Phát triển du lịch, đóng góp tích cực vào mục tiêu tăng trưởng kinh tế
Thời gian qua, những chủ trương, chính sách sát đúng cùng sự vào cuộc đồng bộ của các địa phương đã giúp du lịch Hà Tĩnh có những chuyển động mạnh mẽ, góp phần tích cực vào tăng trưởng kinh tế.
Từng là một nông dân loay hoay với đủ nghề mưu sinh, anh Nguyễn Văn Phú (tổ dân phố Nhân Hòa, xã Thiên Cầm) đã “chuyển mình” mạnh mẽ khi quyết định đầu tư xây dựng mô hình homestay tại Khu du lịch (KDL) Thiên Cầm vào năm 2022. Chỉ trong vòng 3 năm, hướng đi mới đã giúp anh ổn định cuộc sống, mức thu nhập cao gấp nhiều lần so với trước.

Mô hình du lịch homestay của anh Nguyễn Văn Phú tại KDL Thiên Cầm.
“Từ chủ trương phát triển du lịch của Nhà nước, cộng với sự thay đổi trong nhận thức, tôi tìm được hướng đi làm du lịch bền vững. Thời gian qua, homestay của tôi đón hàng chục nghìn lượt khách, không chỉ mang lại giá trị kinh tế mà còn góp phần cùng địa phương xây dựng Thiên Cầm trở thành điểm đến hấp dẫn, thân thiện” - anh Phú chia sẻ.


Nhờ chuyển hướng xây dựng mô hình du lịch đã giúp anh Nguyễn Văn Phú (áo sọc xanh) thay đổi cuộc sống.
Không chỉ anh Phú, hàng chục gia đình khác tại Thiên Cầm cũng đang thay đổi tư duy, mạnh dạn đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Chỉ riêng mùa hè này, KDL đã có thêm 6 cơ sở lưu trú với hơn 200 phòng do người dân tự đầu tư xây dựng. Cùng với gần 50 nhà hàng và 41 cơ sở lưu trú hiện có, Thiên Cầm ngày càng sôi động, thu hút lượng khách lớn và tạo ra doanh thu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm (trong đó, chỉ tháng 5 và 6/2025, doanh thu KDL Thiên Cầm ước đạt 233 tỷ đồng).
Sự phát triển du lịch đã kéo theo nhu cầu lớn về tiêu dùng hải sản, nông sản, sản phẩm OCOP địa phương. Các ngư dân thêm phần hăng hái ra khơi; các cơ sở chế biến nâng công suất hoạt động. Điển hình là cơ sở sản xuất sản phẩm OCOP của bà Hoàng Thị Lịch - Giám đốc HTX Hải sản Cửa Nhượng chuyên chế biến các sản phẩm từ hải sản. Mỗi năm, cơ sở của bà Lịch cung ứng ra thị trường hàng chục tấn sản phẩm, doanh thu đạt hàng chục tỷ đồng. Không chỉ vậy, bà còn đứng ra liên kết với nhiều mô hình OCOP quanh vùng, mở gian hàng trưng bày và tiêu thụ sản phẩm tại Thiên Cầm, mang đến không gian trải nghiệm đặc sắc cho du khách.


Lượng khách du lịch tăng cao kéo theo các lĩnh vực sản xuất nông, ngư nghiệp, dịch vụ phát triển.
Tương tự Thiên Cầm, KDL biển Xuân Thành (xã Tiên Điền) những năm gần đây cũng vươn mình mạnh mẽ nhờ được tăng cường đầu tư. Hạ tầng khang trang, môi trường sạch đẹp, dịch vụ đa dạng đã giúp nơi đây thu hút hàng chục vạn lượt khách mỗi năm, tạo việc làm cho hàng trăm lao động. Nhờ đó, kinh tế địa phương chuyển biến rõ nét, góp phần đưa xã Xuân Thành cũ nay thuộc xã Tiên Điền trở thành xã đầu tiên trong huyện Nghi Xuân (cũ) đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Không chỉ tập trung vào du lịch biển, Hà Tĩnh còn đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch nông thôn. Nhiều vùng đất vốn khô cằn, hoang sơ như ở xã Thạch Xuân nay đã khoác lên mình diện mạo mới. Tiêu biểu là KDL sinh thái Đá Bạc Eco, đi vào hoạt động từ năm 2022, đến nay trở thành điểm đến hấp dẫn của du khách gần xa. Ông Nguyễn Minh Trang - chủ KDL chia sẻ: “Chính nhờ những chính sách khuyến khích phát triển du lịch và tình yêu quê hương đã thôi thúc tôi tạo dựng nên không gian sinh thái mang đậm bản sắc địa phương, vừa phục vụ du khách vừa quảng bá vẻ đẹp vùng đất mình sinh ra”.

Từ một vùng "đất cằn, đá sỏi" ở xã Thạch Xuân, ông Nguyễn Minh Trang đã xây dựng nên Khu du lịch sinh thái Đá Bạc Eco xanh tươi thu hút đông đảo du khách tham quan, trải nghiệm.
Song song với giá trị kinh tế, phát triển du lịch còn giúp bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của Hà Tĩnh. Các câu lạc bộ ca trù, dân ca ví, giặm, di sản được UNESCO công nhận nay từng bước trở thành sản phẩm du lịch tinh thần ấn tượng. Tại Khu di tích Nguyễn Công Trứ (xã Nghi Xuân) mỗi tuần có 2-3 đoàn khách tới nghe biểu diễn ca trù; tại KDL Xuân Thành (xã Tiên Điền), các đêm nghệ thuật vào cuối tuần biểu diễn dân ca ví, giặm trở thành điểm hẹn được du khách yêu thích.
Nghệ nhân Thùy Diễm (xã Tiên Điền) hào hứng chia sẻ: “Nhiều du khách đến từ trong nước và nước ngoài yêu thích đến mức tặng quà, lì xì cho nghệ nhân chúng tôi sau các tiết mục biểu diễn ví, giặm. Những tình cảm như thế là nguồn động viên lớn để chúng tôi thêm hăng say gìn giữ, lan tỏa di sản”.

CLB Ca trù Nguyễn Công Trứ biểu diễn phục vụ khách du lịch.
Tại KDL văn hóa sinh thái Hải Thượng (xã Hương Sơn), Ban Giám đốc cùng chính quyền địa phương đã nỗ lực phát triển nhiều sản phẩm du lịch gắn với di sản Đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, tạo điểm nhấn độc đáo, đậm chất văn hóa. Việc khai thác các giá trị tinh thần, con người, cảnh sắc vùng sông La - núi Hồng đang mang lại những sản phẩm du lịch mới mẻ, giàu bản sắc.
Theo Sở VH-TT&DL, trong 3 năm gần đây, ngành du lịch Hà Tĩnh có bước tăng trưởng ổn định, lượng du khách ngày một tăng (năm 2023 đạt 3,36 triệu lượt; năm 2024 đạt 5,6 triệu lượt; năm 2025 dự kiến đạt 6,5 triệu lượt). Sự khởi sắc của du lịch đã đóng góp rõ nét vào tăng trưởng kinh tế chung, tạo việc làm, nâng cao đời sống người dân.

KDL văn hóa sinh thái Hải Thượng (xã Hương Sơn) phát triển món ăn thuốc từ di sản của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác để phục vụ du khách.
Ông Dương Minh Bình - chuyên gia hàng đầu về du lịch cộng đồng của Việt Nam, hiện đang đầu tư mô hình CBT tại thôn Yên Điềm (xã Lộc Hà) cho biết: “Tại nhiều địa phương như: Mai Hịch, Hang Kia - Pà Cò (tỉnh Phú Thọ, thuộc tỉnh Hòa Bình cũ), Hua Tạt (Sơn La), Pù Luông, Bá Thước (Thanh Hóa)… sau khi chúng tôi xây dựng thành công mô hình du lịch cộng đồng, đời sống người dân thay đổi rõ rệt. Tôi tin rằng, mô hình CBT ở thôn Yên Điềm sắp khai trương cũng sẽ mang lại hiệu ứng tích cực, thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo tồn văn hóa, gìn giữ môi trường. Hà Tĩnh có đầy đủ tiềm năng về thiên nhiên, con người, nếu khai thác đúng hướng, du lịch sẽ là ngành phát triển bền vững cho tương lai”.


Ông Dương Minh Bình - Chuyên gia CBT du lịch cộng đồng Việt Nam động viên, hướng dẫn ông Dương Văn Đức (thứ 2 từ trái sang) xây dựng mô hình CBT Thịnh Lộc dịp tháng 2/2025 và tiến độ công trình vào thời điểm hiện nay (8/7/2025).
Khẳng định vai trò trung tâm của ngành du lịch, bà Võ Thị Thu Hiền - Trưởng phòng Quản lý du lịch (Sở VH-TT&DL) nhấn mạnh: “Trong quy hoạch tỉnh mới nhất, du lịch được xác định là 1 trong 4 ngành kinh tế trọng điểm. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục tham mưu chính sách phù hợp, tận dụng các lợi thế từ mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, đồng thời thúc đẩy sự vào cuộc mạnh mẽ từ cấp cơ sở, doanh nghiệp, người dân để phát triển du lịch toàn diện, hiệu quả”.
Từ Thiên Cầm, Tiên Điền đến Thạch Xuân, Lộc Hà, Hương Sơn… cho thấy phát triển du lịch trở thành chất xúc tác giúp hồi sinh những tiềm năng tưởng chừng bị lãng quên của mỗi làng quê. Với những chuyển động đúng hướng trong phát triển, ngành “công nghiệp không khói” không chỉ góp phần thúc đẩy kinh tế mà còn tôn vinh văn hóa, tạo bản sắc, nâng tầm vị thế quê hương núi Hồng - sông La trong dòng chảy hội nhập, bước vào kỷ nguyên mới.