Phát hiện hàng loạt chất 'cấm' trên nông sản Việt xuất khẩu trang châu Âu

Trước hàng loạt sản phẩm nông sản bị cảnh báo tại châu Âu, Văn phòng SPS Việt Nam khuyến cáo, các doanh nghiệp cần nắm vững quy định của nước nhập khẩu và tuân thủ nghiêm túc các quy định của thị trường nhập khẩu.

Chiều 19/10, Văn phòng thông báo và điểm hỏi đáp quốc gia về vệ sinh dịch tễ - kiểm dịch động thực vật Việt Nam (Văn phòng SPS Việt Nam), cho biết vừa nhận được 2 công văn của Bộ Công Thương về việc nông thủy sản xuất khẩu của Việt Nam có mức dư lượng hóa chất nông nghiệp vượt quá mức quy định của EU.

Theo đó, ngày 6/10, Bộ Công Thương có công văn về việc thu hồi 1 lô gạo thơm giống ST25 của một thương hiệu Việt tại Bỉ. Lô hàng này do một công ty xuất khẩu đã tự kiểm tra chất lượng gạo theo tham vấn của Cơ quan liên bang về an toàn chuỗi thực phẩm của Bỉ (FASFC).

Phát hiện hàng loạt chất "cấm" trên nông sản Việt xuất khẩu trang châu Âu. (Ảnh: spsvietnam)

Kết quả kiểm tra cho thấy lô hàng có mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tricyclazole là 0,017 mg một kg, theo quy định của EU thì mức dư lượng tối đa cho phép là 0,01 mg một kg.

Do vậy, công ty trên đã chủ động đăng thông báo thu hồi, yêu cầu khách hàng không tiêu thụ lô sản phẩm này và chuyển về kho để được hoàn tiền. Vì chủ động đăng thông tin thu hồi sản phẩm trên trang FASFC của Bỉ nên sản phẩm này chưa bị đưa vào diện cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi của Ủy ban châu Âu (RASFF).

Trước đó, Cơ quan y tế Hà Lan phát hiện hóa chất chlorpyrifos ethyl trong lô hàng mướp đắng của một doanh nghiệp xuất khẩu sang thị trường EU. Cùng với Hà Lan, Tây Ban Nha cũng phát hiện chất cấm profenofos của công ty này.

Ngoài ra, Cơ quan y tế Italy phát hiện chất sulphite không khai báo đối với lô hàng giáp xác và hải sản xuất khẩu của một doanh nghiệp Việt Nam. Hay, Cơ quan y tế Na Uy và Pháp phát hiện các chất nitrofurans (furazolidone) trong lô hàng đùi ếch đông lạnh và chất propargite, fenobucarb trong lô hàng bưởi nhập khẩu từ Việt Nam.

Trước những cảnh báo trên, Bộ Công Thương, Bộ Y tế Tây Ban Nha, các cơ quan liên quan tại các cửa khẩu EU đều đã được thông báo và sẽ nâng cao các biện pháp kiểm dịch đối với các dòng hàng hóa liên quan nhập khẩu từ Việt Nam.

Trong tháng 9, trên hệ thống cảnh báo của RASFF có tổng số 386 cảnh báo đối với lô hàng của các quốc gia nhập khẩu hoặc lưu thông trên thị trường EU vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm, trong đó các vi phạm về ô nhiễm vi sinh vật 84 lô, mức dư lượng thuốc bảo vệ thực vật: 72 lô, độc tố nấm mốc: 30 lô, dư lượng thuốc thú y 5 lô và những vi phạm khác.

Văn phòng SPS Việt Nam khuyến cáo, các doanh nghiệp cần nắm vững quy định của nước nhập khẩu và tuân thủ nghiêm túc các quy định của thị trường nhập khẩu, đảm bảo không bị thu hồi, cảnh báo vi phạm, tránh ảnh hưởng đến uy tín của doanh nghiệp.

Đối với các sản phẩm thủy sản cần kiểm soát, quản lý và sử dụng đúng quy định về chất lượng thức ăn chăn nuôi trong nuôi trồng thủy sản và kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, chế biến.

Đối với các sản phẩm gạo, rau quả, trái cây cần kiểm soát, quản lý và sử dụng đúng quy định về hóa chất bảo vệ thực vật, kiểm soát chặt chẽ các mối nguy gây mất an toàn thực phẩm trong quá trình sơ chế, đóng gói; tăng cường truy xuất nguồn gốc, quản lý vùng trồng...

Nguyệt Hồ

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/phat-hien-hang-loat-chat-cam-tren-nong-san-viet-xuat-khau-trang-chau-au-post162378.html