Phan Thiết: Khai thác lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch

Phan Thiết là vùng đất hội tụ nhiều nền văn hóa đặc trưng với các giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể, tài nguyên và sản phẩm du lịch đặc sắc. Nhờ sự đổi mới trong công tác quản lý nhà nước nên lượng du khách đến thành phố biển tiếp tục tăng hằng năm. Vì thế việc bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội truyền thống gắn với phát triển du lịch là hết sức cần thiết nhằm thúc đẩy sự phát triển bền vững của kinh tế - xã hội.

Giải đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty diễn ra ngày mùng 2 tết. Ảnh: Đình Hòa.

Giải đua thuyền truyền thống trên sông Cà Ty diễn ra ngày mùng 2 tết. Ảnh: Đình Hòa.

Phát triển du lịch không chỉ đóng góp cho sự tăng trưởng kinh tế - xã hội, mang lại lợi ích cho doanh nghiệp và tạo sinh kế cho cộng đồng, mà còn góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên của điểm đến. Tại Phan Thiết diễn ra nhiều lễ hội văn hóa truyền thống, như lễ hội Nghinh Ông, lễ hội Trung thu, lễ hội Đua thuyền, lễ hội Cầu ngư… Có hoạt động được tổ chức thường niên, có hoạt động được đáo hạn 2 năm một lần nhưng trong khuôn khổ lễ hội, phần “lễ” và phần “hội” được tổ chức bài bản, thể hiện được nét văn hóa đặc trưng của người dân xứ biển Phan Thiết, gắn với gian hàng khám phá ẩm thực, sản phẩm OCOP địa phương… để lại ấn tượng, thu hút rất nhiều du khách trong nước và quốc tế quay trở lại.

Đua thúng (ảnh Đình Hòa)

Đua thúng (ảnh Đình Hòa)

Tính riêng năm 2024, lượng khách đến tham quan, nghỉ dưỡng tại Phan Thiết ước đạt 6,8 triệu lượt khách, tăng 10% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, khách nước ngoài khoảng 350.000 lượt, tăng gấp 1,7 lần so với cùng kỳ. Doanh thu ước khoảng 16.000 tỷ đồng, tăng 8,1% so với cùng kỳ.

Du lịch hiện đóng vai trò quan trọng trong đời sống kinh tế - xã hội của người dân. Du lịch giúp cho con người nâng cao hiểu biết, chất lượng các mối quan hệ xã hội, giúp mang lại cuộc sống hạnh phúc. Sự phát triển của các ngành dịch vụ kèm theo trong lễ hội còn tạo cơ hội việc làm cho lao động, đặc biệt là lao động nữ và nâng cao thu nhập, mức sống.

Giải chạy vượt Đồi cát Mũi Né mừng xuân Ất Tỵ (ảnh Đình Hòa)

Giải chạy vượt Đồi cát Mũi Né mừng xuân Ất Tỵ (ảnh Đình Hòa)

Ông Lê Hoài Trung - Phó Trưởng phòng Phòng Văn hóa và Thông tin TP. Phan Thiết cho biết: Để bảo tồn, phát huy giá trị các lễ hội truyền thống góp phần khai thác tiềm năng kinh tế - văn hóa du lịch, thành phố xác định tăng cường tuyên truyền; rà soát, phân loại lễ hội, công tác quản lý, nghiên cứu để việc tổ chức ngày càng khoa học, có ý nghĩa. Song song đó, phục hồi những trò chơi dân gian truyền thống gắn với việc xây dựng nông thôn mới, xây dựng gia đình văn hóa, bảo vệ công trình di tích lịch sử văn hóa, giữ gìn vệ sinh môi trường. Quan tâm lồng ghép việc đón nhận danh hiệu tổ dân phố, làng nghề, biểu dương gia đình văn hóa tiêu biểu… với việc tổ chức lễ hội vừa tiết kiệm, vừa có ý nghĩa sâu sắc.

Phan Thiết cũng đặt ra phải coi trọng tính đặc thù, tính độc đáo riêng của mỗi loại hình lễ hội, tránh làm đồng loạt dễ dẫn đến sự nhàm chán. Bằng mọi cách khôi phục, giữ lại nét riêng của mỗi lễ hội gắn với truyền thống văn hóa của địa phương. Bên cạnh khuyến khích những sáng tạo mới trên nền truyền thống để luôn luôn có cái mới gắn với nhịp sống văn hóa hiện nay. Khuyến khích các nhà đầu tư, các thành phần kinh tế trong và ngoài nước đầu tư, tôn tạo di tích và tham gia hoạt động tổ chức lễ hội lớn để hướng đồng bào về với nguồn cội.

Đồng thời, tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu chính quyền địa phương trong công tác quản lý và tổ chức lễ hội. Kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép…

THÙY LINH

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/phan-thiet-khai-thac-le-hoi-truyen-thong-gan-voi-phat-trien-du-lich-127681.html