Pháp luật sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam: Cần một quy định chung

Bộ Xây dựng đã trình Quốc hội và Chính phủ ban hành Luật, Nghị định liên quan sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam. Tuy nhiên, pháp luật về sở hữu nhà ở của người nước ngoài tại Việt Nam nói chung đang nằm rải rác ở nhiều nơi.

Ảnh minh họa. Nguồn: Internet

Cụ thể, việc sở hữu nhà ở tại Việt Nam của tổ chức, cá nhân nước ngoài được quy định tại Chương IX (từ Điều 159 đến Điều 162) của Luật Nhà ở 2014 và được quy định cụ thể tại Chương VII (từ Điều 74 đến Điều 79) của Nghị định số 99/2015/NĐ-CP, về các nội dung như: Giấy tờ chứng minh đối tượng và điều kiện được sở hữu nhà ở tại Việt Nam khu vực tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu nhà ở; số lượng nhà ở mà tổ chức, cá nhân nước ngoài được sở hữu… Tuy nhiên, để được sở hữu nhà ở tại Việt Nam, người nước ngoài cần đáp ứng các yêu cầu khác mà Bộ Xây dựng không quản lý và ban hành văn bản quy phạm về nhập cảnh, xuất cảnh, cư trú, đầu tư, kinh doanh, lao động, giáo dục…

Từ khi Luật Nhà ở 2014 có hiệu lực, theo báo cáo của 12 địa phương là: BR-VT, Bình Dương, Khánh Hòa, Đồng Tháp, Đồng Nai, Cần Thơ, Bình Thuận, Hà Nội, TP.HCM, TT-Huế, Đà Nẵng, Vĩnh Long, thì gần 750 tổ chức, cá nhân nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam, thực hiện nghiêm túc các quy định của Việt Nam về xuất nhập cảnh và lưu trú, sở hữu nhà đất, mua bán chuyển nhượng nhà ở, nộp thuế…

Số lượng người nước ngoài sinh sống và làm việc tại Việt Nam lên đến gần 400 nghìn người và sẽ còn gia tăng trong những năm tiếp theo, khi Việt Nam mở rộng hơn cánh cửa hội nhập kinh tế kéo theo nhu cầu sở hữu nhà của người nước ngoài tại Việt Nam, nhưng số lượng người nước ngoài sở hữu nhà ở tại Việt Nam vẫn chưa nhiều. Theo ý kiến của nhiều chuyên gia, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này là do pháp luật của Việt Nam chưa có hướng dẫn chung, cụ thể.

Trong khi Bộ TN&MT quản lý quy định chuyển nhượng, người nước ngoài được mua những gì, thì Bộ Xây dựng quy định đối tượng được mua, mua sản phẩm nào, còn Bộ Công an quản lý về Visa, phải có Visa mới được mua nhà và Bộ Tài chính quản lý thuế, Ngân hàng Nhà nước quản lý chuyển tiền ra nước ngoài…

Theo Bộ Xây dựng, để khắc phục hạn chế về sở hữu nhà ở cho người nước ngoài tại Việt Nam nên có một quy định chung tổng hợp các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến sở hữu nhà ở cho người nước ngoài tại Việt Nam, hoặc một cuốn sổ tay hướng dẫn chung để người nước ngoài có thể dễ dàng tìm hiểu thông tin.

Thanh Nga

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/bat-dong-san/phap-luat-so-huu-nha-o-cua-nguoi-nuoc-ngoai-tai-viet-nam-can-mot-quy-dinh-chung.html