Phát huy giá trị văn hóa các dân tộc

Ban Tuyên giáo Trung ương vừa tổ chức hội thảo về phát huy những giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc, tôn giáo. Tại Khánh Hòa, bên cạnh việc nhìn nhận những kết quả đã đạt được, các đại biểu cũng đã chỉ ra những khó khăn trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn, từ đó đề xuất nhiều giải pháp để tiếp tục phát huy trong thời gian tới.

Dành nhiều sự quan tâm

Ông Lê Hữu Thọ - Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy: Nhận thức được những giá trị cốt lõi và nguồn lực mà đồng bào các dân tộc mang lại, tỉnh luôn xem công tác dân tộc là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị. Sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể chính trị - xã hội đối với công tác tuyên truyền, vận động nhân dân ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số giữ gìn văn hóa truyền thống, phong tục tập quán; xây dựng, phát huy vai trò cốt cán là người có uy tín trong đồng bào; phát động các phong trào thi đua yêu nước, xây dựng nông thôn mới, gia đình văn hóa, làng, xã văn hóa… là điều kiện quan trọng để Khánh Hòa củng cố và phát huy các giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.

Những năm qua, công tác gìn giữ, phát huy giá trị văn hóa các dân tộc đã được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm và đạt được nhiều kết quả khả quan. Điển hình là huyện Khánh Sơn đã phục dựng lễ bỏ mả của đồng bào Raglai và được công nhận di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia; nhiều loại hình văn hóa dân gian truyền thống được duy trì thông qua các hội diễn nghệ thuật quần chúng, liên hoan các làn điệu dân ca Raglai, ngày văn hóa các dân tộc, hội thi tìm hiểu di sản văn hóa… Trong đó, huyện tập trung tái hiện các lễ hội truyền thống, như: Lễ ăn mừng lúa mới; lễ cưới; lễ tạ ơn… Năm 2021, huyện đã hoàn thành việc chế tác 10 bộ đàn đá; năm 2022, mở các lớp học sử dụng đàn đá cho thanh niên địa phương. Huyện cũng đang sưu tầm, trưng bày hơn 100 hiện vật mang giá trị văn hóa, lịch sử của đồng bào Raglai, gồm: đàn đá, đàn chapi, mã la, dụng cụ lao động - sinh hoạt…; khuyến khích và tạo điều kiện cho các nghệ nhân hát, kể các làn điệu dân ca, sử thi, biểu diễn nhạc cụ truyền thống.

Theo ông Đặng Quốc Văn - Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, từ năm 2017 đến 2022, Sở Văn hóa và Thể thao đã xây dựng kế hoạch tu bổ, chống xuống cấp đối với hơn 60 di tích, trong đó đã thực hiện tu bổ, tôn tạo 30 di tích với kinh phí hơn 35 tỷ đồng từ nguồn thu hoạt động du lịch ở các di tích lịch sử, văn hóa, danh lam thắng cảnh…

Cần những giải pháp đồng bộ

Tuy nhiên, công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa trên địa bàn tỉnh còn gặp những khó khăn, như: Hạn chế về nguồn kinh phí tu bổ, tôn tạo; một số loại hình di sản văn hóa phi vật thể đối diện với nguy cơ mai một, nhất là nghệ thuật truyền thống; việc khai thác giá trị di sản văn hóa vào du lịch chỉ mới tập trung ở di tích Tháp Bà Ponagar và danh thắng Hòn Chồng, các di tích, danh thắng khác đang ở dạng tiềm năng…

Biểu diễn văn nghệ trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh minh họa

Biểu diễn văn nghệ trong Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam. Ảnh minh họa

Tại hội thảo, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp để tiếp tục phát huy giá trị văn hóa các dân tộc trong giai đoạn hiện nay. Bà Nguyễn Thị Thu Hoài - Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền (Ban Tuyên giáo Trung ương) nhìn nhận, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của tỉnh Khánh Hòa đã gắn kết, góp phần trong việc quảng bá, đa dạng các sản phẩm phục vụ du lịch trên địa bàn tỉnh. Việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa lễ hội của các dân tộc, gìn giữ trang phục, tiếng nói, phong cách ẩm thực… của các dân tộc đều được chú trọng. Để công tác này đạt hiệu quả cao hơn, cần tăng cường tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, của tỉnh về phát triển nền văn hóa dân tộc, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tích cực của các dân tộc; giáo dục cho mọi tầng lớp nhân dân trong tỉnh hiểu rõ giá trị di sản văn hóa của địa phương mình, từ đó khơi dậy tình yêu, niềm tự hào và trách nhiệm gìn giữ những di sản văn hóa...

Ông Đặng Quốc Văn cho biết, thời gian tới, ngành Văn hóa tỉnh tập trung nghiên cứu, nhận diện, làm rõ giá trị các di sản văn hóa; xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách thu hút, huy động các nguồn lực quản lý, sử dụng, thực hiện công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa; thực hiện tốt công tác tôn tạo các di tích lịch sử, văn hóa tiêu biểu, phát huy giá trị văn hóa mang đậm bản sắc Khánh Hòa; chú trọng giải quyết hợp lý, bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội…

Giang Đình

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202212/phat-huy-gia-tri-van-hoa-cac-dan-toc-8273904/