Phát triển đường sắt đô thị thay BRT?

Theo Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), Hà Nội sẽ phát triển đô thị theo định hướng giao thông công cộng, với ưu tiên cho đường sắt đô thị, vì có nhiều ưu điểm như giảm ùn tắc giao thông, vận tải khối lượng lớn, giúp tiết kiệm năng lượng... Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều băn khoăn, góp ý về quy hoạch giao thông công cộng, cần được tiếp thu vào dự thảo luật.

Hơn 7 năm đi vào hoạt động nhưng dự án BRT trị giá 53,3 triệu đôla Mỹ đang đứng trước nguy cơ bị khai tử, bởi thiếu tính hiệu quả, gây ùn tắc giao thông về mặt tổng thể. Một loạt đề xuất về đường sắt đô thị được đưa ra để thay thế nhưng dư luận vừa đồng tình lại vừa phản đối nếu bỏ BRT.

Quy hoạch Thủ đô mong muốn xây dựng mạng lưới đường sắt tại khu vực đô thị trung tâm, các ga tàu có khoảng cách phù hợp dành cho người đi bộ, có thể di chuyển đến mọi vị trí trong thành phố, đủ thay thế phương tiện giao thông cá nhân. Tuy nhiên, muốn hệ thống giao thông đô thị bền vững phải tổ chức thành nhiều tầng bậc từ chạy ngầm đến trên cao cũng như đa dạng loại hình phương tiện để phù hợp.

Kinh nghiệm từ Ấn Độ với 774km đường sắt đô thị ở 20 thành phố nhưng nhiều tuyến vắng khách, các dự án thua lỗ triền miên, dẫn đến phải thay đổi và hướng tới mô hình MetroNeo - xe bus điện, với chi phí bằng 25% so với đường sắt đô thị, để Hà Nội tham khảo.

Đầu tư cho đường sắt đô thị rất lớn, chi phí vận hành cao vậy nên cần nghiên cứu kĩ lưỡng về định hướng tuyến, về lộ trình xây dựng nếu thực hiện trong nhiều năm tránh tình trạng vừa xây vừa sửa làm đội vốn đầu tư, lại không đem lại hiệu quả giao thông như dự tính.

Mời quý vị và các bạn theo dõi nội dung chi tiết!

Thúy Hà - Phương Thảo - Lê Giang

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/phat-trien-duong-sat-do-thi-thay-brt-224224.htm