Phân loại rác tại nguồn: Đừng chỉ 'làm cho có'
Sau 3 năm ban hành và hơn 6 tháng chính thức có hiệu lực, chính sách phân loại rác tại nguồn vẫn chưa đi vào cuộc sống một cách đồng bộ.
Thói quen xử lý rác thải sinh hoạt chưa thay đổi dù có thể tái chế
Sinh sống trong một khu tập thể nhỏ tại phường Kim Liên, TP. Hà Nội, gia đình chị Phương Hằng hiện chỉ sử dụng một thùng rác sinh hoạt đặt ở góc bếp. Toàn bộ rác thải trong ngày được gom vào túi nilon và mang ra xe thu gom rác của khu vực vào cuối ngày.
Khi được hỏi về việc phân loại rác tại nguồn, chị Hằng chia sẻ: “Chúng tôi cũng chưa nắm được thông tin, việc này vẫn được tôi làm theo thói quen cũ”. Tuy vậy, chị vẫn có ý thức tách riêng một số vật dụng có thể tái chế như bao bì, chai lọ nhựa… Những vật dụng này được đặt riêng bên ngoài thùng rác công cộng, tạo điều kiện thuận lợi cho người thu gom phế liệu.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường Hà Nội, trung bình mỗi ngày trên địa bàn thành phố phát sinh khoảng 7.500 tấn rác thải sinh hoạt.
Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, các địa phương phải triển khai phân loại rác tại nguồn, chậm nhất là 31/12/2024. Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, tính đến 30/6 (trước thời điểm sáp nhập tỉnh thành), cả nước có 34/63 địa phương triển khai mô hình thí điểm phân loại rác tại nguồn nhưng chưa có địa phương nào nhân rộng mô hình ra toàn tỉnh;
Có 31 tỉnh, thành phố ban hành Ban hành quy định về quản lý chất thải rắn sinh hoạt; 30 tỉnh, thành ban hành quy định về phân loại chất thải rắn sinh hoạt; 4 tỉnh, thành ban hành định mức kinh tế - kỹ thuật thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt; 5 tỉnh, thành phố ban hành giá dịch vụ thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải rắn sinh hoạt.
Theo Nghị định 45/2022/NĐ-CP, sau ngày 31/12/2024, hộ gia đình không phân loại rác tại nguồn bị phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng. Tuy nhiên, thói quen xử lý rác thải sinh hoạt chưa thay đổi dù có chế tài xử phạt và rác sinh hoạt có thể tái chế.
Mỗi ngày cả nước phát sinh hơn 6.700 tấn chất thải rắn sinh hoạt được xử lý tại 1.548 cơ sở. Trong đó, phương pháp chôn lấp vẫn chiếm chủ yếu với 1.178 cơ sở, hơn 687 cơ sở không hợp vệ sinh, 330 cơ sở đốt không phát điện, 30 cơ sở sản xuất phân compos.
Câu hỏi đặt ra là tại sao chính sách phân loại rác chưa đi vào cuộc sống? Có phải người dân không phân loại rác hay chính quyền chưa quan tâm hay kỹ thuật phân loại khó khăn? Thông tin về vấn đề này, bà Dương Thị Thanh Xuyến, Phó Trưởng phòng Quản lý chất thải (Cục Môi trường), cho hay, theo Luật Bảo vệ môi trường 2020, chất thải rắn sinh hoạt phát sinh từ hộ gia đình, cá nhân được phân loại thành 3 nhóm chính là: Chất thải rắn có khả năng tái sử dụng, tái chế; chất thải thực phẩm; chất thải rắn sinh hoạt khác. Hướng dẫn cụ thể về kỹ thuật phân loại các nhóm chất thải rắn sinh hoạt nêu trên, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Công văn số 9368/BTNMT-KSON.
Cũng theo bà Dương Thị Thanh Xuyến, công tác phân loại chất thải rắn sinh hoạt hiện nay còn gặp nhiều khó khăn. Công tác triển khai, phối hợp của các Bộ, ngành và địa phương chưa đồng bộ, chưa tập trung vào các giải pháp cấp bách để chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết đáp ứng yêu cầu quản lý chất thải rắn sinh hoạt.
Cùng với đó, các địa phương còn lúng túng trong áp dụng đơn giá thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt sau phân loại; một số định mức, đơn giá áp dụng địa phương chưa phù hợp; một số địa phương nông thôn, miền núi hoặc hải đảo đòi hỏi phải có định mức, đơn giá đặc thù. Ngoài ra, hạ tầng phục vụ công tác thu gom, lưu giữ, tập kết, trung chuyển, vận chuyển và xử lý chất thải rắn sinh hoạt chưa đáp ứng nhu cầu, chưa đồng bộ với việc phân loại chất thải rắn sinh hoạt.
Cần một hệ thống đồng bộ, không thể 'ngắt khúc'
Trước thực tế này và hướng tới mục tiêu nâng cao hiệu quả xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tăng cường tối đa tái sử dụng, tái chế chất thải; giảm thiểu tối đa khối lượng chất thải phải xử lý, giảm dần tỷ lệ chôn lấp trực tiếp chất thải, hướng tới phát triển nền kinh tế tuần hoàn của Việt Nam trong những năm tới, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành Công văn số 1760/BNNMT-MT ngày 6/5/2025 hướng dẫn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại đô thị và nông thôn. Công văn này đã quy định cụ thể về nguyên tắc lựa chọn mô hình xử lý chất thải rắn sinh hoạt, tiêu chí lựa chọn mô hình, mô hình xử lý…
Mặc dù cơ chế chính sách đã có, tuy nhiên, các chuyên gia môi trường cho rằng, việc phân loại rác hiện nay tại nhiều địa phương đang bộc lộ những bất cập, không chỉ trong khâu thực hiện mà còn ở tính hiệu quả thực tế. Dù được triển khai đại trà, phần lớn hoạt động này vẫn mang tính hình thức, thiếu đồng bộ và không tạo ra tác động tích cực rõ rệt. Người dân phân loại tại nguồn, nhưng sau đó rác vẫn bị thu gom chung. Thiếu đồng bộ trong toàn chuỗi đang khiến mọi nỗ lực phân loại rác tại nguồn trở nên hình thức, gây lãng phí và khiến người dân dần mất niềm tin vào chính sách.
Theo nhiều chuyên gia môi trường, thay vì triển khai "theo chiều ngang", tức là đồng loạt áp dụng một cách dàn trải, không có hệ thống, việc phân loại rác cần được thực hiện "theo chiều dọc", nghĩa là xây dựng một quy trình khép kín, từ sản xuất, tiêu dùng đến xử lý và tái tạo.
Điều quan trọng là phải trả lời được những câu hỏi cốt lõi: Rác sau phân loại sẽ đi đâu? Xử lý ra sao? Có hiệu quả không? Có lãng phí nguồn lực hay không? Và cuối cùng, mô hình đó có thể nhân rộng được không? Chỉ khi những câu hỏi này được giải đáp thỏa đáng, việc phân loại rác mới thực sự đi vào thực chất.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang xây dựng Dự thảo Nghị định Quy định về trách nhiệm tái chế sản phẩm, bao bì và trách nhiệm xử lý chất thải của nhà sản xuất, nhập khẩu (Nghị định EPR), trong đó quy định cụ thể về cơ chế hỗ trợ xử lý chất thải.
Ông Hồ Kiên Trung, Phó Cục trưởng Cục Môi trường, cho rằng, muốn thực hiện phân loại chất thải, biến chất thải thành tài nguyên thì điều kiện tiên quyết phải suy nghĩ đến đầu ra cho chất thải sau khi được phân loại. Chính vì vậy, cần sớm có cơ chế khuyến khích, ưu đãi để hình thành các doanh nghiệp tái chế ngay chính tại địa phương mình; cần sớm hình thành ngành công nghiệp tái chế.
Các chuyên gia cho rằng, phân loại rác chỉ là bước đầu tiên trong một hệ sinh thái xử lý chất thải hiệu quả. Nếu không thay đổi cách triển khai, không trả lời được câu hỏi “sau phân loại là gì?”, thì những nỗ lực phân loại sẽ chỉ dừng lại ở một chiến dịch nửa vời, nhiều khẩu hiệu, ít hiệu quả.
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phan-loai-rac-tai-nguon-dung-chi-lam-cho-co-410322.html