Phát thải cao, doanh nghiệp Việt xuất EU sẽ phải mua 100-150 Euro mỗi tín chỉ carbon

Nội dung này được ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, thông tin tại diễn đàn 'Nhà quản lý - Nhà báo - Doanh nghiệp với Tài nguyên và Môi trường', diễn ra ngày 27/6.

Không tuân thủ quy định sẽ bị loại khỏi thị trường

Theo ông Nguyễn Đình Thọ, tỷ lệ để cải thiện kinh tế xanh của Việt Nam đang đứng ở vị trí 29/160; còn chỉ số tăng trưởng xanh là 73/245 so với toàn cầu và 16/50 ở khu vực châu Á. Chỉ số tương lai xanh ở vị trí 53/76 và 9/16 ở khu vực châu Á.

Với con số trên, ông Thọ nhấn mạnh, kinh tế xanh ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn.

Dẫn thực tế, quy mô nền kinh tế xanh đang là 6,7 tỷ USD, tương đương 2% GDP (năm 2020); tốc độ tăng trưởng kinh tế xanh đạt khoảng 10-12%/năm và quy mô khoảng 4-4,5% kinh tế quốc dân… theo ông Thọ, kinh tế "nâu" vẫn chiếm tỷ trọng lớn, tới 95% quy mô nền kinh tế. Do đó, chuyển đổi thành kinh tế xanh là yêu cầu bắt buộc không chỉ trên thế giới mà cả Việt Nam.

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Hồng Hạnh.

Ông Nguyễn Đình Thọ, Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên và môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường. Ảnh: Hồng Hạnh.

Trên thế giới, nhiều nước đã đưa ra các quy định khắt khe để thực hiện kinh tế xanh, ông Thọ lưu ý các quy định mà châu Âu đang thực hiện.

Hiện châu Âu đã áp dụng cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) từ tháng 10 năm ngoái. Từ năm 2026, các doanh nghiệp Việt xuất khẩu vào châu Âu trong 4 lĩnh vực liên quan đến thép, nhôm, phân bón và xi măng, sẽ phải có được chứng nhận CBAM.

Theo ông Nguyễn Đình Thọ, với chứng chỉ CBAM đó, nếu phát thải của doanh nghiệp Việt cao hơn các doanh nghiệp châu Âu thì chúng ta sẽ phải mua tín chỉ carbon từ châu Âu với mức giá khoảng 100-150 Euro.

"Xuất khẩu hiện nay đã khác trước đây, các doanh nghiệp không thực hiện hoặc không tuân thủ quy định thì sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường và không tham gia thị trường, chứ không tùy thuộc vào quá trình phát triển", ông Thọ nói.

Nói thêm về CBAM, ông Erick Contreras, đồng Chủ tịch tiểu ban tăng trưởng xanh của Eurocham, Tổng giám đốc BASF cho rằng, cơ chế này ảnh hưởng đáng kể đến một số ngành công nghiệp then chốt của Việt Nam như thép và nhôm khi xuất khẩu sang EU.

Bắt đầu từ năm 2026, các doanh nghiệp trong nhóm ngành này sẽ cần phải mua giấy chứng nhận CBAM. Ngoài ra, phạm vi áp dụng của CBAM cũng sẽ liên quan tới các ngành nghề khác, vô hình trung sẽ tạo ra các rào cản thương mai.

Trong khi đó, thị trường carbon trong nước dự kiến triển khai trong năm 2028. Vì thế, ông Erick Contreras nhận định, các công ty xuất khẩu Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi xác định số lượng giấy chứng nhận CBAM cần thiết để tuân theo quy định.

Theo kế hoạch, năm 2025 Việt Nam sẽ thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, dự kiến vận hành chính thức vào năm 2028 (Ảnh minh họa).

Theo kế hoạch, năm 2025 Việt Nam sẽ thí điểm sàn giao dịch tín chỉ carbon, dự kiến vận hành chính thức vào năm 2028 (Ảnh minh họa).

Bỏ tư duy lập báo cáo "kiểu từ thiện"

Ông Lê Xuân Nghĩa, Viện trưởng Viện Tư vấn phát triển tài chính carbon (CODE) cũng thừa nhận, doanh nghiệp đang loay hoay trong việc báo cáo phát thải khí nhà kính.

"Hiện có khoảng 100 doanh nghiệp lập báo cáo nhưng chỉ "báo cáo cho nhau nghe" mà chưa kiểm toán. Khó khăn ở chỗ thực hiện các khâu báo cáo cho nguyên liệu đầu vào nhập khẩu", ông Nghĩa phân trần, kể cả doanh nghiệp lớn cũng gặp khó khăn.

Cho rằng các nghị định hiện hành đã quy định chi tiết việc lập báo cáo, ông Nghĩa mong muốn doanh nghiệp phải chủ động trong việc tiếp nhận và xử lý thông tin.

Về việc này, PGS.TS Nguyễn Đình Thọ cho hay, các doanh nghiệp phải báo cáo giảm phát thải theo đúng các tiêu chuẩn hiện hành trên thế giới. Hiện đã có 150 nước áp dụng theo các tiêu chuẩn đã công bố.

Để làm được báo cáo này, ông Thọ cũng nói thẳng, chúng ta cần bỏ tư duy báo cáo trước đây - kiểu từ thiện. Có thể hiểu, chúng ta không trồng cây xanh theo cách thức thể hiện lương tâm trách nhiệm của doanh nghiệp mà chúng ta phải thực hiện các yêu cầu để đảm bảo tuân thủ quy định.

Còn đại diện Eurocham dành lời khuyên, các công ty Việt Nam nên áp dụng bài học kinh nghiệm có được và trao đổi thực tiễn với các nhà đầu tư nước ngoài (FDI), các tổ chức quốc tế, các hiệp hội doanh nghiệp và thương mại, bởi việc này giúp họ có thể tránh được những rủi ro thường gặp và giảm khó khăn…

Nên ưu tiên mạng lưới giao thông công cộng sử dụng xe điện

Tuy nhiên, vị này cũng cho rằng, bên cạnh nỗ lực của doanh nghiệp thì cũng cần Chính phủ Việt Nam gỡ bỏ rào cản đồng thời làm rõ các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp đầu tư và triển khai dự án năng lượng tái tạo và kinh tế tuần hoàn. Ví dụ như điện mặt trời áp mái, trang trại gió, quản lý chất thải và cơ sở tái chế nguyên vật liệu…

Bên cạnh đó, Chính phủ Việt Nam nên ưu tiên và đẩy mạnh đầu tư vào các hạ tầng công cộng trọng điểm. Các hạng mục ưu tiên đầu tư bao gồm: điện lưới và các kết nối hỗ trợ, cơ sở tái chế và xử lý chất thải, mạng lưới giao thông công cộng sử dụng xe điện và xe buýt điện...

Đặc biệt, theo ông Erick Contreras, Chính phủ nên cân nhắc việc ưu đãi thuế hoặc giảm lãi suất cho vay đối với các dự án tăng trưởng xanh đang góp phần vào mục tiêu Net Zero của Việt Nam.

Đồng thời, chú trọng nâng cao nhận thức và phát triển năng lực liên quan chủ đề bền vững và ESG (môi trường - xã hội - quản trị) đối với cộng đồng tại Việt Nam và có thể tận dụng sự hỗ trợ từ các tổ chức quốc tế.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/phat-thai-cao-doanh-nghiep-viet-xuat-eu-se-phai-mua-100-150-euro-moi-tin-chi-carbon-192240627122534705.htm