Đời lụa
Nghề dệt lụa truyền thống đang ngày càng bị thu hẹp, do người tiêu dùng trong nước không thích ứng được giá cả cao, khó giặt, trong khi hàng may công nghiệp lại đa dạng mẫu mã, tiện lợi, giá rẻ hơn. Nhưng thực tế vẫn có những người dám đương đầu với khó khăn, dấn thân, giữ gìn nghề dệt lụa thủ công truyền thống, thậm chí đưa lên hàng nghệ thuật.
Giữ nghề, giữ cái tôi
Gặp gỡ vợ chồng anh Lê Đăng Toản, chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh ở làng dệt the La Khê (Hà Đông-Hà Nội), tôi thật sự bất ngờ trước tâm huyết của những người yêu và sống chết với nghề cha ông để lại. Làng La Khê đã lên phố hàng chục năm qua, người làng cũng đã bỏ nghề, nhưng vợ chồng anh thì không. Anh Toản tâm sự: “La Khê là ngôi làng từng phát triển rực rỡ về the ở Hà Đông và cả nước. Bản thân chúng tôi cũng có thể đi làm nghề khác, nhàn hơn, thu nhập cao hơn. Nhưng như thế thì tội cho nghề quá. Chúng tôi giữ nghề dệt the là giữ văn hóa, giữ cái tôi của mình”.

Vợ chồng anh Lê Đăng Toản là những người cuối cùng còn giữ nghề dệt the ở La Khê.
Anh Toản cho biết thêm, nếu ai cũng thấy khó mà dừng thì rất nhiều nét văn hóa bị mai một. Vì thế, vợ chồng anh vẫn giữ nhịp làm việc đều đặn và tháng 10/2024 đã có một cuộc triển lãm, giới thiệu the La Khê trước công chúng.
Lụa La Khê từng đi vào ca dao, như "The La, lĩnh Bưởi, chổi Phùng/ Lụa vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ Bôn", ý nói vải lụa the La Khê được nhắc tới là một trong những sản phẩm làng nghề đặc trưng. Trong tứ quý danh hương Mỗ - La - Canh - Cót thì "La" chính là làng cổ La Khê (nay thuộc địa phận phường La Khê, quận Hà Đông) nổi tiếng với nghề dệt the lụa.
Yêu làng, yêu nghề, chị Nguyễn Thị Thúy Quỳnh đã tìm hiểu về thời hoàng kim của làng, nên càng tự hào và muốn giữ nghề. La Khê được hình thành từ thế kỷ thứ 5, ban đầu làng có tên La Ninh ("La" là lụa, "Ninh" là sự thịnh vượng, lâu bền). Sang thế kỷ 15, làng La Ninh đổi tên thành La Khê (tức là làng dệt lụa bên dòng sông nhỏ). Ðến đầu thế kỷ 17, người Hoa ở vùng Lưỡng Quảng (Trung Quốc) di cư sang Việt Nam mang theo nghề dệt thủ công. Trong số đó, mười gia đình người Hoa đã đến lập nghiệp ở đất La Khê, đem nghề dệt the, sa nhuộm đen và công nghệ dạy lại cho dân làng. Thời đó, hầu hết dân làng La Khê đều sống bằng nghề canh cửi.
Anh Toản chia sẻ: “Dệt the rất tỉ mỉ, công phu thì ít có nghề nào bằng nghề. Phải mất 2-3 tháng mới dệt xong một mẫu lụa, thậm chí những mẫu hàng phức tạp phải mất nửa năm mới có thể dệt xong. Vẽ hoa để dệt được coi là công đoạn khó nhất của nghề bởi vì không chỉ là vẽ một bức tranh, người vẽ mẫu để dệt phải tính toán từng đường nét sao cho cân đối. Theo tôi, để thu hút người tiêu dùng, người làm lụa phải nâng lên tầm nghệ thuật”.
Một trong những điều làm nên sự khác biệt, khiến lụa La Khê khác với lụa tơ tằm của các nơi khác chính là bộ go võng tạo nên công nghệ dệt có sợi dọc mỗi hàng ngang lại được đan vặn xoắn, giúp lụa thoáng mát nhưng lại rất chặt mặt, không bị xô rạn. Chị Quỳnh vốn là thợ may. Chị rất hiểu công việc của chồng và việc làm của chồng rất có ý nghĩa. Tuy chị không trực tiếp tham gia vào các công đoạn dệt trên máy, nhưng là người ở bên, động viên, sáng tạo mẫu hoa văn mới để dệt the. Từng công đoạn của nghề từ go sợi, lên máy, dựng máy đến thăm go, sô nan và đục bìa (vẽ hoa để dệt) ở từng mẫu hàng như: the, sa, vân, xuyến, băng, là... chị thuộc làu làu.

Ông Trần Hữu Phương tâm huyết, gìn giữ nghề dệt lụa Mã Châu (Quảng Nam).
Với cá tính và lòng đam mê, không ít người đã tích cực gìn giữ nghề dệt truyền thống. Ở Quảng Nam có thể kể đến ông Trần Hữu Phương (thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, người đã và đang tích cực giữ trái tim làng lụa Mã Châu. Ở làng Nha Xá (Hà Nam) còn hơn chục nghệ nhân giữ nghề. Trong đó có anh Nguyễn Tiến Quảng, Phó giám đốc Hợp tác xã Du lịch sinh thái dệt lụa Hồng Tiến, Nha Xá. Hay nghệ nhân ưu tú Phan Thị Thuận (ở xã Phùng Xá, huyện Mỹ Đức, Hà Nội), ngoài gìn giữ nghề dệt truyền thống, bà đã trở thành người đầu tiên ở Việt Nam sản xuất thành công vải lụa từ tơ sen. Với mong muốn lưu giữ những tâm huyết và giá trị từ cây sen, bà Thuận luôn đau đáu để truyền nghề cho các thế hệ sau.
Không chịu bó gối ngồi yên
Nghề dệt lụa đòi hỏi sự tỉ mỉ, tinh tế nhưng lại có mức thu nhập không bằng làm công nhân. Bởi thế, trong dòng chảy của cuộc sống xô bồ, ngày càng ít người trẻ “ở lại” làng gắn bó với nghề của cha ông. Song, như đã chia sẻ, trong sự thôi thúc của tình yêu làng nghề, thực tế vẫn có những người không chịu bó gối, nhìn làng nghề mai một. Họ, giản dị, như những nghệ sĩ làng nghề, cần mẫn như đời tằm, bám làng và khao khát trở về thời thịnh vượng.
Phùng Xá (huyện Mỹ Đức) là làng lụa lâu đời, những năm qua tiếng tăm được gìn giữ bởi tâm huyết của nghệ nhân Phan Thị Thuận. Lớn lên bên khung cửi, với những nương dâu, nong kén nên tình yêu với nghề dệt đã theo bà từ tấm bé. Bà Thuận chia sẻ: “Tiếp nối truyền thống gia đình nhiều đời làm nghề, thuở lên 5 tôi đã được bố mẹ truyền dạy và chỉ bảo tận tình theo từng công đoạn nuôi tằm, lấy kén, ươm tơ… Khi đã lập gia đình tôi vẫn giữ nguyên tình yêu với lụa và phát triển cho đến tận bây giờ”.
Đến nay bà đã gặt hái nhiều thành công, khi các sản phẩm chăn bông tơ tằm tự dệt, khăn lụa tơ sen và khăn lụa tơ tằm của Công ty TNHH Dâu tằm tơ Mỹ Đức đã đạt sản phẩm OCOP 5 sao. Nhờ thế, nghề dệt không chỉ xây dựng được thương hiệu cho Phùng Xá mà còn tạo công ăn việc làm cho hàng trăm hộ dân.
Nhưng suốt hành trình đó, bà cũng trải qua không ít khó khăn. Song bà Thuận không chịu bó gối ngồi yên, mà liên tục sáng tạo. Còn nhớ, năm 2010 bà Thuận thành công với sáng kiến cho tằm tự dệt những thành phẩm tơ lụa đầu tiên. Chính từ đây, nhiều sản phẩm như: Chăn bông, gối cao cao cấp ra đời và được tiêu thụ ở nhiều quốc gia (Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Mỹ…). Chính sáng kiến này đã mang về cho bà rất nhiều phần thưởng cao quý và bà được ghi tên mình trong sách “Sáng tạo Việt Nam”. Không chỉ vậy, nghệ nhân Phan Thị Thuận còn là người Việt Nam đầu tiên dệt lụa từ tơ sen.
Bà Thuận chia sẻ: Năm 2016, một đại biểu quốc hội về Mỹ Đức tìm người cùng tham gia đề tài nghiên cứu dệt lụa từ tơ sen. Trong lòng bà vừa mừng vừa lo, vì đây chính là cơ hội cho bà thỏa sức sáng tạo và nếu thành công sẽ mang được hồn cốt của loài “quốc hoa” vào từng tấm lụa, mang đến khắp năm châu. Tuy nhiên, bà cũng có nhiều lo lắng vì sen không phải mùa nào cũng có và để lấy được tơ sen là một quá trình khó khăn và mất rất nhiều tâm sức.
Với quyết tâm và tình yêu với tơ lụa, nhất là với loài hoa cao quý, đến hết năm 2017, bà Thuận đã nghiên cứu thành công tơ sen và dệt được tơ sen vào tơ tằm. Cũng trong năm đó, tơ sen được nhà nước cho phép đưa vào đề tài nghiên cứu cấp quốc gia do GS.TS Nguyễn Duy Chuyên làm chủ nhiệm. Năm 2018, thước lụa đầu tiên được dệt từ 100% tơ sen đã được ra đời và đánh dấu thành công trong cuộc đời “se tơ dệt lụa” của bà Thuận.
Lụa Mã Châu (Quảng Nam) cũng từng có thời gian dài bị ảnh hưởng bởi cơ chế thị trường. Nhưng ông Trần Hữu Phương, Giám đốc Công ty TNHH Lụa Mã Châu đã hồi sinh nghề ươm tơ dệt lụa truyền thống Mã Châu. Tính đến Trần Thị Yến, người con gái ông Phương, gia đình đã có 19 đời làm nghề dệt lụa. Ông Phương từng ao ước sản phẩm đẹp của làng nghề không chỉ được tiêu thụ trong nước, mà phải được du khách quốc tế biết đến, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động địa phương. Vì thế, ông cùng con gái cũng như các nghệ nhân của làng, không ngừng sáng tạo, giới thiệu sản phẩm.
Năm 2019, lụa Mã Châu trở thành sản phẩm OCOP cấp tỉnh, tạo cơ hội thuận lợi tiếp cận thị trường. Từ chương trình OCOP, Công ty TNHH Lụa Mã Châu được hỗ trợ nâng cấp thiết bị sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, cải tiến mẫu mã, xây dựng mã vạch truy xuất nguồn gốc. Bình quân mỗi ngày, cơ sở sản xuất khoảng 30m lụa các loại và nỗ lực xây dựng chuỗi kênh bán lẻ sản phẩm, tích cực tham gia xúc tiến thương mại, hội chợ trưng bày, triển lãm, quảng bá sản phẩm qua mạng xã hội…
Chia sẻ về công việc, ông Phương tâm sự: “Nếu để làm giàu bằng nghề này thì sẽ có nhiều hướng đi khác nhanh và ít vất vả hơn. Tuy nhiên, tâm nguyện thật sự của tôi là xây dựng, cải tiến và phục hồi danh tiếng làng nghề truyền thống. Tôi cũng mong người dân làng Mã Châu cùng quay trở lại sống bằng nghề dệt lụa như xưa”.
Nguồn VNCA: https://vnca.cand.com.vn/doi-song-van-hoa/doi-lua-i759718/