Phân cấp, ủy quyền, tránh cứng nhắc

Từ thực tiễn quản lý các khu công nghiệp, khu kinh tế (KCN, KKT) tại thành phố Hải Phòng, ĐBQH Lã Thanh Tân (TP. Hải Phòng) đề xuất việc phân cấp, ủy quyền cho UBND thành phố được chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng KCN, khu chế xuất phù hợp với quy hoạch; việc đầu tư thành lập các KCN trên địa bàn thành phố không thuộc trường hợp phải áp dụng điều kiện về tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN trên địa bàn đạt tối thiểu 60%...

 Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng (Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải) nhìn từ trên cao. Ảnh: Chúc Tri

Tổ hợp Khu công nghiệp DEEP C Hải Phòng (Khu kinh tế Đình Vũ - Cát Hải) nhìn từ trên cao. Ảnh: Chúc Tri

Nghị định số 35/2022/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý KCN, KKT thay thế Nghị định số 82/2018/NĐ-CP, trong đó có một số nội dung đổi mới được xem như một bước đột phá về cơ chế chính sách, kịp thời tháo gỡ những “nút thắt”, khơi thông phát triển các KCN, KKT. Tuy nhiên, theo ĐBQH Lã Thanh Tân, quá trình thực hiện vẫn bộc lộ một số khó khăn, vướng mắc. Ban Quản lý các KCN, KKT là cơ quan hành chính trực thuộc UBND có chức năng kiểm tra giám sát nhưng lại chưa được phân cấp ủy quyền chức năng xử phạt hành chính đối với các doanh nghiệp trong lĩnh vực quản lý. Mặt khác, việc phân cấp, ủy quyền trên các lĩnh vực còn rất hạn chế, chưa thực chất.

Phân cấp, ủy quyền chấp thuận chủ trương đầu tư

Về thẩm quyền chấp thuận chủ trương đầu tư dự án KCN, đối với thành phố Hải Phòng, các KCN trên địa bàn hiện đóng vai trò rất quan trọng. Nghị quyết 45-NQ/TW ngày 24.1.2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Hải Phòng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; Nghị quyết 30-NQ/TW ngày 23.11.2022 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 đều xác định mục tiêu, nhiệm vụ rất lớn đối với thành phố Hải Phòng: phải trở thành thành phố đi đầu cả nước trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; động lực phát triển của vùng Bắc Bộ và cả nước; có công nghiệp phát triển hiện đại, thông minh, bền vững. Do đó, việc đẩy mạnh phát triển các KCN trên địa bàn rất cần thiết và phù hợp.

Hiện nay, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 14 KCN đã được thành lập, với tổng diện tích 6.100ha và 1 KKT với tổng diện tích 22.540ha; tiến độ đầu tư xây dựng và kinh doanh, lấp đầy KCN khá nhanh. Lũy kế đến nay, đã thu hút 802 dự án đầu tư với tổng vốn lên tới 41 tỷ USD, trong số đó, có nhiều dự án lớn của các tập đoàn đa quốc gia, có giá trị gia tăng cao, tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội thành phố nói riêng, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước nói chung như Tổ hợp dự án của Tập đoàn LG (Hàn Quốc) với tổng vốn đăng ký đạt 8,24 tỷ USD; Tổ hợp sản xuất ô tô Vinfast với tổng vốn đầu tư 175.000 tỷ đồng (tương đương 7,6 tỷ USD); Tập đoàn Bridgestone với tổng vốn 1,224 tỷ USD; Công ty Pegatron với tổng vốn 800 triệu USD…

Các điều kiện thành lập KCN đã được quy định cụ thể tại Luật Đầu tư và Điều 9 Nghị định 35/2022/NĐ-CP nhưng việc thành lập các KCN hiện nay thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ và do Bộ Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan chủ trì tiếp nhận hồ sơ, thẩm định theo quy định. Thực tế, dù đã được các bộ, ngành rất quan tâm nhưng thời gian thực hiện tương đối dài; chưa được phân cấp cho các địa phương để tăng thêm tính chủ động, bảo đảm phù hợp với nhu cầu và thực tiễn quản lý, phát triển của địa phương.

Trước yêu cầu đó, ĐBQH Lã Thanh Tân đề nghị Thủ tướng Chính phủ phân cấp, ủy quyền cho UBND thành phố Hải Phòng được chấp thuận chủ trương đầu tư đối với Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh kết cấu hạ tầng khu công nghiệp, khu chế xuất phù hợp với quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trên địa bàn thành phố, nhằm giảm bớt các quy trình, thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian, chi phí; đồng thời, bảo đảm phù hợp nhu cầu và thực tiễn phát triển của thành phố. Để bảo đảm sự phù hợp các quy định pháp luật liên quan, cơ quan chủ trì thẩm định có trách nhiệm lấy ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan trước khi tổng hợp, báo cáo UBND thành phố chấp thuận chủ trương đầu tư.

Không phải áp dụng điều kiện tỷ lệ lấp đầy tối thiểu 60%

Đối với điều kiện tỷ lệ lấp đầy (Khoản 6 Điều 9 Nghị định 35/2022/NĐ-CP) hiện nay, trên địa bàn thành phố Hải Phòng có 14 KCN đã được thành lập, với tổng diện tích 6.100ha, tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN khoảng 65%. Nếu tính theo diện tích đất đã được giao, không tính diện tích lấn biển nhưng chưa san lấp tạo lập mặt bằng, tỷ lệ lấp đầy bình quân đạt khoảng 84%. Với tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN trên địa bàn thành phố như trên, hiện thành phố chỉ có thể thành lập thêm 1 - 2 KCN, giai đoạn đến 2030 dự kiến thành lập được thêm 3 - 4 KCN; không thể chủ động đáp ứng được yêu cầu về mặt bằng để kịp thời thu hút các nhà đầu tư.

ĐBQH Lã Thanh Tân nhấn mạnh: việc đầu tư xây dựng và phát triển các KCN trên địa bàn thành phố Hải Phòng có đặc thù về việc lấn biển, có thời gian thực hiện dài (do vướng mắc trong các thủ tục giao mặt biển, các yêu cầu về đầu tư tuyến đê biển, san lấp mặt bằng ảnh hưởng do giá cát san lấp tăng cao…); nhưng khi được đầu tư xây dựng thì tiến độ nhanh, hầu như diện tích được giao đều được lấp đầy trong thời gian ngắn; các KCN trong quy hoạch hiện đều đã có các nhà đầu tư quan tâm, đề xuất.

Từ thực tế trên, ĐBQH Lã Thanh Tân đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét chấp thuận: “Việc đầu tư thành lập các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố Hải Phòng không thuộc trường hợp phải áp dụng điều kiện về tỷ lệ lấp đầy bình quân các khu công nghiệp trên địa bàn thành phố đạt tối thiểu 60% theo quy định của pháp luật về khu công nghiệp, khu kinh tế”; hoặc chỉ đạo các Bộ, ngành nghiên cứu, xem xét lại quy định về tỷ lệ lấp đầy bình quân các KCN trên địa bàn, trong đó đánh giá đầy đủ về các điều kiện đặc thù, thực tế triển khai và các yêu cầu cụ thể về phát triển của từng địa phương. Đồng thời, xem xét áp dụng các chế tài kinh tế như tiền đặt cọc, bảo lãnh ngân hàng… đối với các chủ đầu tư khu công nghiệp thay cho quy định tỷ lệ lấp đầy 60% cứng nhắc như trên.

“Một cửa, tại chỗ” thực chất

Theo Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý KCN, KKT, Ban Quản lý KKT được phân cấp, ủy quyền thực hiện một số nhiệm vụ về môi trường, bao gồm: “Tổ chức, thực hiện thẩm định, phê duyệt kết quả thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường; cấp, cấp đổi, điều chỉnh, cấp lại, thu hồi giấy phép môi trường đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu kinh tế”. Tuy nhiên, việc phân cấp, ủy quyền này đang vướng mắc với các quy định tại Luật Bảo vệ Môi trường 2020 và Luật Tổ chức chính quyền địa phương 2015, dẫn đến hiệu quả quản lý về công tác bảo vệ môi trường chưa cao, chưa đủ là một cơ quan có đầy đủ thẩm quyền ổn định bảo đảm thực hiện mô hình “Một cửa, tại chỗ” để tạo niềm tin và đáp ứng hiệu quả các yêu cầu thu hút và quản lý các nhà đầu tư.

Do đó, việc ban hành Luật về KCN, KKT (theo đó, ưu tiên đề xuất việc thực hiện phân cấp, phân quyền thay cho cơ chế ủy quyền) sẽ tập trung thống nhất đầu mối thực hiện thủ tục hành chính tại địa bàn các KCN, KKT; tạo điều kiện thuận lợi lớn cho doanh nghiệp, đúng theo tinh thần và xu hướng tăng cường thực hiện cơ chế “một cửa, tại chỗ” thực chất, đáp ứng nhu cầu của nhà đầu tư và yêu cầu phát triển chung - ĐBQH Lã Thanh Tân nhấn mạnh.

Về hoạt động thanh tra, kiểm tra, giám sát, Ban Quản lý KKT Hải Phòng chỉ thực hiện chức năng quản lý, kiểm tra, giám sát đầu tư đối với các dự án trong các KCN, KKT trên địa bàn thành phố; không được phân cấp, ủy quyền về chức năng thanh tra, không có chức năng xử phạt vi phạm hành chính nên công tác quản lý các doanh nghiệp, dự án trong KKT Đình Vũ - Cát Hải và các KCN trên địa bàn thành phố Hải Phòng chưa đạt hiệu quả cao.

HẢI AN

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/phan-cap-uy-quyen-tranh-cung-nhac-post395989.html