Phát triển chuỗi giá trị từ sản xuất đến xuất khẩu
Phát biểu tại Diễn đàn Xúc tiến thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ tổ chức tại TPHCM, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến cho biết, các sản phẩm nông sản Việt Nam ngày càng thâm nhập sâu vào thị trường quốc tế.
Thực tế cho thấy, khoa học công nghệ đã góp phần quan trọng giúp tăng năng suất, sản lượng và chất lượng nông sản. Tới nay, Việt Nam đã là cường quốc xuất khẩu nông sản. Theo TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, cơ hội đối với nông sản Việt Nam xuất khẩu nói chung, với thị trường Mỹ nói riêng là rất lớn. Đặc biệt, với 2 triệu người Mỹ gốc Việt thì đây sẽ là những bạn hàng hết sức thiện chí đối với hàng hóa nông sản Việt Nam.
Tuy nhiên, theo ông Doanh, doanh nghiệp (DN) Việt Nam cần hợp tác thẳng thắn, công khai minh bạch với các DN Mỹ để nâng cao giá trị gia tăng, sẽ có lợi hơn. Đồng thời, xem xét kĩ luật pháp, các điều kiện về xanh, sạch, môi trường, tái chế, chất thải, các điều kiện về sở hữu trí tuệ... trong bối cảnh Mỹ gia tăng tần suất các vụ việc điều tra phòng vệ thương mại đối với hàng hóa nhập khẩu.
“Chúng ta phải hết sức cảnh giác, không nên vì dễ dàng, thấy đây là thị trường béo bở, cứ thế xuất sang càng nhiều càng tốt, lấn át thị phần các DN của họ thì sẽ rất dễ bị “tuýt còi”, gây khó khăn cho việc xuất khẩu. Cho nên, phải tìm cách chế biến sâu, kết nối với các DN Mỹ, gắn thương hiệu của mình với thương hiệu của họ để chia phần lợi ích đối với họ. Lúc bấy giờ mình xuất khẩu càng nhiều thì họ càng ủng hộ và không gặp khó khăn” - ông Doanh khuyến nghị.
Trong khi đó, theo TS Nguyễn Văn Hội - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược, chính sách công thương (Bộ Công thương), bên cạnh những thành tựu đạt được thì sự chủ động hội nhập của ngành nông sản chưa được như kỳ vọng. Mức độ sẵn sàng cho hội nhập của các DN xuất khẩu nông sản của Việt Nam còn khiêm tốn. Việc khai thác cơ hội từ hội nhập kinh tế quốc tế, thực thi cam kết trong các hiệp định thương mại tự do (FTA) cho phát triển thị trường xuất khẩu nông sản thời gian qua chưa đạt hiệu quả như mong muốn.
Ông Hội cũng cho rằng, việc xây dựng và triển khai thực hiện các chiến lược, chính sách, quy hoạch phát triển các ngành cần phù hợp hơn, tiếp cận sát với nhu cầu của các DN xuất khẩu nông sản. Cần có cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển xuất khẩu nông sản của Việt Nam theo chiều sâu, tập trung khuyến khích ứng dụng công nghệ và đổi mới sáng tạo để tăng cường năng lực xuất khẩu cho ngành nông sản Việt Nam.
Từ đó ông Hội đề xuất, để tăng năng lực xuất khẩu nông sản Việt Nam trong thời gian tới cần cơ cấu lại các mặt hàng nông sản gắn với thực hiện chuyển đổi số, đặc biệt các mặt hàng cần chế biến sâu nhằm tạo sự bứt phá và động lực mới cho tăng trưởng xuất khẩu nông sản. Đồng thời, tăng cường công tác điều phối phát triển xuất khẩu nông sản theo vùng, lãnh thổ, nâng cao hiệu quả liên kết vùng góp phần hình thành các cụm liên kết, các chuỗi giá trị nhằm tận dụng lợi thế tại một số địa phương, vùng kinh tế.
Mặt khác, tiếp tục tháo gỡ các rào cản về hệ thống luật pháp và chính sách kinh tế, tài chính đối với hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, khuyến khích các dự án, nghiên cứu về sản xuất và xuất khẩu các mặt hàng nông sản thân thiện với môi trường, có hàm lượng đổi mới sáng tạo cao. Đẩy mạnh triển khai kế hoạch tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với thực hiện chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, phát triển nền sản xuất xanh sạch, bền vững, phát triển du lịch và ẩm thực.
“Cần tăng cường liên kết, phát huy vai trò của tổ chức của nông dân (tổ hợp tác, hợp tác xã nông nghiệp) trong việc phát triển chuỗi giá trị sản phẩm từ sản xuất, thu mua, bảo quản, chế biến đến tiếp cận thị trường, bảo đảm hài hòa lợi ích giữa các khâu sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản” - ông Hội nói.
Như vậy, ý kiến đại diện chuyên gia cũng như nhà quản lý đều cho thấy mặc dù chúng ta có những lợi thế về xuất khẩu nông sản nhưng vẫn rất cần “cú hích” mới. “Cú hích” đó phải đến từ việc mở rộng thị trường xuất khẩu, tổ chức lại sản xuất theo lối chuyên canh, vai trò của của địa phương, vai trò của DN cũng như việc chủ động áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất của người nông dân.
Đặc biệt, nông nghiệp nước nhà cần thoát hẳn phương thức sản xuất cũ, manh mún, mà phải liên kết thành một chuỗi giá trị. Muốn vượt sóng gió đại dương ra biển lớn thì cần những con tàu chắc, công suất lớn và tất cả phải cùng nhìn về một hướng.