Phát huy 'sức mạnh nội sinh' trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc
Văn hóa còn thì dân tộc còn, văn hóa mất thì dân tộc mất! Đó là bài học kinh nghiệm sâu sắc được các thế hệ ông cha đúc kết từ chính lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Văn hóa luôn được xác định là hồn cốt, là sức mạnh nội sinh của dân tộc. Trong bối cảnh đất nước đang chuyển mình, chuẩn bị cho sự vươn lên mạnh mẽ trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa không chỉ là cách để khẳng định 'cái tôi' của dân tộc Việt Nam mà còn là động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển kinh tế, xã hội.
Ðiểm tựa vững chắc bước vào kỷ nguyên mới
Bàn về vai trò của văn hóa đối với dân tộc, Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”! Văn hóa là tấm thẻ “căn cước” khẳng định sự hiện diện, tồn tại, chất riêng của quốc gia trong dòng chảy thời đại và đồng thời cũng là nguồn “sức mạnh mềm” chi phối, tác động đến mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Như cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng luận giải: “Văn hóa là một phạm trù rất rộng, có thể được hiểu dưới nhiều góc độ khác nhau với nhiều cách tiếp cận khác nhau, rất phong phú, đa dạng… Nhưng dù theo nghĩa rộng hay nghĩa hẹp thì khi đã nói đến văn hóa là nói đến những gì là tinh hoa, tinh túy nhất, được chưng cất, kết tinh, hun đúc thành những giá trị tốt đẹp, cao thượng, đặc sắc nhất, rất nhân văn, nhân ái, nhân nghĩa, nhân tình, tiến bộ”. Trong suốt chiều dài lịch sử hàng ngàn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc nói chung và chặng đường 95 năm Đảng ta đồng hành cùng dân tộc nói riêng, có thể thấy dù ở thời đại nào, bối cảnh nào, văn hóa cũng luôn là một trong những yếu tố quyết định trực tiếp đến sự phát triển của đất nước.
Sau 3 năm kể từ Hội nghị Văn hóa toàn quốc 2021, đời sống văn hóa ở nước ta tiếp tục có những bước tiến quan trọng, góp phần vào sự phát triển chung của đất nước. 2024 là một năm nhộn nhịp của ngành văn hóa Việt Nam. Chuỗi sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ; sự đón nhận nồng nhiệt của du khách với Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam; chương trình nhạc hội “Anh trai vượt ngàn chông gai”, “Anh trai say hi”, các lễ hội âm nhạc, festival văn hóa, du lịch được tổ chức ở nhiều địa phương; sự thành công của các bộ phim “Đào, Phở và Piano”, “Lật mặt”… Đó là một vài lát cắt nhỏ trong bức tranh vô cùng phong phú, đa dạng, tươi sáng của đời sống văn hóa nước nhà. Cùng với sự tiến bộ trong tư duy, năng lực tổ chức các sự kiện văn hóa, nền công nghiệp văn hóa của Việt Nam cũng đang có những bước đột phá quan trọng, mang lại những lợi ích kinh tế lớn, trở thành động lực thúc đẩy tăng trưởng của nhiều địa phương.
Văn hóa đã trở thành cầu nối giữa quá khứ với hiện tại, giữa các thế hệ hôm qua với thế hệ hôm nay và mãi mãi về sau; là phương tiện để truyền tải và nuôi dưỡng lòng yêu nước, tinh thần tự tôn dân tộc. Một điều đáng mừng và cũng đáng tự hào là các giá trị văn hóa truyền thống đang được khai thác, hòa quyện cùng hơi thở thời đại. Nhiều người trẻ đã tự ý thức về trách nhiệm của bản thân trong việc gìn giữ những nét đẹp truyền thống, trở thành sứ giả văn hóa đưa nét đẹp Việt Nam ngày càng vươn xa. Cùng với đó, thông qua các phương tiện truyền thông, nhất là mạng xã hội, những nét đặc sắc văn hóa của từng vùng miền, từng dân tộc trong cộng đồng các dân tộc Việt Nam đã được lan tỏa, chia sẻ rộng rãi, mang lại sức hút lớn cho du khách trong và ngoài nước.
Ở khía cạnh thể chế, nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ và toàn diện trong phát triển văn hóa cũng như xây dựng nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam… cuối tháng 11-2024, Quốc hội đã chính thức thông qua nghị quyết phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035. Trong đó, đã đặt ra các mục tiêu cụ thể về xây dựng hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị con người, hệ giá trị gia đình Việt Nam; xây dựng, vận hành hệ thống thiết chế văn hóa địa phương; tôn tạo, tu bổ di tích văn hóa; phát triển công nghiệp văn hóa; chuyển đổi số trong hoạt động văn hóa; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ làm văn hóa và văn nghệ sĩ; tổ chức các sự kiện văn hóa và sáng tác, công bố, phổ biến các tác phẩm, công trình văn học, nghệ thuật, điện ảnh, lý luận phê bình văn học, nghệ thuật. Để đạt được các mục tiêu đề ra, Quốc hội quyết định đầu tư tối thiểu 122.250 tỷ đồng (gồm 63% vốn ngân sách Trung ương, 24,6% vốn ngân sách địa phương và 12,4% nguồn vốn khác) thực hiện chương trình trong giai đoạn 2025-2030. Cũng trong năm qua, Chính phủ đã ban hành 2 quy hoạch về mạng lưới cơ sở văn hóa và thể thao thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 và về hệ thống du lịch thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045. Đây là những tiền đề quan trọng để văn hóa “cất cánh”, “vươn mình”, có sự phát triển xứng tầm trong kỷ nguyên mới.
Phát huy “sức mạnh nội sinh”
Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc Việt Nam được xác định là kỷ nguyên của sự phát triển, kỷ nguyên của sự giàu mạnh. Một trong những nhiệm vụ quan trọng để đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới là khơi dậy mạnh mẽ hào khí dân tộc, tinh thần tự chủ, tự tin, tự lực, tự cường, tự hào dân tộc, khát vọng phát triển đất nước. Cùng với những thời cơ, thuận lợi, trong bối cảnh đất nước hội nhập ngày càng sâu rộng và toàn diện vào nền chính trị thế giới, nền kinh tế toàn cầu, nền văn minh nhân loại, chúng ta cũng phải đối diện với không ít khó khăn, thách thức. Đó là sự mâu thuẫn giữa mục tiêu và nguồn lực trong phát triển văn hóa. Đó là nguy cơ mai một, đánh mất chính mình giữa làn sóng “xâm lăng văn hóa”. Đó là sự gia tăng của những sản phẩm có nội dung lệch lạc, phi văn hóa, chạy theo thị hiếu tầm thường… Tuy nhiên, với sự chung sức, đồng lòng của toàn hệ thống chính trị, dưới sự lãnh đạo của Đảng, chắc chắn nước ta sẽ tiếp tục có những bước tiến lớn trong sự nghiệp xây dựng, phát triển và bảo vệ Tổ quốc. Việc phát triển văn hóa là cơ sở để chúng ta đứng vững giữa một thế giới đầy biến động và cũng là động lực để thúc đẩy sự phát triển toàn diện của đời sống xã hội.
2025 là năm đầu tiên triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa giai đoạn 2025-2035, là năm tạo đà để đất nước bước vào kỷ nguyên mới và cũng là năm diễn ra nhiều sự kiện kỷ niệm quan trọng của quốc gia. Với những điểm nghẽn về thể chế đang được khơi thông, chúng ta hoàn toàn có quyền kỳ vọng vào sự phát triển đột phá của văn hóa trong thời gian tới!.