Phát triển du lịch golf để hút khách hạng sang

Du lịch golf là dòng sản phẩm cao cấp, thu hút đối tượng khách có mức chi tiêu cao. Việt Nam với nhiều cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp đang có những lợi thế để phát triển dòng sản phẩm này. Nhưng để 'con gà' du lịch golf đẻ 'trứng vàng' còn rất nhiều việc phải làm.

Nhiều lợi thế phát triển du lịch golf

Theo Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong 4 tháng đầu năm 2023 ngành du lịch Việt Nam đã đón gần 3,7 triệu lượt khách quốc tế, trong đó có đến 30 - 40% là khách du lịch golf.

Việt Nam vượt qua các điểm đến như Mỹ, New Zealand, Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Indonesia và Malaysia… được World Golf Award chọn là Điểm đến tốt nhất golf thế giới và châu Á các năm 2019, 2021, 2022. Đây là những bằng chứng cho thấy du lịch golf Việt Nam hoàn toàn có đủ tiềm lực, năng lực cạnh tranh để thu hút du khách cả ở thị trường trong nước và quốc tế.

Golfer quốc tế tại sân golf Đồng Mô. Ảnh: Hoài Nam

Golfer quốc tế tại sân golf Đồng Mô. Ảnh: Hoài Nam

Nhiều chuyên gia du lịch cho rằng, Việt Nam có đầy đủ tiềm năng và cơ hội để trở thành "Thiên đường golf của châu Á".

Tổng Giám đốc điều hành Asia Pacific Golf Group Mike Sebastian nhìn nhận, không nơi nào trên thế giới có được sự phát triển golf nhanh và đồng bộ như ở Việt Nam. Hiện Việt Nam có 100 sân golf đang hoạt động, trong đó 32 sân đạt tiêu chuẩn 5 sao quốc kết hợp khu nghỉ dưỡng sang trọng.

Tại Hà Nội, du lịch golf được đẩy mạnh phát triển nhiều năm nay. Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Nguyễn Hồng Minh cho biết, thành phố hội tụ đủ các yếu tố để phát triển sản phẩm du lịch golf trở thành sản phẩm đặc sắc, với 6 cụm sân golf, bao gồm 10 sân golf tiêu chuẩn như: Long Biên, Vân Trì Golf Club, Kings Island Golf, Minh Trí, Legend Hill… Đây đều là những sân golf lớn, chuyên nghiệp, đạt chuẩn quốc tế với cảnh quan tự nhiên đa dạng, hấp dẫn.

Golfer quốc tế tại sân golf Đồng Mô. Ảnh: Hoài Nam

Golfer quốc tế tại sân golf Đồng Mô. Ảnh: Hoài Nam

Ngoài ra, hệ thống phụ trợ, cơ sở lưu trú hiện nay của Hà Nội khá đa dạng, chuyên nghiệp, nhất là các khách sạn nghỉ dưỡng 4 - 5 sao được đầu tư đồng bộ, hiện đại với nhiều thương hiệu lớn như: JW Marriot, Sheraton, Metropole… Du khách khi đến Hà Nội còn dễ dàng tiếp cận hệ sinh thái golf ở các địa phương lân cận như Vĩnh Phúc, Hòa Bình, Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh...

Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch golf Việt Nam Phạm Thành Trí, Việt Nam đang là điểm đến du lịch golf quốc tế, bởi gần với các quốc gia có số người chơi golf tăng cao như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc)… Đồng thời với khí hậu nhiệt đới gió mùa, nên có thể chơi golf quanh năm, rất thuận lợi cho phát triển du lịch golf.

Các Golfer tham gia giải golf do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức năm 2022. Ảnh: Hoài Nam

Các Golfer tham gia giải golf do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức năm 2022. Ảnh: Hoài Nam

“Hiện nay, khách nước ngoài vào Việt Nam chơi golf nhiều nhất là từ Mỹ, Canada, Úc, Hàn Quốc, Nhật Bản và thường mua tour theo 3 hình thức combo (vé máy bay + lưu trú + chơi golf), nghỉ dưỡng tại resort kết hợp tham gia giải golf và khách chơi golf kết hợp công việc” - ông Phạm Thành Trí chia sẻ.

Vẫn còn nhiều việc phải làm

Việc phát triển du lịch golf sẽ thu hút du khách có mức chi tiêu cao đến Việt Nam, nhưng trong quá trình xây dựng, khai thác vẫn còn nhiều nút thắt cần tháo gỡ.

Tổng Giám đốc Công ty lữ hành HanoiRedtours Nguyễn Công Hoan cho rằng, sở dĩ Việt Nam chưa phát triển du lịch golf tương xứng với lợi thế vốn có là bởi việc liên kết giữa các doanh nghiệp lữ hành với sân golf chưa chặt chẽ, du lịch golf chưa kết nối với các loại hình du lịch khác như du lịch MICE, tàu biển, nghỉ dưỡng... Bên cạnh đó, hệ thống dịch vụ du lịch golf chưa đáp ứng được yêu cầu, chưa tổ chức được các giải đấu chuyên nghiệp nên giá trị sản phẩm chưa cao.

Các Golfer tham gia giải golf do báo Kinh tế &Đô thị tổ chức năm 2022. Ảnh: Hoài Nam

Các Golfer tham gia giải golf do báo Kinh tế &Đô thị tổ chức năm 2022. Ảnh: Hoài Nam

Nhà nước nên khuyến khích, tạo điều kiện cho các tập đoàn du lịch lớn trên thế giới được thành lập tại Việt Nam và được thực hiện tất cả các nghiệp vụ du lịch. Việt Nam muốn đón loại khách chi trả cao, để có thể trở thành thị trường sang trọng về du lịch thì chắc chắn phải có các doanh nghiệp trên thế giới tham gia để chuyển khách hàng cho du lịch Việt Nam.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình

Tương tự Phó Giám đốc Vietravel chi nhánh Hà Nội Phạm Văn Bảy cho rằng, hạn chế lớn nhất khi khai thác loại hình du lịch cao cấp này là thiếu đường bay thẳng đến các địa phương có sân golf. “Đà Lạt hiện có 3 sân golf đẹp nhưng khách quốc tế muốn đến phải trung chuyển qua Hà Nội, Đà Nẵng hoặc TP Hồ Chí Minh” - ông Phạm Văn Bảy dẫn chứng.

Tại tọa đàm “Tiềm năng và định hướng phát triển du lịch golf Hà Nội” do Sở Du lịch Hà Nội vừa tổ chức, Phó Chủ tịch CLB Lữ hành Unesco Hà Nội Phạm Tiến Dũng nêu rõ, để lữ hành có thể làm tour du lịch golf, doanh nghiệp du lịch cần phải hiểu rõ về gói sản phẩm dịch vụ của sân golf. Vì vậy để triển khai được tour du lịch golf, doanh nghiệp lữ hành mong muốn có gói đánh golf với giá thấp hơn mức phí mà các sân golf áp dụng hiện nay.

“Các công ty lữ hành không mặn mà triển khai tour, vì mức chiết khấu của các sân golf dành cho công ty du lịch không cao, đồng thời phải đặt và thanh toán trước dịch vụ sân nên doanh nghiệp chỉ chọn làm tour dành cho đoàn, không phục vụ khách lẻ” - ông Phạm Tiến Dũng chia sẻ

Để phát triển loại hình du lịch golf, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Hà Văn Siêu nhấn mạnh nên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin để đẩy mạnh giao lưu, kết nối giữa các câu lạc bộ golf. Bên cạnh đó các địa phương cũng cần hỗ trợ doanh nghiệp lữ hành trong kết nối sân golf, từ đó mở rộng du lịch golf giữa các địa điểm.

Các Golfer tham gia giải golf do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức năm 2022. Ảnh: Hoài Nam

Các Golfer tham gia giải golf do báo Kinh tế & Đô thị tổ chức năm 2022. Ảnh: Hoài Nam

Để phát triển du lịch golf, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình kiến nghị, Nhà nước cho phép miễn hoặc giảm thuế tiêu thụ đặc biệt của những người chơi golf là khách du lịch. Việc giảm, miễn thuế sẽ nâng cao khả năng cạnh tranh rất lớn cho du lịch Việt Nam trong quá trình thu hút khách du lịch cao cấp.

Như vậy để tạo sức hút cho du lịch golf, bên cạnh hoàn thiện các loại hình sân golf, cần kết hợp chơi golf với những hoạt động du lịch mang tính thế mạnh của địa phương để tạo sự khác biệt, hấp dẫn về mặt văn hóa và trải nghiệm. Ngoài ra, Việt Nam cần tập trung tổ chức những giải đấu golf chuyên nghiệp và nghiệp dư, các hội thảo, khóa đào tạo, huấn luyện về golf để thu hút những người chơi golf và du khách thật sự quan tâm đến môn thể thao này ở cả trong, ngoài nước.

Lê Nam

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/phat-trien-du-lich-golf-de-hut-khach-hang-sang.html