Phát triển du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh

Trong thời gian qua, cùng với chủ trương kích hoạt lại hệ thống hạ tầng du lịch và thu hút nguồn nhân lực, Hà Nội đã có nhiều cơ chế hỗ trợ, khuyến khích các doanh nghiệp, HTX đầu tư, tạo ra sản phẩm du lịch mới theo hướng xanh, thân thiện với môi trường. Nhờ đó, thành phố bước đầu đã thu hút được sự chú ý, cuốn hút du khách trở lại sau hai năm đóng cửa do đại dịch.

Ðể phát triển du lịch bền vững, nhất là sớm phục hồi hoạt động du lịch, Hà Nội đề ra nhiều giải pháp đột phá, trong đó, thành phố sẽ tập trung xây dựng mô hình phát triển du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh, có trách nhiệm và bền vững tại một số huyện ngoại thành Hà Nội.

Những tín hiệu mới

Bà Đặng Hương Giang, Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội chia sẻ, du lịch làng nghề có ý nghĩa về nhiều mặt văn hóa, kinh tế và xã hội. Trong khi đại dịch Covid-19 đã cơ bản được kiểm soát, đất nước bước vào trạng thái “bình thường mới”, cần có cách nhìn mới với cách làm mới để du lịch làng nghề phát huy tiềm năng, đạt hiệu quả cao.

Hà Nội đã và đang đẩy mạnh xây dựng mô hình phát triển du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh.

Hà Nội đã và đang đẩy mạnh xây dựng mô hình phát triển du lịch làng nghề theo hướng du lịch xanh.

Theo đó, thành phố sẽ hỗ trợ xây dựng và phát triển các điểm đến du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn, xây dựng và phát triển sản phẩm OCOP "Dịch vụ du lịch cộng đồng và điểm du lịch", xây dựng các mô hình chuỗi liên kết du lịch làng nghề có sự tham gia của các chủ thể Nông dân - HTX - Hộ kinh doanh - Doanh nghiệp, quảng bá, xúc tiến sản phẩm du lịch gắn với làng nghề truyền thống, ngành nghề nông nghiệp, nông thôn, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch tại các điểm du lịch cộng đồng gắn với làng nghề truyền thống.

Đồng thời, thành phố cũng xây dựng và triển khai chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển kinh tế du lịch gắn với xây dựng nông thôn mới.

“Hiện nay, Hà Nội có hơn 1.300 làng nghề, trong đó nhiều làng nghề truyền thống sản xuất ra những sản phẩm lưu niệm nổi tiếng, như: Gốm Bát Tràng, lụa Vạn Phúc, mây tre đan Phú Vinh, thêu Quất Động, khảm trai Chuôn Ngọ, sơn mài Hạ Thái, nón Chuông... Trong đó, mỗi năm, các làng nghề của Hà Nội thu hút hàng nghìn khách du lịch đến tham quan, trở thành “mảnh đất màu mỡ” cho công ty du lịch lữ hành khai thác, tìm kiếm những sản phẩm du lịch mới, những điểm đến mới. Do đó, trên tinh thần thích ứng linh hoạt, an toàn, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh với tư duy chủ đạo là “Du lịch xanh”. “Làng nghề xanh”, chúng ta cũng phải nắm thời cơ, khôi phục các hoạt động du lịch làng nghề mạnh mẽ hơn nữa” bà Đặng Hương Giang nhấn mạnh.

Như khẳng định của ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND thành phố, du lịch đã được coi là ngành kinh tế mũi nhọn, là một thành phần của công nghiệp văn hóa, góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển thủ đô.

Đến nay, sau hơn hai năm bị đại dịch Covid-19 tác động tiêu cực, sa sút nghiêm trọng, du lịch thủ đô đang có cơ hội hoạt động trở lại.

Để hiện thực hóa các mục tiêu này, Hà Nội đã đặt ra một định hướng mới cần được nhấn mạnh, đó là tư duy về “Du lịch xanh”, coi đây là xu hướng chủ đạo của hoạt động du lịch ngày nay phù hợp với xu thế chung của thế giới trong bảo vệ môi trường.

“Du lịch xanh” trước hết là vì sức khỏe của cư dân làng nghề, sức khỏe của khách du lịch, cũng là góp phần thực hành “kinh tế xanh”. Từ đó, sẽ tạo nên cảnh quan trong lành cho du lịch, bảo đảm một làng nghề sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn trong du khách.

Du lịch xanh yêu cầu làng nghề không còn ô nhiễm, sản phẩm hàng hóa làng nghề phải dùng nguyên liệu, nhiên liệu thân thiện với môi trường, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng, cư dân làng nghề có lối “sống xanh”, đường sá sạch đẹp, nói “không” với rác thải nhựa.

Niềm tự hào nghề truyền thống

Có thể nói, việc phát triển du lịch làng nghề gắn với du lịch xanh đang lan tỏa ở hầu khắp các địa phương trên địa bàn thành phố.

Làng hoa Tây Tựu, Phường Tây Tựu, Quận Bắc Từ Liêm được biết đến là một “thủ phủ” hoa lớn nhất miền Bắc, cung ứng hoa tươi cho thủ đô Hà Nội và nhiều tỉnh thành phía Bắc.

Không chỉ gắn phát triển kinh tế với xây dựng thương hiệu làng nghề, HTX Dịch vụ Tổng hợp Tây Tựu còn chú trọng công tác bảo vệ môi trường nhằm nâng cao giá trị sản xuất.

Phát triển du lịch làng nghề theo hướng xanh, bền vững đã và đang phát huy được hiệu quả bền vững.

Phát triển du lịch làng nghề theo hướng xanh, bền vững đã và đang phát huy được hiệu quả bền vững.

Theo ông Đinh Duy Hòa, Giám đốc HTX số 1 Tây Tựu, trước đây, toàn bộ diện tích đất của Tây Tựu trồng lúa và các loại cây màu như dưa lê, cà chua… Sau khi những cây hoa đầu tiên được đưa về trồng sinh trưởng và phát triển tốt, đem lại cho người dân Tây Tựu thu nhập ổn định thì các hộ dân ở đây đã quyết định chuyển sang nghề trồng hoa kết hợp với du lịch sinh thái.

Mỗi năm, làng hoa đã tạo công ăn việc làm cho hàng nghìn lượt lao động ở các tỉnh bạn. Doanh thu sản xuất hoa Tây Tựu hằng năm đạt khoảng 150 tỷ đồng, lợi nhuận 100 tỷ đồng, thu nhập bình quân một lao động làm nghề đạt gần 8 triệu đồng/tháng. Đời sống người dân Tây Tựu được cải thiện đáng kể.

Người Tây Tựu hôm nay luôn mang trong mình niềm tự hào với nghề truyền thống của làng. Nghề trồng hoa đã biến không ít người nông dân “chân lấm tay bùn” thành những ông chủ lớn.

Tại HTX Hoa - cây cảnh và dịch vụ Hồng Vân ở huyện Thường Tín, tận dụng lợi thế trên địa bàn xã có 2 làng được UBND TP Hà Nội công nhận là "làng nghề sinh vật cảnh" và điểm "du lịch làng nghề sinh vật cảnh Hồng Vân", HTX Hồng Vân nhanh chóng triển khai thêm dịch vụ du lịch sinh thái xanh, gắn với bảo vệ môi trường.

Quy trình sản xuất của HTX theo mô hình trồng hoa, cây cảnh, nuôi thả cá, trồng rau an toàn, đầu tư dịch vụ xe điện du lịch đưa đón du khách tham quan từ mô hình này đến mô hình khác... đã giúp các thành viên trong HTX liên kết, hoạt động theo chuỗi.

Ông Nguyễn Văn Tứ - Chủ tịch HĐQT HTX Hồng Vân cho biết: Nguồn giá trị dịch vụ đôi khi còn lớn hơn giá trị sản phẩm. Nhưng hiện nay, địa phương chưa có điều kiện về dịch vụ lưu trú nên khách đến du lịch trải nghiệm chỉ trong ngày.

Theo ông Tứ, để phát triển thành một điểm đến hấp dẫn nhiều du khách, TP Hà Nội cần có cơ chế, chính sách để HTX có thể tiếp cận nguồn vốn ưu đãi thấp, dài hạn để đầu tư. Đồng thời, hỗ trợ quảng bá, tập huấn, đặc biệt là cho hộ thành viên nhằm thu hút khách du lịch lưu trú, qua đó sẽ tiêu thụ được nhiều thực phẩm nông sản, sử dụng các dịch vụ nhiều hơn.

Có thể thấy, phát triển du lịch làng nghề theo hướng xanh, bền vững đã và đang phát huy được hiệu quả trong việc tăng thu nhập cho người dân, duy trì sản vật địa phương. Để phát huy hiệu quả hơn nữa, trong thời gian tới, Hà Nội sẽ tiếp tục xây dựng mô hình du lịch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ để khách tới tham quan, trải nghiệm, điều tra, khảo sát hoạt động phát triển nông nghiệp, làng nghề kết hợp du lịch tại các xã, thị trấn để đánh giá về thực trạng cũng như xây dựng các mô hình phát triển, có chính sách hỗ trợ tương xứng đầu tư phát triển theo mô hình du lịch xanh, ứng dụng công nghệ cao. Đồng thời, mở các lớp tập huấn chuyên môn về phát triển du lịch làng nghề để thúc đẩy lĩnh vực này phát triển hơn nữa.

Hoàng Hằng

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//kinh-doanh-xanh/phat-trien-du-lich-lang-nghe-theo-huong-du-lich-xanh-1085717.html