Phát triển du lịch phố cổ Hội An: Thu phí tham quan phải gắn liền với công tác bảo tồn

Câu chuyện phố cổ Hội An thu phí khách tham quan là đề tài nhận nhiều tranh cãi trong dư luận trong những qua. Nhiều ý kiến phản đối, cũng không ít người đồng tình, có quan điểm còn cho rằng nên thu nhưng ở mức thấp hơn…

Cho dù chính quyền địa phương đã thông tin sẽ tạm dừng phương án "Tăng cường công tác quản lý hoạt động Hướng dẫn tham quan Khu phố cổ Hội An", vốn dự định triển khai từ ngày 15.5.2023, tuy nhiên để câu chuyện làm kinh tế di sản nói riêng, phát triển du lịch nói chung vẫn còn nhiều việc cần phải trao đổi luận bàn.

Là một chuyên gia gắn bó nhiều năm trong ngành du lịch, PGS-TS. Phạm Trung Lương – Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch), đã chia sẻ với Người Đô Thị nhiều góc nhìn cũng như đề xuất các giải pháp đáng cân nhắc cho vấn đề nêu trên.

Nếu thu phí minh bạch và hợp lý sẽ nhận được sự ủng hộ

Theo ông, việc Hội An thực hiện thu phí tham quan với khách du lịch có khả thi không?

Hội An không phải là một điểm du lịch bình thường mà là một điểm tham quan đặc biệt như một “đô thị”, bởi có sự sinh sống của người dân ở đó. Và khác với nhiều phố cổ khác, Hội An là thành phố cổ có nhiều lối dẫn vào trung tâm nên việc thu phí sẽ gặp nhiều khó khăn.

PGS-TS. Phạm Trung Lương, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch).

PGS-TS. Phạm Trung Lương, Nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu du lịch (Tổng cục Du lịch).

Tuy nhiên, để đánh giá việc thu phí tham quan ở đây có khả năng thực hiện được hay không là do vấn đề xã hội, nếu khách du lịch nhận thức được và ủng hộ thì sẽ khả thi, nhưng nếu vẫn còn những vấn đề khiến cho du khách băn khoăn với cách thu phí đó thì sẽ không khả thi được, không chỉ đối với Hội An mà tất cả các điểm du lịch khác cũng thế.

Hơn nữa, hiện nay, Luật pháp ở Việt Nam chưa cho phép thu phí vào một đô thị vì mọi người dân đều có quyền đến một đô thị nào đó, kể cả đô thị đó có chức năng về du lịch, công nghiệp… Nhưng nếu chúng ta nhìn dưới góc độ điểm du lịch, hiện tại vẫn có những điểm du lịch giống như Hội An đã thu phí vào tham quan, nhưng cũng có những điểm du lịch người ta không thu phí vào, thay vào đó sẽ thu phí đối với các dịch vụ mà khách du lịch hay người dân địa phương sử dụng.

Hiện nay, trên thế giới đã có những nước nào thực hiện thu phí với một điểm du lịch đặc biệt giống như phố cổ Hội An, thưa ông?

Trên thế giới đã có rất nhiều nước thực hiện thu phí với một đô thị, ví dụ Trung Quốc đã tiến hành thu phí vào tham quan với rất nhiều điểm đô thị cổ như Phượng Hoàng cổ trấn, Tây Đường cổ trấn,… đây là những đô thị có chức năng du lịch và được quy định bắt buộc ai đến đó đều phải đóng phí tham quan. Ngoài ra, thành phố Venice trước đây không thu phí, nhưng bắt đầu từ đầu năm 2023 cũng đã tiến hành thu phí với khách tới đây trong ngày, nhằm kiểm soát tình trạng du lịch quá tải.

Chính vì thế, Hội An cũng không phải ngoại lệ và trên thực tế Hội An cũng đã thu phí từ lâu với các điểm du lịch.

Có hai cách tiếp cận đối thành phố Hội An, cách thứ nhất, nếu coi cả thành phố Hội An là một điểm một điểm tham quan việc thu phí vẫn có thể diễn ra được; và cách thứ hai là thu phí với từng điểm một trong thành phố, cách này đã được Hội An thực hiện từ lâu rồi. Theo tôi, nếu Hội An muốn thực hiện cách thu phí thứ nhất, cần phải đặt ra mục đích phải thu phí là gì. Đặc biệt, cần phải đề cao mục đích của việc thu phí tham quan phải gắn liền với công tác bảo tồn.

Bởi, hiện nay, ở trong ngành du lịch có một sự mâu thuẫn giữa bảo tồn và phát triển rất gay gắt. Đầu tiên dưới góc độ đạo đức, nếu chúng ta chỉ khai thác không nghĩ đến chuyện bảo tồn thì đó là phi đạo đức, và nếu không nuôi dưỡng nguồn thu, đến lúc nào đó nguồn tài nguyên sẽ bị cạn kiệt, không còn gì để khai thác. Mà câu chuyện này không chỉ là vấn đề ở các đô thị, điểm tham quan du lịch bình thường mà đây là vấn đề chung của ngành du lịch.

Hội An không phải là một điểm du lịch bình thường mà là một điểm tham quan đặc biệt như một “đô thị”, bởi có sự sinh sống của người dân ở đó. Ảnh: Báo điện tử Tổ Quốc

Hội An không phải là một điểm du lịch bình thường mà là một điểm tham quan đặc biệt như một “đô thị”, bởi có sự sinh sống của người dân ở đó. Ảnh: Báo điện tử Tổ Quốc

Dưới góc độ vĩ mô, chúng tôi đã nghiên cứu và nhận ra từ rất lâu khi làm quy hoạch phát triển du lịch Việt Nam lần đầu tiên, và đã đề xuất với Chính phủ rằng dành ra 50% lệ phí khách quốc tế đến Việt Nam để trực tiếp phục vụ cho công tác bảo tồn (bảo tồn các giá trị tự nhiên và giá trị văn hóa). Bởi, nếu chúng ta không bảo tồn, du lịch không thể phát triển được và nếu thiếu việc khai thác các giá trị tài nguyên, không có sản phẩm thì sẽ không có du lịch.

Mặc dù Nhà nước đã có những chính sách, nguồn kinh phí bảo tồn các khu vườn quốc gia, khu bảo tồn thiên nhiên… nhưng rất nhỏ không thể đủ được. Và đó chỉ là dưới góc độ bảo tồn theo nghĩa “bảo tồn”, chứ không phải theo nghĩa du lịch khai thác phải quay lại bảo tồn. Và khi chúng ta thực hiện được việc nuôi dưỡng nguồn thu để phục vụ cho công tác bảo tồn thì du lịch mới phát triển bền vững được.

Ngoài ra, tác động của du lịch sẽ liên quan đến vấn đề sức chứa của điểm đến đó, khi lượng khách vượt qua sức chứa đó sẽ gây ảnh hưởng rất mạnh. Nên trong du lịch, việc tính toán sức chứa cho điểm đến là bài toán luôn được đặt ra, vì nó liên quan đến công tác bảo tồn. Câu chuyện thu phí này không ngoài mục đích đó, phải hạn chế lượng khách đến, phải làm sao để ít tác động nhất, nên nếu kinh phí đó trực tiếp góp phần cho công tác bảo tồn thì việc thu phí hoàn toàn chính đáng từ góc độ về pháp lý lẫn quy định về đạo đức trong phát triển du lịch.

Theo ông, tại sao ở các nước trên thế giới thực hiện thu phí tham quan đối với một “đô thị” đều nhận được sự ủng hộ, trong khi với phố cổ Hội An lại còn gây ra sự tranh luận, thậm chí nhiều người không đồng tình?

Có hai nguyên nhân dẫn đến vấn đề đó. Thứ nhất do nhận thức xã hội, ở các nước đó có trình độ phát triển về kinh tế xã hội cao, người ta đã nhận thức được vấn đề đó (thu phí với du khách) cần thiết cho công tác bảo tồn, nên ủng hộ. Đồng thời, việc thu phí cũng được thể hiện qua khung pháp lý, trong khi ở Việt Nam chưa có những điều đó.

Thứ hai, do cách thức thu phí chưa thuyết phục. Nếu chúng ta đưa ra được cách thức thu minh bạch và hợp lý sẽ nhận được sự ủng hộ của người dân. Tuy nhiên, Hội An chưa thực hiện được việc đó, dù họ đã nói rằng sẽ dùng kinh phí này cho công tác bảo tồn nhưng kinh phí này không cố định, sẽ thay đổi liên tục theo mùa du lịch.

Vào mùa du lịch chắc chắn khách đến rất đông, việc thu phí sẽ là giảm được lượng khách quá tải, nhưng còn vào các mùa, khách du lịch đến ít, thậm chí chúng ta còn phải khuyến khích không thu phí nhằm lôi kéo được khách đến tham quan để cho có hoạt động. Bên cạnh đó, cần phải thu theo từng loại đối tượng khách, ví dụ người già, trẻ con… cần phải được giảm giá hay miễn phí.

Ngoài ra, ở các nước trên thế giới để ra được chính sách hoàn thiện, phù hợp với thực tế họ thực hiện theo quy trình từ dưới lên. Đó là xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, sau đó lấy ý kiến của đối tượng liên quan, những người bị ảnh hưởng bởi chính sách đó rồi mới hình thành chính sách nên khi ban hành không gây nhiều tranh cãi.

Còn ở Việt Nam lại xây dựng chính sách theo quy trình từ trên xuống dưới, cũng bắt đầu xuất phát từ nhu cầu thực tiễn, nhưng được giao cho đơn vị liên quan, lấy ý kiến của những nhà quản lý từ các cơ quan ban ngành, còn từ góc độ người chịu ảnh hưởng tác động chính sách đó thì không được xin ý kiến.

Và thực tế, Hội An cũng như thế, đã rơi vào "lỗ hổng" trong vấn đề xây dựng chính sách ở nước ta. Theo tôi, chủ trương thu phí của Hội An rất đúng đắn nhưng có sự vội vàng và chủ quan khi công bố chính sách này, trong khi chưa có nghiên cứu kỹ lưỡng điều tra xã hội học về ý kiến của người dân, chưa đưa ra được cách thức thực hiện đúng đắn, công khai con số thu phí chưa có căn cứ phù hợp để người dân ủng hộ, nên mới gặp phải sự phản ứng gay gắt từ dư luận.

Bên cạnh đó, ở các nước trên thế giới, ngoài mục đích bảo tồn, những phí đó còn hỗ trợ cho người dân trong kinh doanh và cuộc sống của họ vào những khoảng thời gian thấp điểm. Nếu một khi Hội An rõ ràng trong việc đó và xác định có lợi ích của người dân, chắc chắn người dân sẽ ủng hộ

Cho nên, có thể nói, sự minh bạch và cơ chế quản lý tiền phí thu được như thế nào thật sự rất quan trọng, để người ta thấy rằng phí đó không chui vào “túi” của ai mà chỉ phục vụ cho công tác bảo tồn và người dân. Làm được điều đó, việc thu phí chắc chắn sẽ nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của người dân và du khách.

Khách du lịch trải nghiệm cảnh ngập lụt ở phố cổ Hội An hồi tháng 9.2022. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Khách du lịch trải nghiệm cảnh ngập lụt ở phố cổ Hội An hồi tháng 9.2022. Ảnh: Văn Dũng/TTXVN

Hội An thu phí tại các điểm tham quan sẽ khả thi hơn!

Việc thành phố Hội An đưa ra phương án phân luồng hai lối đi riêng dành cho du khách và người dân địa phương tại khu vực trung tâm phố cổ, ông có ý kiến như thế nào về cách thực hiện đó?

Trước hết Hội An cần phải phân biệt giữa các đối tượng, là khách du lịch và người dân. Người dân ở đây là cả những người đến làm việc, đây là bài toán khá khó.

Nếu như các nước trên thế giới họ không cần biết đến dân, người dân vẫn cứ đến tham quan, còn với khách du lịch, có thể chia hai loại là khách đi theo đoàn và khách đi lẻ. Thậm chí, người ta còn chia ra khách đi tham quan trong ngày và khách lưu trú để cho ra các mức giá khác nhau vì khách lưu trú đã đóng góp qua thuế khi họ sử dụng dịch vụ khách sạn, vui chơi giải trí,… và họ áp dụng các công nghệ để có thể phân biệt, thu phí với khách tham quan.

Mặc dù vậy, không phải địa điểm nào cũng thực hiện được như thế. Ví dụ như ở Cù Lao Chàm, muốn ra đó phải đi tàu, với khách du lịch sẽ sử dụng bằng vé, còn người dân sẽ áp dụng bằng mã thẻ để phân biệt được và không cần phải nộp phí.

Với tôi, Hội An thu phí là chính đáng và hết sức đúng đắn, nếu phục vụ cho công tác bảo tồn, trong đó có cả giảm tải lượng khách quá lớn. Điều quan trọng là cần phải tính toàn làm thế nào cho hợp lý, minh bách và không gây sự bất công giữa khách du lịch và người dân ở đó.

PGS-TS. Phạm Trung Lương

Nhưng phố cổ Hội An có rất nhiều đường, không thể làm mỗi đường một trạm như thế. Nên theo tôi, Hội An vẫn nên thu phí tại các điểm tham quan sẽ khả thi hơn, nhưng cũng cần phải nghiên cứu, phải đặt ra các vấn đề kiểm soát được lượng khách du lịch tránh tình trạng vượt quá sức chứa gây ảnh hưởng tiêu cực đến thành phố. Chúng ta có thể áp dụng công nghệ để kiểm soát lượng người sống ở trong đó và khách du lịch, hoặc thực hiện phương pháp đăng kí trước khi đến Hội An.

Hội An đã dừng áp dụng phương án mới về thu phí vào phố cổ, nhưng giả sử phương án trên được thực hiện thì theo ông liệu sẽ sẽ ảnh hưởng như thế nào về số lượng du khách đến đô thị di sản này?

Đối với lượng khách nước ngoài không cần lo lắng bởi người ta hiểu được việc bỏ thêm tiền ra là để phục vụ cho mục đích gì, còn đối với khách nội địa tôi cho rằng khả năng giai đoạn đầu họ đến Hội An sẽ ít hơn. Nhưng nếu cứ lấn cấn về điều này, mục tiêu của mình sẽ không thực hiện được, có thể thời gian đầu suy giảm nhưng thay vào đó sẽ thay dần chất lượng khách.

Với những khách có khả năng chi trả cao, họ cảm nhận được giá trị của Hội An và muốn trải nghiệm, họ sẵn sàng sử dụng các phí dịch vụ đắt đỏ, từ đó thông qua phí dịch vụ thu được này dù lượng khác có giảm đi chúng ta vẫn sẽ thu được kinh phí như trước, không chỉ vẫn có sự đóng góp về phát triển kinh tế cho đất nước mà còn làm giảm áp lực với Hội An. Vì vậy đừng nhìn vào lượng khách mà hãy quan tâm đến chất lượng của lượng khách.

Tuy nhiên, giá thu phí tham quan không được cố định và phải thay đổi theo mùa, tuy vào từng đối tượng.

Là một chuyên gia về ngành du lịch, ông có lời khuyên nào dành cho thành phố Hội An trong bài toán kinh tế di sản?

Tôi cho rằng Hội An rất cần phải có một phí bảo tồn, có thể thu phí công. Hoặc nếu không Nhà nước cho phép ngành du lịch có một cơ chế sử dụng một cách trực tiếp từ những cái du lịch thu được cho công tác bảo tồn, thì không cần các phí này. Nhưng thực tế hiện nay là không có, các điểm du lịch, văn hóa vẫn đang “vật lộn” để bảo tồn, bên cạnh sự nhỏ giọt từ kinh phí nhà nước, các điểm rất cần được thu phí.

Với tôi, Hội An thu phí là chính đáng và hết sức đúng đắn, nếu phục vụ cho công tác bảo tồn, trong đó có cả giảm tải lượng khách quá lớn. Điều quan trọng là cần phải tính toàn làm thế nào cho hợp lý, minh bạch và không gây sự bất công giữa khách du lịch và người dân ở đó.

Cần phải tính toán xem Hội An cần tiếp đón bao nhiêu khách mỗi ngày để không gây áp lực với thành phố này, không chỉ các khu di tích mà còn cơ sở hạ tầng ở nơi đây.

Cảm ơn ông đã chia sẻ!

Mộc Trà thực hiện

Chủ tịch tỉnh Quảng Nam đề nghị Hội An cân nhắc việc bán vé vào khu phố cổ

Việc bán vé tham quan khu phố cổ Hội An đã được thực hiện từ lâu. Tuy nhiên, khi đại dịch bùng phát, từ năm 2019 đến năm 2021, phố cổ Hội An cũng như nhiều điểm du lịch trên cả nước chịu ảnh hưởng nặng nề. Để thu hút du khách, các điểm tham quan đã áp dụng chính sách nới lỏng, miễn phí, giảm giá vé nhằm phục hồi du lịch.

Đến nay, tình hình dịch bệnh đã được kiểm soát, lượng khách đến phố cổ Hội An tăng đột biến, khiến chất lượng dịch vụ chưa thích nghi kịp, nhiều thời điểm, không gian khu phố cổ Hội An rơi vào tình trạng quá tải. Từ những lý do trên, thành phố Hội An đang xây dựng lại Đề án về kiểm soát hoạt động bán vé, hướng dẫn tham quan khu phố cổ theo đúng quy định Nhà nước.

Hội An đã đưa ra đề án từ ngày 15.5.2023, du khách trong nước và quốc tế phải mua vé tham quan tại các quầy vé trước khi vào khu phố cổ Hội An. Vé vẫn giữ nguyên mệnh giá hiện hành là 120.000 đồng/vé (dành cho khách quốc tế) và 80.000 đồng/vé (dành cho khách nội địa). Thời gian bán vé tham quan từ 7 giờ 30 đến 21 giờ 30 hằng ngày vào mùa hè và đến 21 giờ vào mùa đông.

Bên cạnh đó, sẽ có hai lối đi riêng tại các đường chính vào khu phố cổ, gồm một lối đi dành cho người dân và một lối đi dành cho du khách. Tuy nhiên, sau khi đưa ra các chính sách trên đã gặp nhiều ý kiến phản đối, không đồng tình của người dân.

Đông đảo du khách du lịch trong và ngoài nước tham quan Chùa Cầu ở Hội An. Ảnh tư liệu: Trung Dũng

Đông đảo du khách du lịch trong và ngoài nước tham quan Chùa Cầu ở Hội An. Ảnh tư liệu: Trung Dũng

Trước nhưng tranh luận xung quanh việc TP. Hội An thông báo sẽ áp dụng việc tất cả du khách trong và ngoài nước phải mua vé vào khu phố cổ từ ngày 15.5, ông Lê Trí Thanh - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, cho biết đã đề nghị UBND TP.Hội An cân nhắc thực hiện để vừa đáp ứng được yêu cầu quản lý trật tự, văn hóa du lịch song cũng phải phù hợp, khoa học và nhân văn.

Theo ông Thanh, việc quyết định phương án như thế nào thuộc thẩm quyền, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền TP. Hội An. Tuy nhiên, những vấn đề mới còn nhiều ý kiến khác nhau thì nên hết sức cầu thị và tôn trọng ý kiến đóng góp của cộng đồng cũng như các bên có liên quan. Ông Thanh cho rằng dù thực hiện theo cách thức nào thì cũng không nên để ảnh hưởng đến hình ảnh và thương hiệu của Di sản Văn hóa thế giới Hội An.

Sáng 8.4 vừa qua, trả lời báo chí, ông Trần Ánh, Bí thư Thành ủy Hội An (tỉnh Quảng Nam), cũng cho biết trước nhiều ý kiến trái chiều về việc TP Hội An siết chặt hoạt động bán vé tham quan khu phố cổ, Thành ủy Hội An đã chỉ đạo UBND thành phố Hội An lùi thời gian thực hiện chủ trương này.

Trước mắt các hoạt động mua bán vé tham quan phố cổ Hội An sẽ được tổ chức như thời điểm trước đại dịch bùng phát; đồng thời thành phố tiếp tục lắng nghe và tiếp thu ý kiến người dân địa phương và dư luận để có sự điều chỉnh phù hợp trước khi ban hành chủ trương mới.

Nguồn Người Đô Thị: https://nguoidothi.net.vn/phat-trien-du-lich-pho-co-hoi-an-thu-phi-tham-quan-phai-gan-lien-voi-cong-tac-bao-ton-39084.html