Phát huy giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm trong đời sống tín ngưỡng
Chiều 19/02/2025, Thành phố Tuyên Quang tổ chức tọa đàm với chủ đề 'Phát huy giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm trong đời sống tín ngưỡng của người dân Tuyên Quang', nhằm góp phần định hình đời sống tín ngưỡng, hướng con người xứ Tuyên đến những giá trị 'chân - thiện - mỹ'.
Tuyên Quang - nơi tinh hoa văn hóa tâm linh của Việt Nam
Phát biểu khai mạc và đề dẫn tạo đàm, bà Vũ Quỳnh Loan, Phó Chủ tịch UBND TP Tuyên Quang chia sẻ, Tuyên Quang là vùng đất thiêng, nơi giao thoa của nhiều dòng chảy văn hóa, lịch sử. Không chỉ là vùng đất gắn liền với những trang sử hào hùng của dân tộc, Tuyên Quang còn là nơi hội tụ tinh hoa văn hóa tâm linh Việt Nam. Trải qua hàng trăm năm, hai dòng chảy tín ngưỡng thuần Việt - Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm - đã cùng song hành trong đời sống tinh thần của người dân, tạo nên một bản sắc đặc trưng, vừa linh thiêng huyền bí, vừa thuần khiết hướng thiện.
Đạo Mẫu, với tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ, Tứ phủ, đã khắc sâu trong tâm thức người Việt một triết lý nhân sinh sâu sắc - đề cao sự che chở, bao dung và lòng biết ơn đối với các đấng thiêng liêng. Không chỉ dừng lại ở tín ngưỡng thờ phụng, Đạo Mẫu còn là biểu tượng của sức mạnh cộng đồng, là nơi để con người tìm đến sự an yên trong tâm hồn, để cầu mong bình an, hạnh phúc. Cùng với đó, Thiền phái Trúc Lâm, do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập, không chỉ là một dòng thiền thuần Việt, mà còn là biểu tượng cho tinh thần nhập thế, dung hòa giữa đời sống tâm linh và trách nhiệm xã hội.

Bà Vũ Quỳnh Loan, Phó Chủ tịch UBND TP Tuyên Quang phát biểu khai mạc và đề dẫn tọa đàm.
“Tọa đàm hôm nay có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Chúng tôi mong rằng, với sự góp mặt của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, nhà quản lý cùng những ý kiến tâm huyết từ các đại biểu, tọa đàm hôm nay sẽ mở ra những góc nhìn mới, đưa ra những đề xuất thiết thực để tín ngưỡng thờ Mẫu và Thiền Trúc Lâm không chỉ tiếp tục được bảo tồn mà còn có sức sống mạnh mẽ trong đời sống hiện đại, đóng góp vào sự phát triển văn hóa, du lịch của tỉnh Tuyên Quang nói riêng và cả nước nói chung”, bà Vũ Quỳnh Loan nhấn mạnh.
Nói về việc sự dung hợp giữa Tín ngưỡng thờ Mẫu và đạo Phật ở Việt Nam, GS.TS Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa cho rằng, Tín ngưỡng Thờ Mẫu là một trong những tín ngưỡng dân gian của người Việt. Mẫu, gọi theo tiếng Hán, là Mẹ. Các kết quả nghiên cứu về văn hóa dân gian cho thấy tục thờ Mẫu có từ rất xa xưa khi người Việt tôn thờ các thần linh thiên nhiên, các thần linh này được kết hợp lại trong khái niệm Thánh Mẫu, làm thần tượng với các quyền năng sinh sôi, bảo trợ và che chở cho con người.
Đạo Mẫu coi tự nhiên là một người mẹ và tôn thờ; đạo Mẫu mang cho con người sống ở trên đời này ba điều: Phúc – Lộc – Thọ. Đó là những ước muốn vĩnh hằng của con người; Đạo Mẫu thể hiện đậm nét chủ nghĩa yêu nước đã được tâm linh hóa, tín ngưỡng hóa. Điều này thể hiện rất rõ qua việc hầu hết khoảng 50 vị thần mà Đạo Mẫu tôn thờ là những nhân vật lịch sử có công với dân tộc hay đã được dân tộc lịch sử hóa; Đạo Mẫu là một tín ngưỡng đa văn hóa. Đây là một ý nghĩa duy nhất chỉ có ở tín ngưỡng của Việt Nam. Và quan trọng hơn, trong Đạo Mẫu không phân biệt dân tộc, đa số cũng như thiểu số, rất bình đẳng và luôn sẵn sàng mở cửa để tiếp nhận đa văn hóa.

GS.TS Trương Quốc Bình, nguyên Phó Cục trưởng Cục Di sản Văn hóa trình bày tham luận tại tọa đàm.
“Là một tín ngưỡng bản địa có xuất xứ từ lâu đời trong cộng đồng người Việt, qua tiếp biến với Đạo Giáo và Đạo Phật để không ngừng hoàn thiện, ăn sâu, bắt rễ vào đời sống dân gian, phản ánh nhận thức thế giới, có giá trị nhân sinh, giáo dục tinh thần yêu nước, gắn kết cộng đồng và chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, nghệ thuật độc đáo, tín ngưỡng thờ Mẫu đã trở thành một nhu cầu gần gũi, có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của một bộ phận quần chúng nhân dân. Dù đã trải qua những lúc thăng trầm, tín ngưỡng thờ Mẫu vẫn luôn tồn tại cùng lịch sử dân tộc” - GS.TS.Trương Quốc Bình nhấn mạnh.
Theo GS.TS.Trương Quốc Bình, để lành mạnh hóa các hoạt động thực hành tín ngưỡng Thờ Mẫu và Phật giáo hiện nay ở Việt Nam, chúng ta nên kiến nghị Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tiếp tục hướng dẫn các cơ sở tôn giáo của đạo Phật thực hiện đầy đủ những quy định của pháp luật và hướng dẫn của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Đồng thời kiến nghị với các cơ quan quản lý chuyên ngành của Nhà nước các cấp tiếp tục hướng dẫn và kiển tra việc thực hiện theo những quy định hiện hành của Luật Di sản văn hóa và Luật Tôn giáo tín ngưỡng nhằm bảo vệ và phát huy có hiệu quả kho tàng di sản văn hóa đặc sắc của cộng đồng các dân tộc Việt Nam.
Bảo vệ và phát huy kho tàng di sản văn hóa Việt Nam
Về vấn đề phát huy giá trị truyền thống của Thiền Trúc Lâm trong đời sống tín ngưỡng của người dân Tuyên Quang, Hòa thượng Thích Tâm Thuần cho rằng, Thiền phái Trúc Lâm là một Thiền phái Phật giáo thuần Việt, là một Thiền phái mang trong mình những giá trị văn hóa, đạo đức và lối sống ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống của người dân Việt Nam. Đặc biệt, đối với người dân Tuyên Quang, vùng đất giàu truyền thống lịch sử, Thiền Trúc Lâm đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tín ngưỡng.
Việc nghiên cứu, bảo tồn và phát huy giá trị của Thiền Trúc Lâm trong đời sống tín ngưỡng không chỉ giúp chúng ta hiểu rõ hơn về di sản văn hóa mà còn góp phần định hướng đạo đức, tâm linh cho thế hệ hôm nay và mai sau.

Ban chủ tọa điều hành tọa đàm với chủ đề “Phát huy giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm trong đời sống tín ngưỡng của người dân Tuyên Quang”.
“Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử chủ trương rằng với những ai có đầy đủ niềm tin và chánh kiến thì có thể đặt ra vấn đề nhập thế khi chưa triệt ngộ. Người tu dù sống trong đời, làm nhiều việc cho đời, nhưng do có chánh kiến nên biết cách giữ mình, không “quên mình theo vật”. Do vậy, dù chưa ngộ, họ vẫn không sống trái với đạo, là điều kiện để tiến trình xuất thế diễn ra cho đến khi triệt ngộ..." - Hòa thượng Thích Tâm Thuần nói thêm.
Theo Hòa thượng Thích Tâm Thuần, tỉnh Tuyên Quang như là một chiếc cầu nối giữa miền núi phía Bắc với trung du và đồng bằng, giữa vùng Đông Bắc và Tây Bắc, vì vậy Tuyên Quang là một tỉnh có nhiều dân tộc cư trú. Mỗi dân tộc đều có một cách sống, một cách sinh hoạt hay nói cách khác là một bản sắc riêng. Nhưng những người dân Tuyên Quang đều sống hòa hợp với nhau, đưa tỉnh nhà dần dần phát triển. Điều đó cho thấy rằng nhân dân Tuyên Quang đã thấm nhuần tư tưởng của đạo Phật, không còn cái “tôi”, cái “của tôi” nữa, mà mọi người đã buông bỏ đi những định kiến về dân tộc của mình, chỉ hướng về một chân lý là bất cứ dân tộc nào cũng đều là con người Việt Nam.
Xuyên suốt tọa đàm, lãnh đạo, khách mời cùng đưa ra tham luận, ý kiến cá nhân để đưa ra hướng đổi mới, giúp phát huy giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm trong đời sống tín ngưỡng của người dân tỉnh Tuyên Quang.

Quang cảnh buổi tọa đàm với chủ đề “Phát huy giá trị truyền thống của Đạo Mẫu và Thiền Trúc Lâm trong đời sống tín ngưỡng của người dân Tuyên Quang”.