể, ĐB Nguyễn Quang Huân kiến nghị dự thảo luật nên quy định HĐND giới thiệu các chức danh chủ tịch UBND để Thủ tướng phê chuẩn. Sau đó, chủ tịch UBND có thể giới thiệu các phó chủ tịch và thành viên khác để HĐND phê chuẩn một lần đầu nhiệm kỳ. Khi phải thay đổi, điều động thì chủ tịch UBND chỉ cần báo cáo HĐND.
Cũng theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, ĐB Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng) đề nghị xem xét giao thẩm quyền cho HĐND cấp tỉnh quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính đối với cấp xã. Điều này, theo ĐB, sẽ tạo điều kiện thuận lợi, linh hoạt cho địa phương trong việc tổ chức chính quyền cấp xã, phù hợp với tình hình thực tế, diễn biến đời sống kinh tế - xã hội, hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội ở địa phương. Trường hợp đối với xã vùng biên giới, hải đảo và xã giáp ranh giữa 2 tỉnh thì giao cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định để đảm bảo vai trò kiểm soát và thống nhất trong quản lý nhà nước cũng như dự lường các yếu tố phức tạp bên ngoài phạm vi quản lý của một địa phương.
Đề nghị xem xét giao thẩm quyền cho HĐND cấp tỉnh quyết định thành lập, giải thể, nhập, chia đơn vị hành chính, điều chỉnh địa giới và đổi tên đơn vị hành chính đối với cấp xã.
ĐB Nguyễn Duy Minh (Đà Nẵng)
Với mong muốn làm rõ hơn trách nhiệm của UBND, chủ tịch UBND tỉnh, ĐB Đỗ Thị Việt Hà (Bắc Giang) đề nghị quy định chặt chẽ hơn ngay trong luật này hoặc giao Chính phủ quy định chi tiết theo hướng tăng cường trách nhiệm của cấp tỉnh trong việc trực tiếp chỉ đạo, điều hành giải quyết những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan chuyên môn, tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh, UBND, chủ tịch UBND xã.
Bổ sung các điều kiện, nguồn lực đảm bảo thực hiện phân cấp
ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai) nhìn nhận, dự thảo luật đã thể hiện tinh thần phân cấp, phân quyền là hết sức mạnh mẽ và đề cao trách nhiệm của UBND, đặc biệt là trách nhiệm của chủ tịch UBND các cấp, nhất là cấp xã, cấp phường. Tuy nhiên, cần tăng cường số lượng ĐB Quốc hội chuyên trách, cũng như tăng cường hoạt động giám sát của HĐND, nhất là cấp địa phương vì khối lượng công việc cũng như trách nhiệm của UBND cấp xã là rất lớn. “Hiện nay chỉ có 3 ĐB HĐND cấp xã chuyên trách là chưa phù hợp, cần tăng lên 4-5 ĐB”, ông Trịnh Xuân An nói.

ĐB Trịnh Xuân An (Đồng Nai). Ảnh: QUANG PHÚC
ĐB Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long) và một số ĐB khác cũng thống nhất cao với nội dung phân cấp, phân quyền tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi). ĐB Quyên Thanh phân tích, dự kiến sẽ có 90/99 nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương cấp huyện được chuyển giao cho cấp xã; 9 nhiệm vụ, quyền hạn còn lại của cấp huyện sẽ được giao cho cấp tỉnh. Do đó, cần cân nhắc bổ sung thêm điều kiện, nguồn lực để thực hiện nhiệm vụ đảm bảo phân cấp Trung ương cho chính quyền địa phương và các cấp chính quyền địa phương; cũng như quy định rõ trách nhiệm giải trình của các cấp thực hiện nhiệm vụ.
ĐB Nguyễn Thị Hồng Hạnh (TPHCM) nhận định, dự thảo luật hiện còn thiếu quy định về trường hợp chủ tịch UBND ủy quyền cho phó chủ tịch UBND, như quy định tại Luật Tố tụng hành chính.
Về số lượng phó chủ tịch HĐND cấp tỉnh, dự thảo quy định, trường hợp chủ tịch HĐND cấp tỉnh là ĐB HĐND hoạt động chuyên trách thì HĐND cấp tỉnh có 1 phó chủ tịch HĐND; trường hợp chủ tịch HĐND cấp tỉnh là ĐB HĐND hoạt động không chuyên trách thì HĐND cấp tỉnh có 2 phó chủ tịch HĐND. Tuy nhiên, khi thực hiện sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, số lượng phó chủ tịch cần được cân nhắc tăng thêm. Bà Nguyễn Thị Hồng Hạnh cũng lưu ý khi luật có hiệu lực (dự kiến ngày 1-7-2025), các cơ quan, đơn vị cấp huyện sẽ kết thúc nhiệm vụ, quyền hạn, nhưng nhiều văn bản vi phạm pháp luật liên quan đến cấp huyện vẫn còn hiệu lực; cần có quy định rõ ràng về chủ thể sẽ thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong các văn bản này khi cấp huyện không còn tồn tại.
Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/phan-cap-phan-quyen-can-day-du-hon-manh-me-hon-post795166.html