Các ngành và địa phương đang thực hiện các giải pháp cụ thể thực hiện mục tiêu Nghị quyết Đại hội (NQĐH) Đảng bộ tỉnh lần thứ XVII, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ đô thị hóa (ĐTH) của tỉnh đạt 38%, tập trung vào các giải pháp quy hoạch, quản lý quy hoạch, huy động nguồn lực đầu tư kết cấu hạ tầng các dự án, công trình trọng điểm, phát triển công nghiệp dịch vụ gắn với phát triển đô thị, phát triển đô thị gắn với nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Một góc khu trung tâm thương mại bờ trái sông Đà, TP Hòa Bình. Với xuất phát điểm thấp, tỷ lệ đô thị của tỉnh thấp hơn mức bình quân của cả nước, những năm qua, tỉnh đã thực hiện các giải pháp nâng cao tỷ lệ ĐTH và đạt được những kết quả bước đầu. Hết năm 2020, tỷ lệ ĐTH của tỉnh đạt 28,69%, vượt chỉ tiêu NQĐH Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI. Năm 2021, tỷ lệ ĐTH của tỉnh đạt 31,6%. Theo chỉ đạo của tỉnh, các địa phương đang thực hiện công tác quy hoạch, từ đó tích hợp đồng bộ với quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 trình Thủ tướng phê duyệt. Trong quy hoạch xác định định hướng không gian phát triển đô thị, phát triển các ngành, lĩnh vực trên cơ sở khai thác tiềm năng, lợi thế riêng có, từ đó thu hút các nguồn lực đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng đô thị, thương mại, dịch vụ, bước đầu thực hiện có những kết quả khả quan. Lạc Sơn là huyện rộng, dân đông, chủ yếu sống ở vùng nông thôn, tỷ lệ ĐTH chỉ đạt 8,65% (năm 2020). Huyện tập trung chỉ đạo các giải pháp phát triển đô thị, phấn đấu đến năm 2025, tỷ lệ ĐTH toàn huyện đạt 15%, đến năm 2030 đạt 25%, phát triển các đô thị thị trấn Vụ Bản, Mường Vó và Mường Khói theo các cấp đô thị. Bí thư Huyện ủy Nguyễn Ngọc Điệp cho biết: Huyện ủy đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển đô thị, UBND huyện đã phê duyệt kế hoạch, đề án để lãnh đạo, chỉ đạo các giải pháp cụ thể phát triển đô thị theo lộ trình. Bên cạnh đó, huyện đẩy mạnh các giải pháp huy động nguồn lực tập trung phát triển thị trấn Vụ Bản; xây dựng và phát triển các trung tâm xã, các thị tứ trên QL12B, đường Hồ Chí Minh, tuyến C, dần hình thành mạng lưới đô thị của huyện nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển KT-XH, giao thương hàng hóa và phục vụ nhu cầu của người dân. Huyện khởi động một số dự án trọng điểm như: Đường từ thị trấn Vụ Bản vào khu vực Đồi Thung, xã Quý Hòa; đường kết nối đường Hồ Chí Minh với các khu vực dành cho phát triển công nghiệp, hỗ trợ nhà đầu tư triển khai nhanh các dự án tạo chuyển dịch cơ cấu kinh tế bền vững. Diện mạo hạ tầng, hoạt động thương mại, dịch vụ được đầu tư, nâng cấp, cải tạo, đời sống Nhân dân thay đổi rõ rệt. Là vùng trọng điểm kinh tế của tỉnh, huyện Lương Sơn phối hợp các đơn vị liên quan triển khai Nghị quyết số 10-NQ/TU, ngày 21/12/2021 của BTV Tỉnh ủy về huy động nguồn lực xây dựng huyện đạt tiêu chí đô thị loại IV, đến năm 2025 đạt tiêu chí cấp thị xã với quan điểm quy hoạch phát triển đô thị sinh thái, thông minh, xanh, các dịch vụ nghỉ dưỡng kết nối đồng bộ với đô thị vệ tinh của Thủ đô Hà Nội. Lấy sông Bùi, QL6, đường Hồ Chí Minh, đường vành đai 5 (qua địa bàn huyện) làm trục không gian phát triển của huyện. Huyện đang thực hiện các giải pháp đẩy nhanh các dự án, công trình quan trọng, mục tiêu kết nối vào năm 2025, gồm các tuyến: Đường liên kết nối từ quốc lộ với khu công nghiệp Nhuận Trạch, đường kết nối thị trấn Lương Sơn với các khu chức năng; huy động các nguồn lực thu hút đầu tư theo quy hoạch, xây dựng huyện là trung tâm hậu cần, dịch vụ và hạt nhân vùng động lực phát triển công nghiệp phía Đông Bắc của tỉnh. Đối với TP Hòa Bình, mấy năm nay đã quan tâm công tác quy hoạch, quản lý quy hoạch, triển khai hàng loạt các dự án đầu tư hạ tầng chiến lược mở ra không gian phát triển đô thị, diện mạo của thành phố thay đổi mạnh mẽ. Thành phố đang thực hiện các giải pháp phấn đấu đến năm 2025 đạt cấp đô thị loại III, văn minh, hiện đại, có bản sắc riêng, là một trong những đô thị trung tâm vùng Thủ đô Hà Nội, là đô thị sinh thái, mang đậm bản sắc văn hóa, lịch sử, dân tộc vùng Tây Bắc; có vị trí QP-AN quan trọng phía Tây vùng Thủ đô. Định hướng phát triển là thành phố trung tâm kinh tế, chính trị, thương mại, dịch vụ của tỉnh và vùng Tây Bắc, là thành phố có cảnh quan thiên nhiên, phát triển hai bên bờ sông Đà, kết nối với hồ Hòa Bình, mang bản sắc riêng, là nơi đáng sống của cư dân. Nghị quyết và đề án của Tỉnh ủy đặt mục tiêu đến năm 2025, tỷ lệ ĐTH toàn tỉnh đạt 38%; phát triển đô thị tạo động lực phát triển KT-XH, là hạt nhân thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại hóa, công nghiệp hóa; phát triển đô thị gắn với phát triển nông thôn và sử dụng hiệu quả quỹ đất trong đô thị. Chú trọng đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và kiểm soát chất lượng môi trường đô thị, kết hợp hài hòa giữa cải tạo, xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái, tăng cường khả năng ứng phó với biến đổi khí hậu tại các đô thị. Tỉnh đang tập trung đầu tư hạ tầng nâng cấp đô thị TP Hòa Bình đạt tiêu chí loại II, huyện Lương Sơn cơ bản đạt các tiêu chí thị xã, thị trấn Mai Châu và các xã phụ cận, thị trấn Chi Nê, thị trấn Mãn Đức đạt tiêu chí đô thị loại IV, các thị trấn được mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại V... Năm 2022, tỉnh tập trung chỉ đạo công tác quy hoạch, giải quyết khó khăn, vương mắc trong giải phóng mặt bằng, cải cách hành chính, ưu tiên và huy động nguồn lực đầu tư các dự án, công trình trọng điểm có sức lan tỏa, thu hút đầu tư, thúc đẩy phát triển đô thị, du lịch, thương mại ở những khu vực có tiềm năng, lợi thế; hỗ trợ các dự án phát triển nhà ở thương mại triển khai theo kế hoạch. Ngành chức năng tham mưu Tỉnh ủy, UBND tỉnh triển khai các giải pháp về phát triển đô thị, nhà ở, thực hiện rà soát, quản lý hiệu quả quỹ đất, đấu giá đất theo quy định. Nghiên cứu và thực hiện cơ chế huy động nguồn lực để Nhà nước giải phóng mặt bằng, thực hiện các dự án trọng điểm, có sức lan tỏa, nhằm tạo nguồn thu cho ngân sách, nâng cao năng lực quản lý Nhà nước về đô thị, thị trường bất động sản; triển khai các dự án nhà ở đô thị, thương mại phù hợp với quy hoạch phát triển KT-XH ,quy hoạch phát triển nhà ở của tỉnh và đặc điểm của từng địa bàn dân cư, tiến tới mọi người dân có chỗ ở, phát triển đô thị thông minh, tăng trưởng xanh, bền vững, nâng cao chất lượng sống của người dân. Lê Chung