Phát triển công nghiệp công nghệ số thành ngành kinh tế trọng điểm

Phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu liên quan đến Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV ngày 9/5, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh: Dự thảo Luật đề ra bốn mục tiêu lớn, trong đó phát triển công nghiệp công nghệ số thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu. (Ảnh: NHẬT BẮC)

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu nêu. (Ảnh: NHẬT BẮC)

Tạo hành lang pháp lý cho các công nghiệp chiến lược

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số không chỉ là bước đi quan trọng nhằm hoàn thiện khung pháp lý cho một ngành công nghiệp mới nổi, mà còn góp phần thể chế hóa kịp thời các chủ trương lớn của Đảng về đổi mới sáng tạo, thúc đẩy phát triển doanh nghiệp công nghệ số, đồng thời tạo nền tảng cho Việt Nam hội nhập sâu rộng vào xu thế công nghệ toàn cầu.

Theo Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng, Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số mang kỳ vọng trở thành cú hích mạnh mẽ thúc đẩy hình thành một ngành công nghiệp mới, vừa có giá trị kinh tế cao, vừa là động lực nội sinh cho chuyển đổi số quốc gia.

Dự thảo Luật đề ra bốn mục tiêu lớn: Phát triển công nghiệp công nghệ số thành một trong những ngành kinh tế trọng điểm, đóng góp lớn vào GDP; hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp công nghệ số nội địa, chuyển dịch từ gia công sang làm chủ công nghệ lõi, tích hợp, sản xuất và sáng tạo; đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp công nghệ số hiện đại, đồng bộ, thúc đẩy các tiến trình chuyển đổi số trong toàn xã hội; thu hút và phát triển đội ngũ nhân lực công nghệ số chất lượng cao, kết nối nhân tài trong và ngoài nước.

Đáng chú ý, dự thảo đã thể chế hóa các chủ trương lớn được nêu tại Nghị quyết số 57-NQ/TW và Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. Các nội dung cốt lõi gồm: Cơ chế ưu đãi doanh nghiệp công nghệ số; phát triển hạ tầng số dùng chung; khuyến khích khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; đào tạo nhân tài và thử nghiệm công nghệ có kiểm soát.

Dự thảo Luật đưa ra các chính sách ưu đãi mang tính hệ thống, bao trùm toàn bộ chuỗi phát triển ngành gồm hỗ trợ tài chính, hạ tầng, thuế doanh nghiệp và thuế xuất nhập khẩu, đất đai và thủ tục hải quan; khuyến khích đầu tư đào tạo, miễn giấy phép lao động, cấp visa 5 năm, học bổng và ưu đãi thuế thu nhập cá nhân cho chuyên gia; hỗ trợ đầu tư nghiên cứu, chi phí đầu tư vào cơ sở nghiên cứu được tính vào chi phí trừ thuế. Nhà nước đầu tư các hạ tầng thiết yếu, khuyến khích tư nhân xây dựng hạ tầng công nghệ số và phát triển các khu công nghệ tập trung. Hỗ trợ mở rộng thị trường sản phẩm công nghệ số, đặc biệt ưu đãi trong thuê/mua sắm sản phẩm bằng vốn ngân sách nhà nước.

Trong đó, ngành công nghiệp bán dẫn được xác định là lĩnh vực chiến lược sẽ được hưởng các chính sách ưu đãi riêng biệt, tạo lợi thế cạnh tranh và nắm bắt thời cơ dịch chuyển chuỗi giá trị toàn cầu. Đây là bước đi thể hiện rõ sự chủ động của Việt Nam trong việc đón đầu cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư.

Quản lý tài sản số, AI lần đầu tiên đưa vào dự thảo Luật

Một điểm mới nổi bật trong dự thảo Luật là việc chính thức đưa trí tuệ nhân tạo (AI) vào nội dung điều chỉnh của pháp luật. AI được xác định là công cụ đột phá nâng cao năng suất và năng lực cạnh tranh quốc gia. Tuy nhiên, đây vẫn là lĩnh vực tiềm ẩn nhiều rủi ro và còn chưa có nhiều mô hình pháp lý hoàn chỉnh trên thế giới. Vì vậy, dự thảo đã lựa chọn hướng tiếp cận nguyên tắc, “mềm dẻo” quy định khung trong luật, đồng thời Chính phủ sẽ ban hành các quy định chi tiết phù hợp thực tiễn.

Song song đó, dự thảo cũng lần đầu tiên đưa ra các nguyên tắc quản lý tài sản số, lĩnh vực còn rất mới và phức tạp. Các quy định bước đầu xoay quanh định nghĩa, phân loại và nội dung quản lý tài sản số theo hướng linh hoạt. Chính phủ sẽ quy định cụ thể theo từng lĩnh vực chuyên ngành. Đây là tiền đề quan trọng để quản lý hiệu quả, đồng thời phát triển thị trường tài sản số trong nước.

Dự án Luật xác lập rõ cơ chế thử nghiệm có kiểm soát (sandbox) đối với sản phẩm, dịch vụ ứng dụng công nghệ số. Cơ chế này bao gồm các quy định về nguyên tắc triển khai, tiêu chí lựa chọn, thẩm quyền, trách nhiệm pháp lý, quyền lợi của người dùng, và miễn trừ trách nhiệm đối với các rủi ro khách quan trong thử nghiệm.

Để bảo đảm tính đồng bộ pháp luật, Chính phủ đang chỉ đạo Bộ Khoa học và Công nghệ nghiên cứu khả năng quy định khung cơ chế sandbox tại Luật Khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo, từ đó Chính phủ quy định chi tiết phù hợp với từng ngành, từng lĩnh vực.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, trên cơ sở ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội tại Hội trường, Chính phủ sẽ tiếp tục hoàn thiện Dự thảo Luật Công nghiệp công nghệ số một cách kỹ lưỡng, toàn diện, bảo đảm điều kiện để trình thông qua ngay trong Kỳ họp thứ 9 này.

Luật Công nghiệp công nghệ số không chỉ là một đạo luật ngành, mà còn là đòn bẩy thể chế cho quá trình chuyển đổi số quốc gia. Đây là thời điểm vàng để Việt Nam xây dựng được nền tảng pháp lý chủ động, mở đường cho doanh nghiệp công nghệ trong nước phát triển vững chắc, hội nhập sâu rộng và góp phần tạo dựng vị thế mới của Việt Nam trong kỷ nguyên số.

BÍCH LIÊN

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/phat-trien-cong-nghiep-cong-nghe-so-thanh-nganh-kinh-te-trong-diem-post878615.html